Điện kéo đến đâu, phum, sóc đổi thay đến đó

14/11/2014 09:11 GMT+7

Sau gần 20 năm thực hiện điện khí hóa nông thôn, đến nay diện mạo của nhiều phum, sóc, ấp, xã ở tỉnh Sóc Trăng đã thay đổi rõ rệt. Đời sống người dân nhất là đồng bào Khmer ngày càng ấm no hơn.

 

Thi công điện theo dự án Cung cấp điện cho các hộ dân chưa có điện, chủ yếu là đồng bào Khmer - Ảnh Đình Tuyển

Kỳ tích điện khí hóa

Về vùng nông thôn ở Sóc Trăng bây giờ, không khó để cảm nhận những đổi thay trong từng xóm, ấp, phum, sóc. Dọc tuyến đường nông thôn ở các huyện Trần Ðề, Long Phú, Mỹ Xuyên… trước kia là đồng cỏ năn, cỏ lác thì giờ đã được thay thế bằng ruộng lúa, rẫy màu xanh bát ngát. Những rẫy bắp, hành tím, dưa leo, liếp mía... đều có điện để đưa nước ngọt về tắm mát. Lưới điện kéo đến đâu, xóm, ấp, phum sóc đổi thay đến đó.

Nhớ lại, lúc mới tái lập tỉnh Sóc Trăng năm 1992, toàn tỉnh chỉ có 21/81 xã, thị trấn với 22.150 hộ sử dụng điện lưới quốc gia, chiếm khoảng 10% dân số. Tuy nhiên, ngay từ khi ấy, điện đã được xác định là yếu tố quan trọng có vai trò then chốt để phát triển kinh tế - xã hội, đẩy mạnh sản xuất tại địa phương. Vài năm sau, chủ trương điện khí hóa nông thôn bắt đầu được triển khai rầm rộ ở Sóc Trăng và nhanh chóng đạt được những bước nhảy vọt. Công ty Điện lực Sóc Trăng với sự chỉ đạo, hỗ trợ của Tổng công ty Điện lực miền Nam (EVN SPC) đã vượt qua rất nhiều khó khăn, để đưa ánh sáng điện đến tận những phum, sóc vùng sâu, vùng xa trong tỉnh. Chưa đầy 7 năm sau khi tái lập tỉnh, năm 1999, Sóc Trăng phát triển lưới điện phủ khắp 100% trung tâm xã, phường, thị trấn. Và đến nay, toàn tỉnh đã có hơn 310.860 hộ được sử dụng điện, đạt khoảng 98% so với tổng số hộ, tăng gấp 13 lần so với lúc mới tái lập tỉnh; trong đó, tổng số hộ người dân tộc Khmer có điện sử dụng gần 83.000 hộ, đạt 90,8%. Bà Thạch Thị Thel, ở xã Tham Ðôn (H.Mỹ Xuyên), phấn khởi nói: “Hồi đó có nằm mơ tôi cũng đâu nghĩ bữa nay nhà có tủ lạnh xài, vậy mà bây giờ, nhờ có điện, con cái làm ăn xa về cái gì tụi nó mua sắm đầy đủ từ quạt điện, ti vi, đến tủ lạnh. Tưới rau, tắm bò cũng không còn phải xách nước bằng tay cực khổ nữa vì đã có máy bơm nước chạy điện rồi”. 

Kéo điện thắp sáng vùng sâu

Từ tháng 7.2011, Sóc Trăng là một trong 2 tỉnh (cùng với Trà Vinh) ở ĐBSCL được chọn để triển khai dự án Cung cấp điện cho các hộ dân chưa có điện, chủ yếu là đồng bào Khmer. Tại tỉnh Sóc Trăng, giai đoạn 1 của dự án có tổng mức đầu tư hơn 305 tỉ đồng. Đến nay, dự án đã hoàn thành 100% các hạng mục đường dây trung thế, hạ thế. Qua đó cung cấp điện cho hơn 20.000 hộ dân; trong đó phần lớn là hộ bà con Khmer.

Hiện tại, giai đoạn 2 của dự án đang triển khai rộng khắp trên 11 huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh Sóc Trăng xây dựng mới 95 km đường dây trung thế một pha, 341 km đường dây hạ thế, 168 trạm biến áp, tổng công suất hơn 3.677 kVA; lắp đặt nhánh rẽ, công tơ 1 pha cho 13.181 hộ.

Dự kiến, đến cuối năm 2014 này, giai đoạn 2 dự án sẽ hoàn thành để nâng số hộ có điện trên toàn tỉnh Sóc Trăng lên 321.162 hộ; trong đó, số hộ Khmer có điện là 94.570 hộ, đạt 98,1%. Tuy nhiên, để có được những kết quả này, ngành điện Sóc Trăng đã phải vượt qua không ít khó khăn, trở ngại. Ông Huỳnh Minh Hải, Giám đốc Công ty Điện lực Sóc Trăng, chia sẻ: “Khi triển khai dự án ở vùng sâu, vùng xa, đặc biệt là ở các huyện Cù Lao Dung, Mỹ Xuyên, TX.Vĩnh Châu… thi công gặp rất nhiều trắc trở; vận chuyển vật tư, bằng đường sông phải chờ con nước mới đưa được đến chân công trình. Hay ở những vùng nuôi trồng thủy sản của người dân, vận chuyển khó khăn đã đành lại còn phải khéo léo tránh gây thiệt hại cho các hộ dân”. Cũng theo ông Hải, dù dự án đầu tư tốn kém, song tất cả các hộ dân nằm trong vùng dự án không phải đóng một khoản chi phí nào, kể cả đường điện vào nhà, điện kế, hệ thống chiếu sáng sinh hoạt sau công tơ cho mỗi hộ như: một bóng đèn compact, đuôi đèn; một bảng điện gồm bảng nhựa, ổ cắm, công tắc điện và cầu chì...  Cũng chính vì vậy mà những nơi dự án đi qua, người dân đều phấn khởi, ủng hộ nhiệt tình. Từ đó giúp ngành điện Sóc Trăng vượt khó, hoàn thành đúng tiến độ dự án đề ra.

Đình Tuyển

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.