Điền kinh Việt Nam trước nguy cơ không có suất dự Olympic 2020

Hoàng Quỳnh
Hoàng Quỳnh
19/02/2020 08:47 GMT+7

Đoạt đến 16 HCV ở SEA Games 30 nhưng điền kinh Việt Nam nhiều khả năng không đoạt nổi tấm vé chính thức dự Olympic Tokyo 2020 diễn ra vào tháng 7 tới tại Nhật Bản.

Thông số thành tích kém

Đấu trường Olympic có rất nhiều VĐV đẳng cấp, vì thế khả năng cạnh tranh của các VĐV Việt Nam cũng thấp đi, chưa kể nếu đoạt suất tham dự cũng xem như không có cửa cạnh tranh thứ hạng cao ở Olympic dù chúng ta có nhiều HCV SEA Games, có VĐV đoạt HCV châu Á

Trưởng bộ môn điền kinh VN Dương Đức Thủy

Tại SEA Games 30 diễn ra ở Philippines hồi tháng 12 năm ngoái, điền kinh Việt Nam giữ ngôi đầu khu vực với 16 HCV nhưng thông số thành tích mà các tuyển thủ Việt Nam đạt được thua kém so với chuẩn Olympic 2020. Cụ thể, ở cự ly 100 m nữ, thành tích 11 giây 54 của Lê Tú Chinh kém chuẩn Olympic (11 giây 15) và rất khó để cô gái TP.HCM chinh phục được từ nay đến hết hạn lấy chuẩn Olympic vào cuối tháng 6.
Ở 400 m nữ, thành tích Nguyễn Thị Huyền đạt được là 52 giây 80 nhưng chuẩn Olympic là 51 giây 35, khoảng cách không quá xa nhưng cũng khó san bằng. Ở 400 m rào nữ, Nguyễn Thị Huyền đạt thành tích 56 giây 90 trong khi chuẩn Olympic 55 giây 40.
Ở 400 m nam, Trần Nhật Hoàng đạt thành tích 46 giây 56 trong khi chuẩn Olympic là 44 giây 90. Đó là 3 gương mặt có thành tích nổi bật còn những VĐV khác khả năng tranh chấp suất dự Olympic càng khó hơn. Đơn cử như Nguyễn Thị Oanh đoạt 3 HCV 1.500 m (thành tích 4 phút 17 giây 31), 5.000 m (16 phút 45 giây 98), 3.000 m chướng ngại vật (10 phút 00 giây 02) nhưng chuẩn Olympic lần lượt là 4 phút 04 giây 20, 15 phút 10 giây, 9 phút 30 giây.
Trưởng bộ môn điền kinh Việt Nam Dương Đức Thủy cho biết điền kinh là môn thể thao cạnh tranh đến từng phầm trăm giây và đấu trường Olympic có rất nhiều VĐV đẳng cấp, vì thế khả năng cạnh tranh của các VĐV Việt Nam cũng thấp đi, chưa kể nếu đoạt suất tham dự cũng xem như không có cửa cạnh tranh thứ hạng cao ở Olympic dù chúng ta có nhiều HCV SEA Games, có VĐV đoạt HCV châu Á.

Đầu tư chưa đúng mức

Thất bại khi tập huấn nước ngoài

Cách đầu tư cho điền kinh cũng là vấn đề, ví dụ năm ngoái TP.HCM bỏ kinh phí đưa Lê Tú Chinh sang Mỹ tập huấn nhưng cũng không đột phá thành tích. Thanh Hóa phối hợp cùng Tổng cục TDTT đưa anh em Quách Công Lịch, Quách Thị Lan đi Mỹ một thời gian nhưng cũng quay về mà không có dấu hiệu tiến triển. Những thất bại đều được người có trách nhiệm lý giải chung chung là VĐV VN không phù hợp mà không phân tích thấu đáo để rút tỉa kinh nghiệm.
Ở kỳ Olympic 2016, điền kinh Việt Nam đoạt 2 vé dự Olympic là Nguyễn Thị Huyền (400 m, 400 m rào), Nguyễn Thành Ngưng (đi bộ). Ở Olympic 2012, điền kinh Việt Nam cũng có 2 vé chính thức của Nguyễn Thị Thanh Phúc (đi bộ), Dương Thị Việt Anh (nhảy cao). Lần này nguy cơ không đoạt suất chính thức rất cao, khi đó phải đi cửa phụ bằng 2 suất đặc cách (nhiều khả năng chọn Nguyễn Thị Huyền, Trần Nhật Hoàng), nói như ông Dương Đức Thủy là “đi cho có” chứ chẳng giải quyết được vấn đề gì.
Cơ hội cuối để điền kinh Việt Nam tranh suất chính thức dự Olympic là giải vô địch châu Á dự kiến diễn ra vào tháng 6 tại Trung Quốc nhưng trước diễn biến của dịch Covid-19 vẫn chưa biết giải có diễn ra hay không. Cũng trong tháng 6, các tuyển thủ điền kinh Việt Nam còn có một giải tại Kazakhstan cũng tính chuẩn Olympic nên sẽ cử VĐV tham gia tìm kiếm cơ hội.
Vấn đề của điền kinh Việt Nam được chỉ ra là được đầu tư quá kém. Cả bộ môn điền kinh được cấp kinh phí 150.000 USD (khoảng 3,5 tỉ đồng)/năm cho các hoạt động tập huấn, thi đấu của tuyển quốc gia lẫn tuyển trẻ. Số tiền này thua cả kinh phí đầu tư cho kình ngư Nguyễn Thị Ánh Viên đi Mỹ tập huấn trong năm 2019 (gần 200.000 USD). Với kinh phí đầu tư như thế trong khi Liên đoàn Điền kinh cũng không hoạt động hiệu quả ở khâu xã hội hóa, khó đòi hỏi sự đột phá thành tích nơi các tuyển thủ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.