Theo Quyết định 281 của Bộ Công thương ban hành và có hiệu lực từ ngày 12.2 về khung giá phát điện năm 2019, khung giá phát điện đối với nhà máy nhiệt điện than dao động từ 1.677,02 - 1.896,05 đồng/kWh, nhà máy thủy điện là 1.110 đồng/kWh.
"Trần" phát nhiệt điện tăng cao nhất 23,4%
tin liên quan
Bỏ cơ chế bù trừ điện mặt trời trên mái nhàMột điểm cần lưu ý nữa là khung giá phát điện năm 2019 chỉ mới đề cập đến giá than nhập khẩu mà chưa xét đến giá than trong nước. Năm 2018, giá than trong nước cao hơn than nhập khẩu là 112.276 đồng/tấn. Năm nay theo công bố của EVN giá than nhập và than trong nước tăng tương ứng từ 11 - 15%. Nhu cầu than cho điện khoảng 26 triệu tấn, trong đó 19 triệu tấn than trong nước và hơn 6,8 triệu tấn than nhập khẩu. Chi phí mua than cho sản xuất điện năm 2019 sẽ tăng thêm khoảng 5.500 tỉ đồng. Lượng than trong nước gấp 3 lần than nhập mà không tính, liệu có chính xác?
“Dọa” tăng từ năm trước
|
Theo Bộ Công thương, doanh thu bán điện năm 2017 của EVN là 289.954 tỉ đồng trong khi chi phí sản xuất kinh doanh điện trong năm đó là 291.278 tỉ đồng. Thế nên, sau khi cộng tất cả thu chi của EVN năm 2017, thống kê cho thấy EVN vẫn lỗ 2.219 tỉ. Kế đến, tổng chi phí bị tăng lên năm 2018 và 2019 của EVN ước khoảng 20.735 tỉ đồng. Thế nên, việc điều chỉnh giá điện theo hướng tăng là không thể tránh khỏi.
Tuy nhiên, một chuyên gia kinh tế cho rằng, việc chỉ dựa vào một bên bán độc quyền hạch toán mọi chi phí tạo giá thành điện đang được thực hiện “một cách không minh bạch”. Chuyên gia của Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách trong một nhận định về việc tăng giá điện nói thẳng: Việc quản lý tổ chức trợ giá điện rồi báo cáo lỗ, tăng giá... đang được thực hiện lộn xộn, không nguyên tắc. Người dùng điện đang như “con tin” của đơn vị cung ứng điện. Các thông tin lỗ lã triền miên và mức lỗ của năm sau tăng cao hơn năm trước được báo cáo dồn dập trong năm qua được coi là động thái “dọn đường” để tăng giá điện trong năm nay.
|
Đồng quan điểm, TS Ngô Đức Lâm, Liên minh Năng lượng bền vững VN (VSEA), nhận xét công thức tính giá điện rất phức tạp vì có nhiều yếu tố làm nên giá chứ không chỉ có giá thành nguyên liệu. “Trước đây tôi đã từng nghiên cứu cách tính giá điện và theo nguyên tắc thị trường thì ngoài những yếu tố làm giá tăng thì cũng có yếu tố làm giá giảm. Chúng ta có thể hình dung giống như điều hành giá xăng dầu vậy, không phải lúc nào cũng tăng. Tuy nhiên từ trước tới giờ, giá điện chỉ tăng chứ không có giảm”, ông Lâm nói.
tin liên quan
EVN có tổng giám đốc mớiChưa biết tăng bao nhiêu
Theo chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh, giá điện đang đứng trước thách thức lớn, bắt buộc phải tăng bởi chúng ta “đã không nâng giá một thời gian rồi”. Bên cạnh đó, giá đầu vào sản xuất điện lại tăng, giá than thế giới đang tăng nên nói rằng không thể tăng giá điện lúc này là “khó cho ngành điện”. “Việc tăng giá điện theo tôi là điều không tránh khỏi. Tuy nhiên, do khung giá Bộ Công thương đưa ra chỉ là mức cho phép doanh nghiệp kinh doanh điện dựa vào đó để ban hành bảng giá mới, nên tăng cụ thể thế nào chưa thể nói ngay được. Tuy nhiên, điều cần lưu ý là tốc độ tăng và mức tăng thế nào để nền kinh tế chịu được là vấn đề quan trọng mà Bộ Công thương cần cân nhắc với EVN”, ông Doanh nhấn mạnh.
PGS-TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính), cho rằng kịch bản giá điện năm 2019 đã được dự báo sẽ tăng do bị “dồn nén” chưa tăng trong năm qua. “Theo tôi biết, chênh lệch tỷ giá năm 2018 của giá điện ước tính khoảng 10.000 tỉ đồng. Với con số này, năm nay chắc chắn ngành điện tìm cách lấy lại để bù lỗ. Tuy nhiên, đây là mặt hàng khá nhạy cảm, có bất cứ điều chỉnh nào đều phải được cân nhắc tính toán kỹ và hết sức thận trọng. Ban đầu, ngành điện đưa ra mức tăng dự toán từ 12 - 13%, nhưng cơ quan quản lý đã hạ xuống 8% nếu đề án tăng giá điện thông qua. Với khung giá mới này, chắc chắn giá bán lẻ điện sẽ được điều chỉnh tăng trong năm nay. Tuy nhiên, tăng bao nhiêu chưa thể tính toán được. Bởi khung giá mua điện tăng, nhưng còn tùy thuộc vào cách tính giá thành bình quân, giá bán buôn, bán lẻ đến tay người tiêu dùng”.
Hiện giá điện bán lẻ bình quân đang là 1.720,65 đồng/kWh (chưa gồm thuế VAT) và lần tăng giá điện gần nhất là đầu tháng 12.2017 với mức tăng 6,08%. Ông Long dự báo giá tăng sắp tới không thấp hơn mức tăng nói trên.
Người dân, doanh nghiệp phập phồng
Anh T.K.H, giám đốc một doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ tại Q.3, TP.HCM cho biết, hiện mỗi tháng công ty anh trả từ 30 - 40 triệu đồng tiền điện. "Công ty tôi hoạt động đến tháng 4 này vừa tròn 10 năm, quy mô không thay đổi nhưng giá điện đã tăng rất nhiều trong quãng thời gian đó. Chi phí nguyên liệu, nhân công ngày càng đắt đỏ, giá điện tăng nữa, doanh nghiệp càng khó vì tăng giá bán thì mất khách mà không tăng thì chỉ từ hòa đến lỗ", anh H. nói. Chị H.N, nhân viên văn phòng ở Q.1, than thở: Hàng phở ở ngõ nhà tôi trước tết bán 45.000 đồng/tô, dịp tết tăng lên 50.000 đồng/tô và giữ luôn mức giá này. Sau Tết Nguyên đán, thị trường đã thiết lập mặt bằng giá mới cao hơn nhiều so với năm trước. "Giờ điện tăng, giá tăng nữa thì chết", chị N. lo lắng.
Theo các chuyên gia kinh tế, than vẫn là một yếu tố đầu vào quan trọng của ngành điện hiện nay. Chính vì vậy việc giá điện sẽ tăng là một thực tế phải chấp nhận. Tuy nhiên nhà nước nên có những chính sách bán điện cụ thể cho từng đối tượng để điều tiết việc tăng giá sao cho phù hợp. Trước giờ chúng ta chỉ phân ra điện dành cho sinh hoạt của người dân và điện phục vụ sản xuất. Trong những lần tăng giá tới, cần điều chỉnh sao cho phù hợp để điện sinh hoạt không tăng sốc tạo thêm gánh nặng cho nhân dân. Với đối tượng khách hàng mua điện sản xuất, cần phân theo ngành nghề. Đối với những ngành thâm dụng nhiều điện, gây ô nhiễm môi trường cao và nhà nước không khuyến khích, cần tính giá cao để hạn chế. Đối với những ngành hay lĩnh vực khác, cần tính giá vừa phải. Một giải pháp khác là nhà nước cần có chính sách khuyến khích các doanh nghiệp tham gia sản xuất điện mặt trời tại cơ sở của mình để giảm áp lực lên nguồn cung vì những cơ sở này thường là những nơi có diện tích lớn.
PGS-TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính), cũng cho biết thêm, giá điện hiện chia thành 5 bậc là “chưa phù hợp” và còn bất hợp lý trong tình hình hiện nay. Ông nói: “Về mặt nghiệp vụ, nhà nước cho khung giá để kiểm soát giá điện bán ra thế nào để đảm bảo an sinh xã hội. Tuy nhiên, trên cơ sở đó, nhà kinh doanh điện chia ra các thứ bậc để tính tiền và cách chia 5 - 6 bậc như hiện nay được phản ánh là còn bất hợp lý, chưa sát với thực tế. Nguyên tắc chia bậc càng chi tiết, nhiều bậc hơn thì giá tính càng sát giá thực tính hơn. Theo tôi, giá điện bán lẻ nên chia theo 7 - 8 bậc thang mới chính xác và công bằng cho người dùng. Hơn nữa, ngoài cấp quản lý là Bộ Công thương, nên chăng có một đơn vị nghiên cứu giá độc lập, quan sát để xem nghiên cứu việc định giá điện đã công tâm, chính xác và hợp lý chưa. Bởi hiện nay, giá điện đang được quản lý theo kiểu... nghe báo cáo của nhà kinh doanh để thực thi hơn là nghiên cứu có khoa học”.
N.N - C.N
|
Bình luận