Điện Hải cổ thành - Chuyện chưa kể: Bi kịch của vua Tự Đức

Hoàng Sơn
Hoàng Sơn
22/03/2018 08:38 GMT+7

Sử liệu ghi nhận vua Tự Đức có công lao to lớn trong buổi đầu kháng Pháp, thế nhưng ông cũng là vị vua mang nhiều bi kịch khi buộc phải ký hòa ước với thực dân và mang tiếng 'bán nước'.

Tổng tư lệnh cuộc chiến thành Điện Hải
Giám đốc Sở VH-TT TP.Đà Nẵng Huỳnh Văn Hùng khi xúc tiến thực hiện bộ phim tài liệu Sóng cửa Hàn đã đặt vấn đề “bi kịch” của vua Tự Đức trong cuộc chiến Mậu Ngọ 1858, nhưng cũng nhấn mạnh đến tư duy chiến lược của vị vua này. Bộ phim muốn đưa ra cái nhìn khách quan hơn về vai trò của vua Tự Đức và triều đình nhà Nguyễn.
“Lâu nay, có những đánh giá về vai trò vua Tự Đức tôi cho là chưa thật sự khách quan. Nhiều người nói triều đình nhà Nguyễn bán nước, vua Tự Đức nhu nhược… Nhận xét như vậy là thiếu công bằng. Tại cuộc chiến kéo dài 18 tháng ròng rã tại Đà Nẵng, thực dân Pháp đã không thắng được bằng giải pháp quân sự”, ông Hùng nói. Theo ông Hùng, lịch sử ghi nhận vua Tự Đức đã điều binh khiển tướng đến Đà Nẵng, trong đó có tướng Nguyễn Tri Phương. Vua Tự Đức cũng có nhiều chỉ dụ như “ai có công sẽ được thưởng, ai thấy giặc mà chạy thì xử phạt, có khi là chém trước tâu sau”...
Theo Phó chủ tịch Hội Khoa học lịch sử TP.Đà Nẵng Lưu Anh Rô, sau khi Nguyễn Tri Phương đưa ra phương lược “lấy thủ làm lợi”, vua Tự Đức đã dụ “phải tùy việc khuyên răn” khi cho rằng giữ thế thủ như thế có “6 điều hại”. Tháng 12 cùng năm, quân triều Nguyễn đã có những chiến công đầu tiên từ phương pháp phục kích. Đến tháng 3.1860, quân Pháp đốt phá Sơn Trà, Điện Hải rồi kéo thuyền quân đi; kế hoạch đánh chiếm Đà Nẵng để mở đường ra kinh đô Huế thất bại. Và như vậy, trong suốt thời gian giằng co, thành Điện Hải là điểm quyết chiến chiến lược của đôi bên và trở thành biểu tượng của dân tộc trong buổi đầu chống Pháp tại Đà Nẵng. Nhà nghiên cứu Hà Phước Mai, nguyên Giám đốc Bảo tàng Đà Nẵng, cũng đánh giá: “Nhiều chỉ dụ anh minh của vua Tự Đức, đặc biệt là với chiến lũy Nguyễn Tri Phương, đã tạo bước ngoặt trên chiến trường đánh Pháp. Có thể nói đây là nét son trong nghệ thuật quân sự đầy mưu trí của cha ông ta thời bấy giờ”.
Giới nghiên cứu lịch sử ghi nhận trong toàn bộ cuộc chiến dưới chân thành Điện Hải, vua Tự Đức là tổng tư lệnh tối cao. Chính vua là người trực tiếp điều binh khiển tướng. Và việc cử Đỗ Thúc Tịnh, một người Đà Nẵng, vào Nam kỳ lục tỉnh và tin tưởng giao nhiều quyền hạn (để tổ chức lực lượng kháng chiến tại chỗ sau khi Vĩnh Long thất thủ), càng chứng tỏ vua Tự Đức có quyết tâm chống xâm lược, ít ra là trong giai đoạn đầu của cuộc chiến.
Cần nhìn nhận công bằng hơn
Theo ông Phan Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm bảo tồn di tích cố đô Huế, Ủy viên Hội đồng di sản quốc gia, lịch sử từ năm 1945 đến nay đã có một độ lùi rất xa đủ để nhìn nhận lại, nhất là đối với triều Nguyễn - một triều đại mà hiện VN đang kế thừa trực tiếp di sản của họ. “Vua Tự Đức chính là ông vua bi kịch nhất. Thời ông làm vua cũng chính là thời kỳ phương Tây xâm lược VN. Thành Điện Hải lại là nơi chứng kiến cuộc va đập đầu tiên với liên quân Pháp. Phải nói rõ rằng vua Tự Đức từ năm 1858 đến khi ông mất (năm 1883) vẫn trăn trở bảo vệ đất nước, lấy lại cơ nghiệp của tổ tiên”, ông Hải nói.
Ông Hải khẳng định luận điểm cho rằng Tự Đức là ông vua bán nước sẽ “không bao giờ đúng”. “Chuyện thắng hay thua người Pháp là do thực tế. Lúc đó, gần như các nước châu Á đều thất bại, kể cả Trung Quốc cũng bị liên quân 8 nước giành hết chủ quyền”, ông Hải phân tích, “Nguyễn Tri Phương chỉ là ông tướng dưới quyền, còn vua Tự Đức mới là tổng chỉ huy với quan điểm cương quyết đánh Pháp. Sau này, khi thất bại thì vua mới ký hòa ước. Đó là giải pháp để Pháp tạm thời dừng lại vì đánh chỗ nào chúng ta thua chỗ đó. Đó cũng là bi kịch lớn nhất của vua Tự Đức và đã được ông ghi rõ trên Khiêm cung ký trên lăng mộ ông”. Từ quan điểm này, ông Hải cho rằng cần phải đánh giá lại một cách công bằng về Tự Đức, vị vua tài giỏi về thơ văn, hết lòng làm việc vì quốc gia và yêu nước theo cách của ông.
Một số nhà nghiên cứu khác, trong đó có ông Bùi Văn Tiếng, cũng gợi ý TP.Đà Nẵng nên đặt tên đường Tự Đức nhân kỷ niệm 160 năm ngày Đà Nẵng cùng cả nước đánh Pháp trận đầu (1858 - 2018), nhằm thể hiện cái nhìn công bằng của hậu thế đối với vị tổng tư lệnh trong cuộc chiến đấu bi tráng này.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.