Đây là lần đầu tiên Bộ Công thương công khai chuyện lỗ, lãi, giá thành sản xuất điện của EVN.
Nhưng cũng là lúc người tiêu dùng sẽ phải chấp nhận việc điện chuẩn bị tăng giá. Trước đó, EVN cũng đã lên tiếng "đòi" tăng giá nhưng chưa được chấp thuận. Với việc "dọn đường" của Bộ Công thương như nói trên, tăng giá điện có lẽ đã rất gần. Không chỉ tăng giá, lần tăng này sẽ tăng mạnh khi khoản lỗ trên 10.000 tỉ đồng được hạch toán thẳng vào giá thành.
Điện tác động đến giá đầu vào của hầu hết các sản phẩm, dịch vụ. Giá điện tăng, hàng hóa tiêu dùng sẽ tăng theo, lạm phát mà Chính phủ đang nỗ lực kiểm soát, chắc chắn sẽ bị tác động. Tăng lương mới chỉ dừng lại ở khâu bàn bạc, thảo luận thì giá cả trên thị trường lại đứng trước nguy cơ tiếp tục bị đẩy lên theo giá điện. Câu chuyện lương lẽo đẽo theo giá, câu chuyện lợi ích ngành "đè" lợi ích chung của cả nền kinh tế... nói mãi vẫn thế.
Nhưng bức xúc hơn cả là việc người dân, doanh nghiệp, nền kinh tế phải gánh chịu hậu quả của việc làm ăn thua lỗ cho ngành điện. Nguyên nhân lỗ theo lý giải của Bộ Công thương là do giá thành điện cao hơn giá bán. Nhưng vì sao giá thành điện cao, năng lực quản lý, thất thoát, những dự án chậm tiến độ, công nghệ, máy móc... của EVN đóng góp bao nhiêu trong con số thua lỗ này, chưa được làm rõ. Nếu lỗ vì năng lực quản trị, doanh nghiệp phải gánh chịu, tại sao bắt người tiêu dùng phải gánh? Nhưng có lẽ cũng chẳng cần phải phân tích sâu xa đến vậy. Nghịch lý "quýt làm, cam chịu" thể hiện ngay trong việc sẽ hạch toán lỗ vào giá thành của EVN.
Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng lý giải rằng, EVN là doanh nghiệp kinh doanh nên lỗ phải hạch toán vào giá thành. Thử hỏi trên thị trường hiện nay, có ngành nào được quyền ung dung hạch toán lỗ vào giá thành như vậy? Nếu được quyền làm như vậy, chắc chắn không có chuyện gần 50.000 doanh nghiệp bị phá sản vì khó khăn trong 10 tháng đầu năm nay. Nếu cứ lỗ thì nâng giá, việc gì các công ty phải đau đầu với bài toán tiết giảm chi phí, nâng cao chất lượng, công suất... để vượt khó. Nếu có thể đẩy lỗ sang khách hàng, việc gì phải kêu gọi tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước, tái cấu trúc nền kinh tế...
Sở dĩ EVN được làm và làm được việc này là nhờ vào sự độc quyền kinh doanh trên thị trường điện. Vị thế độc quyền khiến người mua điện phải chấp nhận cả những việc vô lý nhất, chịu thay khoản lỗ cho EVN. Càng vô lý hơn khi chúng ta thí điểm thị trường điện cạnh tranh, chúng ta khẳng định điện sẽ theo cơ chế thị trường nhưng lỗ thì hạch toán vào giá thành còn lãi, doanh nghiệp hưởng.
Nhưng khoản lỗ trên 10.000 tỉ đồng là chưa tính các khoản lỗ do đầu tư ngoài ngành; chưa tính lỗ, lãi tại các công ty cổ phần điện do EVN góp vốn; chênh lệch tỷ giá... Với sự độc quyền đang có, lại được "bật đèn xanh" từ cơ quan quản lý như nói trên, không loại trừ khả năng, người tiêu dùng nói riêng và nền kinh tế nói chung sẽ tiếp tục gánh lỗ cho EVN khi "cơ chế công khai" được tiếp tục.
Nguyên Hằng
Bình luận (0)