Tối 18-9, tại Đại hí viện La Mirada, miền Nam California, Mỹ, vở kịch Yêu (tác giả Chu Tử, đạo diễn Nguyễn Minh Phương) đã ra mắt khán giả kiều bào, đánh dấu sự kết hợp quy mô lớn giữa diễn viên kịch trong và ngoài nước với một vở kịch dài được dàn dựng trên đất Mỹ.
Khán giả kiều bào mê kịch dài
Tham gia vở Yêu diễn trên đất Mỹ lần này có 6 diễn viên trong nước gồm: Thoại Mỹ, Vũ Luân, Hòa Hiệp, Lương Thế Thành, Ngọc Trinh và Bá Thắng. Họ đã phối hợp tập được hơn 2 tuần qua với dàn diễn viên Việt kiều trên đất Mỹ: Phượng Liên, Thanh Lan, Anh Dũng, Quốc Tuấn, Mai Thế Hiệp, Thắm Bebe.
Trước đó, nhóm kịch Sống của nghệ sĩ Túy Hồng cũng đã trình diễn 2 suất vở Đoạn tuyệt (tác giả: Nhất Linh, đạo diễn: Hùng Lâm) tại miền Nam nước Mỹ với sự tham gia của diễn viên người Việt tại Mỹ và diễn viên trong nước sang. Nghệ sĩ Tú Trinh, diễn viên trong nước duy nhất có mặt trong vở Đoạn tuyệt, cho biết: “Khán giả kiều bào tại Mỹ đã bắt đầu mê kịch dài. Lâu nay, các chương trình đại nhạc hội đều tổ chức biểu diễn ca nhạc và tấu hài, cải lương tuồng cổ thì nay chỉ với một vở kịch, họ có thể đến xem và bày tỏ sự yêu thích của mình”.
|
Nghệ sĩ Túy Hồng, người tổ chức diễn vở Đoạn tuyệt, cho biết: “Ban đầu, chúng tôi lo lắng vì vé bán chậm, phải đi giao vé tận nhà dù khán giả có nhu cầu ở cách xa nơi diễn mấy trăm cây số. Tuy nhiên, tôi đã động viên anh em nghệ sĩ và ban tổ chức hãy vì nền kịch nghệ Việt trên đất Mỹ mà chấp nhận những khó khăn ban đầu. Và chúng tôi đã thực sự hạnh phúc khi 2 suất diễn vở Đoạn tuyệt đầy kín khán giả, không ai bỏ ra về giữa chừng. Tôi tin kịch dài sẽ là xu hướng phát triển trong đời sống giải trí của người Việt tại Mỹ và các nước”.
Trung tuần tháng 10, đoàn kịch Sống của nghệ sĩ Túy Hồng sẽ giới thiệu 2 suất diễn vở Giông tố (tác giả: Vũ Trọng Phụng, đạo diễn: Hùng Lâm), diễn viên trong nước sang là nghệ sĩ Tú Trinh và Trương Minh Quốc Thái. Tham gia vở diễn còn có: Kiều Oanh, Lê Huỳnh, Thúy Nga, Túy Hồng… Nhóm kịch Hoàng Hiệp – Hữu Nghĩa cũng đã từng dàn dựng thành công vở Khi bóng đã say hình (kịch bản: Nguyễn Thị Minh Ngọc, Hữu Nghĩa, Hoàng Hiệp) đã tạo được tiếng vang.
Cơ hội mở rộng thị phần Kịch dài trên đất Mỹ còn có một tín hiệu vui, đó là in sang DVD để phát hành giới thiệu đến công chúng ở nhiều quốc gia khác nhau. Chị Mỹ Lệ (một Việt kiều ở Anh Quốc) cho biết: “Gia đình tôi mua nhiều sản phẩm kịch dài bằng DVD để xem. Vui nhất là được xem những sản phẩm băng đĩa do nghệ sĩ trong và ngoài nước tham gia. Nhiều năm qua, băng đĩa trong nước đã có nhiều sản phẩm giới thiệu về kịch dài nhưng năm nay thì đã có băng đĩa của kịch dài trên đất Mỹ. Bà con kiều bào ở Anh rất thích. Với xu hướng này, kịch có thể sẽ mở thêm thị phần ngoài Mỹ, nếu các nhà tổ chức đưa kịch dài Việt đến Anh Quốc biểu diễn”. |
Những tín hiệu vui
Tuy nhiên, một số suất diễn kịch dài vẫn còn phải lồng ghép đại nhạc hội phần đầu nhằm thỏa mãn nhu cầu của khán giả vừa đến xem kịch đồng thời gặp các thần tượng ca nhạc. Do đó, các suất diễn tại San Jose, Houston sắp tới đều phải có mặt các ca sĩ, nghệ sĩ như: Ngọc Giàu, Thanh Tuyền, Hồng Loan, Bảo Lộc, Quang Thành, Bảo Trân, Anh Thư, Tuấn Hải, Dương Việt Trường trong các tiết mục hỗ trợ cho kịch.
Nhà văn, đạo diễn Nguyễn Thị Minh Ngọc cho biết: “Ở miền Nam California có thể khán giả kiều bào đã quen dần với kịch dài nên họ đến xem kịch với tâm trạng phấn khởi khi được thưởng thức những câu chuyện kịch đầy xúc động. Còn khán giả kiều bào ở những nơi khác đều phải có ca nhạc chêm vào. Tôi và đạo diễn Hùng Lâm đã cố gắng làm công tác biên kịch, tăng tiết tấu một số lớp diễn để kịch dài dần dần được đón nhận theo cách của khán giả kiều bào trên đất Mỹ”.
Vẫn với thông điệp chia sẻ, vở Yêu của Đoàn Dân Nam Thúy Uyển hứa hẹn sẽ thu hút khán giả với 3 suất diễn tại San Jose, Houston, sau suất ngày 18-9 tại Đại hí viện La Mirada.
Diễn viên kịch nói Lương Thế Thành (Sân khấu IDECAF) cho biết: “Tôi rất hồi hộp và lo lắng vì là diễn viên trẻ, chưa có nhiều kinh nghiệm trong việc lưu diễn. Khán giả kiều bào biết đến chúng tôi qua phim truyền hình nhưng khi đến với kịch dài, chưa biết họ sẽ đón nhận mình ra sao. Tuy nhiên, trong những ngày tập dượt, được sự động viên của các cô, chú nghệ sĩ đang sống tại Mỹ như: Phượng Liên, Thanh Lan, Anh Dũng, Quốc Tuấn…, chúng tôi yên tâm và rất cố gắng”.
Chia sẻ khó khăn
Nghệ sĩ hài Anh Vũ cho biết thêm: “Diễn kịch trên đất Mỹ không phải chuyện dễ vì ngôn ngữ vùng miền khác biệt và cách hiểu cũng như nắm bắt thông tin của khán giả kiều bào khác với khán giả TPHCM. Nhiều câu nói khán giả không cười, có khi không hiểu nên rất khó thuyết phục khán giả nếu không biết cách chuyển đổi ngôn từ”.
Nghệ sĩ Tú Trinh cho biết thêm: “Để tập kịch trên đất Mỹ rất khó vì hầu hết các diễn viên đều có công việc làm ở các hãng xưởng. Việc thiếu người nên nghệ sĩ cải lương cũng phải tham gia diễn kịch đã cho thấy lực lượng diễn kịch dài rất hiếm trên đất Mỹ”.
Bên cạnh những cái khó về mặt tập dượt, cái khó tiếp theo là cảnh trí, đạo cụ. Để tìm những đạo cụ đúng với bối cảnh không gian và thời gian của câu chuyện kịch, các nhà tổ chức phải đặt mua và thực hiện từ trong nước đưa sang. Do vậy, chi phí vận chuyển rất cao, giá vé không thể thấp nên khó mà có lãi sau một vở diễn. Chưa kể chi phí lo thủ tục nhập cảnh để diễn viên trong nước sang ăn, ở, tập luyện, trình diễn nhà tổ chức phải gánh.
Để nhẹ gánh cho nhà tổ chức, một số phương án đã được đưa ra để đôi bên cùng chia sẻ và có lợi, đó là nhà tổ chức mua vé máy bay cho nghệ sĩ ở Việt Nam sang, suất diễn thứ ba sẽ được trừ tiền, còn 2 suất đầu nghệ sĩ vẫn được trả đúng giá thù lao đã định.
Theo Người Lao Động
Bình luận (0)