“Bàn thờ” của thành phố
Cách đây 2 năm, khi TP.Đà Nẵng có chủ trương giải tỏa 80 hộ dân sinh sống sát chân thành phía tây, PV Thanh Niên đã tiếp xúc với người dân, và nhiều hộ có ý... nghi ngờ tính khả thi của dự án, bởi trong nhiều năm liền TP.Đà Nẵng “nói mà chưa làm”, dù đã tiến hành đo đạc. Khi thông tin được đăng tải, dư luận cũng xôn xao vì cho rằng giải tỏa dân ngay tại khu vực trung tâm TP là không dễ dàng. Thế nhưng năm 2017, đồng loạt 74 hộ dân đã chủ động bàn giao nhà để ngành chức năng “dọn dẹp” mặt bằng khiến những người làm văn hóa ngỡ ngàng. Chỉ còn 6 hộ dân đang chờ thống nhất giá cả đền bù và sẽ di dời trong nay mai.
Câu chuyện thành Điện Hải bị xâm hại được GS-TS Trương Quốc Bình, Ủy viên Hội đồng Di sản quốc gia (HĐDSQG), đánh giá là "rất nghiêm trọng". Di tích bị xâm lấn từ sau ngày giải phóng thành phố năm 1975. Đến năm 1988, tại thời điểm lập hồ sơ di tích cho thành cổ, di tích chỉ còn lại 5 tường chính và hệ thống hào rãnh phía đông, nam; các hào rãnh khác bị xâm hại hoàn toàn. Những năm gần đây, hàng chục hộ dân đã lấn sâu, làm nhà chồng lấn làm thay đổi cơ bản cảnh quan lịch sử di tích. Năm 2013, UBND TP.Đà Nẵng từng có chủ trương tháo dỡ các phần cơi nới trái phép, nhưng không giải tỏa dân. Tiếp đó, Sở VH-TT-DL (nay là Sở VH-TT) được giao phối hợp Sở Xây dựng thu hẹp khoảng cách bảo vệ khu vực 2 từ 65 m về còn… 2 m. "Nghĩa là chỉ giải tỏa 2 m quanh chân thành để làm đường dân sinh”, GS-TS Trương Quốc Bình nhận xét. Lật lại “lai lịch” lấn chiếm di tích để thấy việc di dời người dân là không hề đơn giản. Bởi vậy, khi biết tin 80 hộ dân ở chân thành được giải tỏa thành công, GS-TS Bình đánh giá rất cao quyết sách mang tính đột phá của TP.Đà Nẵng.
Nhiều người xem thành Điện Hải là “bàn thờ” của TP.Đà Nẵng, nơi diễn ra cuộc chiến đẫm máu và hy sinh không biết bao người nên dễ đồng cảm. “Trong quá trình phát triển, Đà Nẵng đã chuyển dời 100.000 hộ nhưng chỉ vùng ngoài, còn đây lại ngay tại trung tâm TP nên việc chuyển dời có khi sợ bị phản kháng. Thế nhưng việc giải tỏa lại rất thuận lợi”, ông Huỳnh Văn Hùng, Giám đốc Sở VH-TT, cho biết.
Quyết sách đúng “phút 89”
Ông Bùi Văn Tiếng, Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử TP.Đà Nẵng, cho rằng việc các hộ dân di dời nằm trong dòng chảy sức mạnh đồng thuận của người dân trong mấy thập niên chỉnh trang đô thị vừa qua. “Vì đại cuộc, vì sự phát triển chung, người dân Đà Nẵng sẵn sàng hy sinh sự ổn định trong cuộc sống thường nhật. Đó chính là nét đẹp của văn hóa Đà Nẵng, huống chi lần này còn tích cực góp phần vào hồ sơ di sản để thành Điện Hải sớm được công nhận là di tích quốc gia đặc biệt”, ông Tiếng nói.
Điều ông Tiếng đánh giá cao hơn chính là việc lãnh đạo TP “nói đi đôi với làm” sau nhiều năm bế tắc trong công tác di dời. Theo ông Tiếng, lãnh đạo Đà Nẵng đã biết lắng nghe ý kiến của giới chuyên môn để quyết định dừng triển khai dự án xây dựng Trung tâm lưu trữ sát phía bắc thành đúng vào “phút 89”. Cũng chính lãnh đạo TP đã quyết định chọn khu đất ở đường Lý Tự Trọng để làm nơi tái định cư các hộ dân sinh sống ở phía tây thành... "Đó là những quyết định lịch sử", ông Tiếng bình luận.
Là một người tâm huyết với thành Điện Hải, ông Huỳnh Văn Hùng cũng từng lên tiếng đề nghị xử lý công trình Bảo tàng Đà Nẵng được cho là xâm hại thô bạo di tích khi đặt nền móng ngay trong thành cổ. Ông Hùng đã chủ trì hội thảo ngay sau khi di tích được công nhận cấp quốc gia đặc biệt, và ghi nhận thêm nhiều ý kiến cho rằng cần đập bỏ công trình bảo tàng này.
Cuộc di dời người dân quanh thành Điện Hải cũng đã nhận được sự đánh giá rất cao của HĐDSQG. “Ai cũng khen, bảo Đà Nẵng quá giỏi. Trong một thời gian ngắn mà có thể di dời được ngần ấy dân cư ra”, ông Phan Thanh Hải, Ủy viên HĐDSQG, nói.
Bình luận (0)