(TNO) Tài năng trẻ của môn điền kinh Quách Thị Lan đang tập huấn tại Bungary và sẽ không về nước để tham dự giải vô địch quốc gia sẽ khởi tranh vào ngày 22.9 - giải đấu được coi là cuộc sát hạch quan trọng cuối cùng trước SEA Games 27.
>> Điền kinh VN đặt mục tiêu đoạt 12 HCV SEA Games 27
>> Việt Nam giành HCV nhảy ba bước tại giải điền kinh Singapore mở rộng
>> “Nữ hoàng điền kinh” bị quấy rối tình dục
|
Quyết định này gây ra một số khó khăn cho Ban huấn luyện đội tuyển khi sắp xếp nhân sự chuẩn bị cho SEA Games 27 ở cự ly 400 m, 400 m rào nữ (dự kiến sau khi kết thúc giải quốc gia, vào ngày 25.9, bộ phận chuyên môn và đội tuyển sẽ họn bàn danh sách dự SEA Games 27).
Hiện tại, Việt Nam (VN) có các VĐV đều có thể đảm đương được các cự ly này, trong số đó Nguyễn Thị Huyền được đánh giá có phong độ ổn định và kinh nghiệm nhất, Nguyễn Thị Oanh sung sức nhất còn Lan là một tài năng trẻ nhưng còn thiếu kinh nghiệm và đặc biệt là có một nền tảng thể lực không được tốt.
Lan đã từng đoạt HCV giải quốc gia năm 2012 cự ly 400 m rào và phá kỷ lục quốc gia tổn tại suốt 10 năm của đàn chị Nguyễn Thanh Hoa.
Tuy nhiên, chính vì Lan có bất lợi về thể lực nên các nhà chuyên môn cũng đang phải tính toán sao cho cô gái 18 tuổi này không phải thi quá nhiều để có thể đảm bảo được hiệu quả cao nhất.
Lan chỉ nên tập trung thi ở nội dung 400m rào vì đây là sở trường của cô, còn ở nội dung 400m đơn đã có Huyền và Oanh (đang sở hữu thành tích tương đương với Lan).
Nếu để Lan ôm đồm quá nhiều có thể sẽ ảnh hưởng đến cả thành tích thi đấu cự ly tiếp sức 4x400 m nữ của VN tại SEA Games 27. Nếu tính toán không khéo, VN có thể mất HCV cả đơn lẫn tiếp sức thì rất uổng. Nhưng đáng tiếc ở giải vô địch quốc gia, Lan lại không có mặt.
Thêm một bất cập nữa trong việc tuyển chọn VĐV điền kinh VN tham dự cự ly thi đấu nào tại SEA Games 27. “Động tác” này đã đơn giản hơn nếu điền kinh VN áp dụng bảng tiêu chuẩn tuyển chọn một cách công khai như đã từng làm tại kỳ SEA Games trước đó.
Bảng tiêu chuẩn tuyển chọn VĐV tham dự SEA Games đang được rất nhiều nước trong khu vực áp dụng như Singapore, Thái Lan, Malaysia...
Khi bảng tiêu chuẩn được công bố, các HLV, VĐV yên tâm tập luyện theo kế hoạch đề ra, khi đạt chuẩn họ yên tâm rằng mình đã được tham dự SEA Games và chuyên tâm vào tập luyện để có thể đạt thành tích tốt nhất.
Trong khi đó tại VN lại cố tình không đưa bảng chuẩn này vào áp dụng, mà quay lại với cơ chế xin cho - một cơ chế “xấu xí” tồn tại “lâu bền” trong tư tưởng nhiều nhà quản lý điền kinh VN. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển của thể thao VN nói chung và điền kinh VN nói riêng.
Lan Phương
Bình luận (0)