Điện gió ngoài khơi ở Bình Thuận, khát vọng không xa!

27/04/2022 08:12 GMT+7

Bình Thuận là tỉnh ven biển cực Nam Trung bộ có nhiều tiềm năng, trong đó có tiềm năng gió. Hiện nay Bình Thuận đã có nhiều dự án điện gió ngoài khơi được các nhà đầu tư đăng ký triển khai. Khát vọng điện gió ngoài khơi ở Bình Thuận không còn là điều xa vời nữa.

Không phải ngẫu nhiên khi du khách đến Mũi Né - Bình Thuận thường nói rằng “cái nắng, cái gió” ở vùng biển xanh, cát trắng, nắng vàng là hiện tượng thiên nhiên vô cùng kỳ diệu.

Hằng năm, các vận động viên lướt ván diều, ván buồm khắp thế giới hội tụ về lướt ván ở Mũi Né đều khẳng định thế mạnh thể thao biển ở Mũi Né là nhờ gió tốt, gió quanh năm. Vì vậy, gió cũng là một thứ tài nguyên vô cùng quý giá của vùng biển Bình Thuận.

Dự án điện gió trên đảo Phú Quý, Bình Thuận được xây dựng và đưa vào vận hành từ năm 2012

Văn Hơn

Khai thác tiềm năng gió để phát triển kinh tế

Theo các chuyên gia về năng lượng, điện gió là một trong những nguồn năng lượng sạch với mức đầu tư chi phí rẻ nhất so với điện than, điện hạt nhân hay điện chạy gas. Vì thế, nhiều tập đoàn lớn về năng lượng trên thế giới đang có xu hướng đầu tư các cánh đồng gió trên biển (gần bờ) để phát triển điện.

Điều này để thấy rằng, tiềm năng về gió tại vùng biển Bình Thuận là vô cùng lớn mà thiên nhiên ban tặng, chưa được con người khai thác, phục vụ cho phát triển kinh tế. Đây là một trong những lý do mà nhiều nhà đầu tư nước ngoài đang đến khảo sát và muốn xây dựng các nhà máy điện gió ngoài khơi ở Bình Thuận.

Trả lời Thanh Niên, ông Nguyễn Nam Thắng - Tổng giám đốc Công ty AMI AC Renewables, cho rằng Việt Nam có tiềm năng to lớn để phát triển các dự án điện gió ngoài khơi do có bờ biển dài và nguồn gió thuận lợi. Năm 2021, một nghiên cứu của Ngân hàng thế giới (WB) dự báo điện gió ngoài khơi có thể đáp ứng từ 5 - 12% nhu cầu cung cấp điện của quốc gia vào năm 2035, với công suất lắp đặt 11 - 25 GW. Đến năm 2030, Việt Nam có thể lắp đặt 10 GW điện gió ngoài khơi để đáp ứng nhu cầu điện đang tăng nhanh (COWI tư vấn cho EREA và Cơ quan Năng lượng Đan Mạch, 2020) là một phần trong tổng số 160 GW tổng tiềm năng kỹ thuật do Bộ Công thương (MOIT) xác định ở Việt Nam.

“Thực tế tiềm năng phát triển điện gió ngoài khơi ở Việt Nam là rất lớn, đã và đang thu hút các tập đoàn năng lượng hàng đầu trên thế giới nghiên cứu và tìm kiếm cơ hội đầu tư như tập đoàn: Orsted, Macquarie, Enterprize… Đáng chú ý là các tập đoàn điện gió ngoài khơi hàng đầu thế giới đánh giá cao tiềm năng gió tại Bình Thuận. Đây là tỉnh ven biển Nam Trung bộ có tài nguyên gió tốt nhất Việt Nam. Theo thông tin của tôi nắm được, Bình Thuận hiện đã thu hút các nhà đầu tư đăng ký khảo sát các dự án điện gió ngoài khơi với tổng công suất lên đến gần 20 GW”, ông Nguyễn Nam Thắng cho biết.

Còn theo ông Bùi Văn Thịnh - Chủ tịch Hiệp hội điện gió Bình Thuận, ưu điểm đặc biệt của điện gió ngoài khơi là số giờ phát điện rất cao, từ 5.000 - 6.000 giờ/năm so với 1.600 giờ/năm của điện mặt trời. Với tốc độ gió được các chuyên gia đo tính là 7 - 10 m/giây, Bình Thuận không chỉ là địa phương có tiềm năng tốt nhất về gió ở Việt Nam, mà còn là tỉnh có các dự án điện gió tiên phong của cả nước. Đó là dự án điện gió Phong Điện 1 (xã Bình Thạnh, H.Tuy Phong với 24 trụ gió). Đây là dự án điện gió đầu tiên của cả nước phát điện lên hệ thống lưới điện quốc gia. Ngoài ra, Bình Thuận còn có dự án điện gió đầu tiên trên đảo Phú Quý, với 3 tua bin hiện đang được Công ty Điện lực Bình Thuận vận hành.

Dự án điện gió trên đảo Phú Quý

Cần tạo hành lang chính sách ổn định

Theo các nhà đầu tư, hiện nay các chính sách về điện gió ngoài khơi ở Việt Nam đang dần hình thành, chưa hoàn thiện và tạo động lực thu hút các nhà đầu tư nước ngoài đến đầu tư. Để tạo động lực trong phát triển các dự án điện gió ngoài khơi, theo ông Bùi Văn Thịnh cần tạo chính sách hành lang về giá mua điện thế nào (FIT), ưu đãi những gì và khả năng tiếp nhận của hệ thống lưới truyền tải đến đâu là điều kiện cần cụ thể nhất hiện nay.

“Theo tôi, để thu hút các nhà đầu tư nước ngoài vào các dự án điện gió ngoài khơi, cần có chính sách thông thoáng, cụ thể, tránh chồng chéo. Chúng ta nên có một dự án điện gió ngoài khơi thí điểm được thực hiện ngay tại Bình Thuận, sau đó đúc kết để hoàn thiện chính sách vì hiện nay điện gió trên biển là một mô hình đầu tư mới ở nước ta”, ông Thịnh nói.

Còn theo ông Nguyễn Nam Thắng, điện gió ngoài khơi tại nước ta vẫn còn đang ở giai đoạn sơ khai, nên rất cần các cơ chế hỗ trợ, đặc biệt là cơ chế giá FIT, để có thể kêu gọi các nhà đầu tư lớn trên thế giới cùng tham gia phát triển và đóng góp tích cực vào công cuộc chuyển đổi năng lượng với mục tiêu Net Zero vào năm 2050 của Việt Nam.

Bên cạnh cơ chế giá FIT để khuyến khích các nhà đầu tư chuyên nghiệp và có tiềm năng phát triển và đưa vào hoạt động các dự án điện gió ngoài khơi quy mô lớn tại Việt Nam, chính sách về phí thuê mặt nước và cách tính diện tích thuê cần được xem xét. Theo Nghị định 446/2014/NĐ-CP của Chính phủ, phí thuê mặt nước bao gồm toàn bộ khu vực mặt biển của dự án, chứ không phải diện tích mặt biển nơi đặt trụ gió. Với cách tính này, chi phí thuê mặt biển hằng năm của một dự án điện gió ngoài khơi quy mô lớn sẽ lên đến hàng trăm tỉ đồng (đơn cử như diện tích mặt nước của dự án điện gió AMI AC Renewables (Hàm Thuận Nam và La Gi) là 37.000 ha thì chi phí thuê mặt biển hằng năm sẽ lên đến 111 tỉ đồng). Đây là một khoản chi phí rất lớn của dự án, cần được điều chỉnh để thu hút các nhà đầu tư vào lĩnh vực này.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.