Điện Hải cổ thành - Chuyện chưa kể: Kỳ lạ 'tháp hài cốt'

Hoàng Sơn
Hoàng Sơn
23/03/2018 07:33 GMT+7

Đây là nghĩa trang chôn cất những kẻ xâm lược bị tử trận khi đánh vào thành Điện Hải (Đà Nẵng) trong cuộc chiến Mậu Ngọ 1858, được một tác giả nước ngoài gọi là “tháp hài cốt”.

Nghĩa tử là nghĩa tận
Khu nghĩa trang này có tên Y Pha Nho nằm trên một ngọn đồi thấp sát lối vào cảng Tiên Sa (Đà Nẵng) với 32 ngôi mộ lớn, nhỏ được cho là mộ của những sĩ quan thực dân trận vong khi giao tranh với nhà Nguyễn. Trong đó có mộ của trung tá Duppré Déroulède bị giết trên chiến hạm Némésis ngày 18.11.1859.
Trung tâm nghĩa trang là nhà thờ nhỏ với kiến trúc kiểu Pháp, trên nóc gắn cây thánh giá. Bên trong, một bàn thờ nhỏ thiết kế theo nghi thức Công giáo. Cũng tại nghĩa trang này, có hầm mộ quy tập hàng chục hòm kẽm chứa hài cốt được cất bốc từ nhiều nơi về. Thời gian đầu, hài cốt bị rơi vãi ra ngoài nên sau đó miệng hầm mộ đã được trám lại bằng bê tông. Theo nhiều tài liệu, công việc quy tập hài cốt được tiến hành vào năm 1895 dưới sự chỉ đạo của Toàn quyền Đông Dương Paul Doumer.
Ông Huỳnh Đình Quốc Thiện, Giám đốc Bảo tàng TP.Đà Nẵng, cho biết trên những tấm bia ghi rõ thông tin các sĩ quan và lính Pháp - Tây Ban Nha trong cuộc viễn chinh Regault de Genouilly (tên vị tướng chỉ huy) chết trong những năm 1858 - 1860 tại chiến trường Đà Nẵng khi tấn công vào thành Điện Hải và các đồn, bốt của nhà Nguyễn. Số lượng hài cốt quân viễn chinh không được nêu chính xác, nhưng theo tư liệu Một tháp hài cốt chứa ngàn thánh giá (cuốn Lịch sử Đông Dương, xuất bản ở Paris năm 1983 của tác giả P.Héduy) thì con số này có đến cả ngàn.
PGS-TS Ngô Văn Minh, Ủy viên BCH Hội Khoa học lịch sử TP.Đà Nẵng, nói thời gian qua người dân vẫn đến phát cỏ, quét vôi cho khu mộ này vì cho rằng đó cũng là những người bị chính phủ buộc đi xâm lược. Ông Huỳnh Văn Hùng, Giám đốc Sở VH-TT TP.Đà Nẵng, cũng cho biết dù ở khía cạnh quản lý nhà nước chưa có động thái liên quan việc bảo vệ nghĩa trang Y Pha Nho, nhưng người dân xung quanh vẫn thường xuyên chỉnh trang, hương khói thể hiện tính nhân văn sâu đậm của người Việt. “Với người Việt, sống thì thù nhưng chết là bạn, nghĩa tử là nghĩa tận. Quan điểm của Sở VH-TT khi bảo vệ nghĩa trang này là phải đối diện với những ý kiến cho rằng tại sao lại quan tâm đến... mộ kẻ thù của chúng ta. Tôi cho rằng suy nghĩ như thế là không đúng với đạo lý dân tộc”, ông Hùng nói.
Đề nghị công nhận di tích
Ông Huỳnh Văn Hùng đánh giá, nghĩa trang Pháp - Tây Ban Nha độc đáo nhất VN bởi nơi đó đang chôn cất chính những người đến VN xâm lược. Quan điểm của ngành văn hóa là phải bảo vệ nghĩa trang này, coi đó là một chứng tích quan trọng trong chuỗi các di tích về buổi đầu kháng Pháp. Nếu người nước ngoài “tận mục sở thị” nghĩa trang này, họ sẽ hiểu hơn cuộc chiến oai hùng của người VN cũng như sự thất bại của người Pháp. “Nghĩa trang nếu được giữ gìn tốt thì vừa thể hiện đạo lý của người Việt vừa là nơi tham quan du lịch cho người nước ngoài, nhất là đối với người Pháp. Hiện Sở VH-TT TP.Đà Nẵng đã làm xong hồ sơ khoa học trình UBND TP đề nghị công nhận di tích lịch sử cấp TP”, ông Hùng nói.
Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng nét độc đáo của nghĩa trang này không chỉ ở chỗ chôn xác những người lính viễn chinh trong cuộc xâm chiếm Đà Nẵng 1858 -1860. “Nghĩa trang do chính người Pháp xây dựng và quy tập hài cốt từ nhiều nơi trên chiến trường Đà Nẵng, nhưng khi người Pháp rút khỏi VN, những hài cốt này vẫn bình yên nằm lại và cả thế kỷ nay người Đà Nẵng vẫn hương khói như những con người - chứ không phải những kẻ từng nổ súng giết hại đồng bào mình”, Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử TP.Đà Nẵng Bùi Văn Tiếng phân tích. Theo ông Tiếng, trong nhà trưng bày chuyên đề về cuộc chiến dưới chân thành Điện Hải, không thể thiếu hình ảnh về nghĩa trang này.
Dưới góc nhìn của PGS-TS Đỗ Bang, Phó chủ tịch Hội Khoa học lịch sử VN, nghĩa trang Y Pha Nho là di tích của cuộc chiến tranh kháng Pháp “gần như duy nhất trên lãnh thổ VN”. “Tôi mong di tích này được đề đạt là di tích quốc gia. Đó cũng là cách làm tốt cho việc phát triển mối quan hệ trong một cách nhìn mới hiện nay”, ông Bang nói trong bộ phim Sóng sông Hàn. Cũng trong bộ phim này, nhà sử học Dương Trung Quốc gợi ý việc giữ lại nghĩa trang Y Pha Nho làm chứng tích về thời kỳ chiến tranh xâm lược. “Đó là việc hết sức cần thiết đứng từ góc độ văn hóa, lịch sử và du lịch”, ông Quốc nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.