Nguồn cung điện"dễ thở"
Ngày 27.6, phụ tải toàn hệ thống điện đã lên gần 800 triệu kWh, tăng hơn 36 triệu kWh so với một ngày trước. Trong đó, nguồn thủy điện cũng tăng gần 207 triệu kWh trên toàn hệ thống. Sản lượng huy động từ thủy điện đang tăng mỗi ngày nên nguồn điện phát từ dầu không cần nữa. Thông tin từ Tập đoàn điện lực VN (EVN) cho biết các tổ máy nhiệt điện than gặp sự cố trước đây đã được vận hành trở lại. Tổ máy S1 của nhiệt điện Mông Dương 2 ngừng do sự cố áp lực buồng đốt giảm thấp đã chính thức hòa lưới trở lại, còn tổ máy S2 của nhiệt điện Mông Dương 1 dự kiến 30.6 mới đưa vào dự phòng.
Báo cáo cập nhật đến hôm qua (28.6), lượng nước về các hồ khu vực Bắc bộ tăng nhanh; Bắc Trung bộ, Tây nguyên và Đông Nam bộ tăng nhẹ; khu vực duyên hải Nam Trung bộ giảm nhẹ so với ngày 27.6, nằm trong phạm vi mực nước tối thiểu theo quy định của quy trình vận hành.
Chiều 28.6, đại diện EVN cho biết trong mấy ngày qua, thời tiết ở miền Bắc đã dịu lại, cuối tuần có mưa, trời mát nên lượng điện tiêu thụ giảm nhiều. Bên cạnh đó, nhờ có mưa nên phía thượng nguồn "có thêm tí nước" rất quý giá, khiến áp lực thiếu điện giảm nhiều. Tuy vậy, vị này cũng lưu ý trong thời gian tới, thời tiết có diễn biến cực đoan hay không thì… chưa biết. Hiện vẫn còn 4 hồ thủy điện ở mực nước thấp như Thác Bà, Bản Vẽ, Đồng Nai 3, Thác Mơ. Đây cũng là các nhà máy thủy điện đang phát điện hạn chế, cầm chừng với lưu lượng, mức nước, công suất thấp.
"Các công ty điện lực phía bắc cũng ngưng cập nhật thông tin cắt điện luân phiên như giai đoạn khó khăn vừa qua. Nguồn nước về các hồ thủy điện phía bắc trong mấy ngày qua tăng dần, có hồ vượt mực nước chết lên đến 20 m. Trong trường hợp cực đoan không có lũ về, các hồ thủy điện ở miền Bắc vẫn có thể sử dụng lượng nước đang tích trong hồ kết hợp lưu lượng nước tự nhiên về hồ để đáp ứng nhu cầu phụ tải", đại diện EVN cho hay.
Mặt khác, EVN cập nhật đến hết ngày 27.6, có 13 dự án năng lượng tái tạo chuyển tiếp có công suất hơn 640,5 MW hoàn thành thủ tục ngày vận hành thương mại (COD), phát điện thương mại lên lưới. Sản lượng điện phát lũy kế của các dự án năng lượng tái tạo chuyển tiếp tính từ thời điểm COD đến ngày 26.6 đạt khoảng 68,6 triệu kWh.
Tuy vậy, trao đổi với Thanh Niên, các chuyên gia năng lượng đều bày tỏ nỗi lo thiếu điện vẫn còn hiện hữu. Một số nhấn mạnh nếu tình hình triển khai kế hoạch cho Quy hoạch Điện 8 vẫn "đủng đỉnh" như Quy hoạch Điện 7 trước đây, nguy cơ thiếu điện trong những năm tới rất lớn.
Tăng tốc các dự án điện khí
Cuối tuần qua, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên đã có cuộc họp với lãnh đạo 10 tỉnh có dự án nhà máy điện sử dụng khí LNG để thúc đẩy các dự án điện khí theo Quy hoạch Điện 8.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên chỉ đạo: Với các dự án đã có chủ đầu tư, địa phương cần tập trung đôn đốc tiến độ và tạo điều kiện thuận lợi để các nhà đầu tư triển khai thực hiện dự án; kịp thời giải quyết hoặc hỗ trợ giải quyết những khó khăn, vướng mắc (nhất là về mặt bằng, hạ tầng, môi trường…) để không ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện dự án. Đặc biệt, kiên quyết thu hồi giấy chứng nhận đăng ký đầu tư nếu nhà đầu tư vi phạm các quy định hoặc trì hoãn không triển khai dự án theo tiến độ đã được phê duyệt. Với các dự án chưa có chủ đầu tư, cần bổ sung dự án vào quy hoạch tỉnh và quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của địa phương. Khẩn trương lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, triển khai các thủ tục cấp chủ trương đầu tư, lựa chọn chủ đầu tư có năng lực, kinh nghiệm thực hiện dự án điện sử dụng LNG và các hạ tầng liên quan, hoàn thành trong quý 3/2023. Song song đó, lập và trình báo cáo nghiên cứu khả thi nhà máy điện sử dụng LNG hoàn thành trong quý 4/2023.
Ngày 28.6, EVN họp với các đơn vị thành viên lấy ý kiến triển khai hiệu quả Quy hoạch Điện 8. Hiện EVN đang triển khai 14 dự án nguồn điện, trong đó có các dự án nguồn điện trọng điểm như: Quảng Trạch 1, Quảng Trạch 2, thủy điện Hòa Bình mở rộng, thủy điện Ialy mở rộng, thủy điện tích năng Bác Ái, Dung Quất 1, Dung Quất 3…Về lưới điện, theo Quy hoạch Điện 8, trong giai đoạn 2021 - 2030, cần hoàn thành 950 công trình lưới điện 500 - 220 kV, trong đó, EVN và các đơn vị thành viên đã hoàn thành đóng điện được 116 công trình trong các năm 2021 - 2022 và đầu năm 2023. Hiện EVN và các đơn vị thành viên đang được giao đầu tư 449 dự án lưới điện...
Chuyên gia năng lượng Ngô Đức Lâm nhận xét các chỉ đạo này là "rất kịp thời và cần thiết!". Quy hoạch Điện 8 dựa trên nguồn điện nền là nhiệt điện khí (tự nhiên và LNG). Đây là nguồn điện có thể chạy được 24/24, khởi động nhanh, đồng thời ít phát thải. Trong bối cảnh điện mặt trời thiếu ổn định, chỉ chạy vào ban ngày và vào ngày nắng; thủy điện cơ bản hết dư địa phát triển; nhiệt điện than không được phát triển thêm sau 2030 theo cam kết với quốc tế... việc phát triển nhiệt điện khí là hướng đi tất yếu và nó có vai trò rất quan trọng trong việc bảo đảm nguồn cung điện cho nền kinh tế và thúc đẩy chuyển dịch năng lượng quốc gia.
"Quy hoạch Điện 8 đã được phê duyệt chậm gần 3 năm, kế hoạch triển khai quy hoạch này phải được tăng tốc hơn nữa mới thực hiện tốt. Trong thực tế, nguy cơ thiếu điện cho những năm sau còn hiện hữu nếu chúng ta vẫn tiếp tục triển khai các dự án chậm và ì ạch như thời gian qua", ông Ngô Đức Lâm nhấn mạnh và cho rằng, nếu hết năm nay, chưa có chủ đầu tư, hoặc địa phương không giải quyết được thì phải có dự án, kế hoạch thay thế. Đừng để như Quy hoạch Điện 7 đến năm 2018 thiếu than mới đưa điện tái tạo vào thay thế, khiến hạ tầng trở tay không kịp. Át chủ bài điện đến năm 2030 là điện khí. Theo ông, "cần cả hệ thống chính trị vào cuộc, địa phương vướng mắc phải trình Bộ, trình Thủ tướng để đưa ra hỏi ý kiến Quốc hội quyết. Phải tăng tốc lên, "co cẳng mà chạy". Thực tế, nếu quy hoạch điện được phê duyệt đúng tiến độ, nay đã có vài nhà máy điện khí mới hoạt động rồi".
Theo các chuyên gia năng lượng, dự án điện khí hiện thuận lợi hơn điện than do không cần mặt bằng lớn, khí đốt bay lên trời, dự án không cần những bãi chứa tro xỉ, phế phẩm. Điện khí cũng là dự án xanh sạch, khí phát ra bằng nửa nhiệt điện than. Đó là những yếu tố thuận lợi khiến dự án được các địa phương dễ chấp thuận hơn. Nếu suôn sẻ, một dự án nhiệt điện khí mất khoảng 2 năm để đầu tư trong khi nhiệt điện than từ 4 - 5 năm, thậm chí 6 - 7 năm; điện gió và mặt trời mất khoảng 1 năm…
Bình luận (0)