img
Điện lực miền Nam: Hành trình 20 năm kéo điện ra đảo- Ảnh 1.

Ngày 23.8.2024, tại Hải Phòng, Quân chủng Hải quân và Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) phối hợp tổ chức Hội nghị trao đổi thông tin về bảo đảm cung cấp điện trên quần đảo Trường Sa và nhà giàn DK1. Thông tin về việc cung cấp điện phục vụ quân và dân trên quần đảo Trường Sa và nhà giàn DK1, ông Bùi Quốc Hoan - Phó tổng giám đốc Tổng công ty Điện lực miền Nam (EVNSPC) cho biết, sau khi tiếp nhận hệ thống điện trên quần đảo Trường Sa và nhà giàn DK1 năm 2017, EVN đã giao EVNSPC quản lý vận hành và đảm bảo cung cấp điện cho quần đảo Trường Sa và nhà giàn DK1 từ đó đến nay.

"Hơn 7 năm qua, Điện lực miền Nam đã không ngừng nỗ lực vượt qua nhiều khó khăn, thách thức về điều kiện khí hậu, địa hình, phối hợp chặt chẽ với Quân chủng Hải quân quản lý, đầu tư sửa chữa, nâng cấp hệ thống năng lượng sạch trên quần đảo Trường Sa và nhà giàn DK1. Nhờ đó, đến nay, dù nhu cầu sử dụng điện của các đảo và nhà giàn đã tăng gấp nhiều lần so với năm 2017, nhưng EVNSPC đã cơ bản đảm bảo cung cấp điện an toàn, liên tục để phục vụ quân và dân trong học tập, công tác và sẵn sàng chiến đấu, với chất lượng điện năng cũng như thời gian cung cấp điện ngày càng được nâng cao", ông Bùi Quốc Hoan chia sẻ.

Điện lực miền Nam: Hành trình 20 năm kéo điện ra đảo- Ảnh 2.

Điện lực Trường Sa.

ẢNH: EVNSPC

Theo tìm hiểu, EVNSPC đã nhiều lần đầu tư sửa chữa, cải tạo hệ thống năng lượng sạch hiện hữu. Đặc biệt khôi phục lại tình trạng hoạt động của hệ thống theo thiết kế ban đầu; đồng thời đầu tư thí điểm 3 hệ thống năng lượng sạch theo công nghệ mới tại 3 điểm đảo Đá Lát, Đá Đông A và Đá Thị, đáp ứng được nhu cầu cấp điện 24/7 tại 3 đảo này. Đến nay, hệ thống năng lượng sạch do Tổng công ty Điện lực miền Nam đầu tư trên đảo đã phát huy hiệu quả cao và được Quân chủng Hải quân đề nghị đầu tư, nhân rộng tại các điểm đảo.

Bên cạnh đó, EVNSPC cho biết thường xuyên phối hợp chặt chẽ với các chuyến tàu của hải quân khi có hải trình để thực hiện sửa chữa, duy tu, bảo trì hệ thống điện trên các đảo và nhà giàn. Cụ thể, Tổng công ty cùng các đơn vị trực thuộc như Công ty Điện lực Ninh Thuận, Công ty Điện lực Bà Rịa - Vũng Tàu và các đơn vị thuộc Quân chủng Hải quân thường xuyên trao đổi thông tin tình trạng hoạt động của các hệ thống năng lượng sạch; đào tạo các chiến sĩ vận hành các hệ thống năng lượng sạch; hướng dẫn quân và dân trên đảo lựa chọn, mua sắm, sử dụng các thiết bị tiết kiệm điện…

Điện lực miền Nam: Hành trình 20 năm kéo điện ra đảo- Ảnh 3.

Điện mặt trời trên đảo Trường Sa.

ẢNH: EVNSPC

Điện lực miền Nam: Hành trình 20 năm kéo điện ra đảo- Ảnh 4.

Trong thực tế, câu chuyện đưa điện ra đảo, "phủ sóng" điện gần 100% trên các đảo khu vực miền Nam được EVNSPC triển khai hơn 20 năm qua và xác lập nhiều kỳ tích đáng trân trọng. Những đường dây truyền tải điện, trên biển nước mênh mông hay lặng thầm dưới đáy biển khơi đều có ý nghĩa nhân văn cao cả, làm thay đổi bao phận người trên những xã đảo xa đất liền, heo hút; giúp kéo gần hơn đời sống văn minh từ đất liền ra hải đảo.

Cuối năm 2001, huyện đảo Phú Quốc (Kiên Giang) chỉ có trạm phát điện diesel với công suất khoảng 3 MW, cấp điện cho 4.252 khách hàng ở thị trấn Đông Dương và xã An Thới, sản lượng cả năm chưa đầy 6 triệu kWh. Do chạy bằng dầu nên giá thành điện tại huyện đảo rất cao, khó bảo đảm đủ điện tối thiểu cho sinh hoạt, cũng như phục vụ các nhu cầu khác. Sang đầu năm 2002, Công ty Điện lực 2 (nay là Tổng công ty Điện lực miền Nam - EVNSPC) tiếp nhận trạm phát diesel, lưới điện trên đảo Phú Quốc từ tỉnh Kiên Giang và đầu tư vào hệ thống nguồn và lưới điện.

Điện lực miền Nam: Hành trình 20 năm kéo điện ra đảo- Ảnh 5.

Đoàn công tác EVN thăm quần đảo Trường Sa với tinh thần Trường Sa vì cả nước, cả nước vì Trường Sa.

Đến năm 2012, điện đã được đưa đến hầu hết các xã và thị trấn trên toàn huyện đảo với 96 km đường dây trung thế, 89 km đường dây hạ thế, 192 trạm biến áp phân phối với tổng dung lượng là 21.070 kVA. Một phân xưởng diesel quy mô 24,7 MW hoạt động 24/24 giờ, cấp điện cho 13.000 khách hàng. Điện thương phẩm năm 2013 là trên 55 triệu kWh. Dù ngành điện liên tục đầu tư nâng công suất nguồn phát điện diesel, xây dựng nhiều công trình lưới điện, nhưng nhu cầu sử dụng điện trên đảo liên tục tăng, trung bình hơn 25% mỗi năm nên mới chỉ đáp ứng được khoảng 70% nhu cầu.

Khó khăn hơn, mỗi năm, Tổng công ty phải bù lỗ trên 100 tỉ đồng, do điện sản xuất từ nguồn diesel có giá thành quá cao, nhưng giá bán theo đúng quy định hỗ trợ người dân vùng sâu, xa, hải đảo, nên giá thành điện sản xuất luôn cao gấp mấy lần so với giá bán ra. Đơn cử, năm 2012, ngành điện bù lỗ 164 tỉ đồng và năm 2013 bù lỗ đến gần 180 tỉ đồng.

Tuy vậy, ý thức được vai trò và trách nhiệm phải đảm bảo đủ điện phục vụ phát triển kinh tế - xã hội cũng như sinh hoạt của người dân, xác định rõ cấp điện cho phát triển Phú Quốc là nhiệm vụ chính trị quan trọng, EVNSPC đã đầu tư dự án cáp ngầm 110 kV xuyên biển đưa điện từ đất liền ra đảo. Tháng 1.2010, dự án cáp ngầm 110 kV xuyên biển Hà Tiên - Phú Quốc có chiều dài 56 km chính thức được triển khai, khảo sát biển để thực hiện. Thi công đường dây nổi trên biển đã khó, làm cáp ngầm xuyên biển càng gian nan vô cùng. Thế nhưng, với những nỗ lực không ngừng, cách đây hơn 10 năm, ngày 2.2.2014, công ty đóng điện và đưa vào vận hành công trình đường dây cáp ngầm 110 kV xuyên biển Hà Tiên - Phú Quốc. Đây là công trình đường dây cáp ngầm xuyên biển dài nhất Đông Nam Á, với tổng vốn đầu tư hơn 2.300 tỉ đồng để đem điện lưới quốc gia ra đảo, thay thế hoàn toàn nguồn điện diesel. Đáng chú ý, từ thời điểm có điện lưới quốc gia, giá điện tại đảo ngọc cũng về mức bình quân tương đương với đất liền, giảm gần 50% so với thời điểm chưa có điện lưới quốc gia.

Điện lực miền Nam: Hành trình 20 năm kéo điện ra đảo- Ảnh 6.

Đội xung kích Điện lực miền Nam tại công trường.

ẢNH: EVNSPC

Đồng bộ với dự án này còn có các dự án khác như đường dây 110 kV Kiên Lương - Hà Tiên, 2 Trạm biến áp 110 kV và đường dây đấu mối. Chẳng hạn, ngay xã đảo Lại Sơn (Kiên Giang), từ khi có hệ thống lưới điện 110 kV nối An Biên - Lại Sơn và trạm biến áp 110 kV Lại Sơn, mở rộng lưới điện phân phối trung hạ thế, lắp đặt công tơ và nhánh rẽ… gần 2.000 hộ dân trên đảo không lo thiếu điện. Đời sống của bà con làng chài nơi đây ngày một rộn ràng, đông vui, nhu cầu sử dụng thiết bị điện tử giải trí cao hơn. Đặc biệt, xã đảo nay có đường vòng quanh đảo và đường trục ngang cũng đã hoàn thành, kết nối các điểm du lịch trên đảo, phục vụ giao thông đi lại thuận tiện, dễ dàng cho cư dân và khách du lịch đến đảo. Hay tại xã đảo Tiên Hải (dân gian hay gọi là đảo Hải Tặc - Kiên Giang), năm 2019, EVNSPC đã đầu tư và nghiệm thu, đóng điện công trình cấp điện lưới quốc gia tại đây, cung cấp điện cho hơn 450 hộ với khoảng 2.000 nhân khẩu.

Đây cũng là một trong những dự án điện mà quá trình thi công gặp nhiều khó khăn, trở ngại do thời tiết xấu, sóng to, gió lớn trên biển thường xuyên. Xã đảo Tiên Hải có tầm quan trọng đặc biệt trong giữ vững an ninh, chủ quyền quốc gia, việc đưa được điện ra xã đảo của EVNSPC góp phần quan trọng vào công cuộc hội nhập và phát triển kinh tế đất nước. Trong thực tế, với vị trí địa lý quan trọng, các xã đảo giống như những vị trí tiền tiêu giữa biển, thuận lợi trong phát triển kinh tế biển và giữ vững an ninh quốc phòng, chủ quyền quốc gia trên biển. Đây cũng là cửa ngõ ra quan trọng của Việt Nam thông ra khu vực vịnh Thái Lan.

Điện lực miền Nam: Hành trình 20 năm kéo điện ra đảo- Ảnh 7.

Cáp ngầm đưa điện xuyên biển ra đảo.

Điện lực miền Nam: Hành trình 20 năm kéo điện ra đảo- Ảnh 8.
Điện lực miền Nam: Hành trình 20 năm kéo điện ra đảo- Ảnh 9.

Công trình nguồn điện diesel Côn Đảo.

EVNSPC

Đặc biệt, tại thành phố đảo Phú Quốc, từ khi có điện lưới quốc gia, du lịch tại đây có sự phát triển vượt bậc và lượng khách đến đảo tăng mạnh, từ 913.000 lượt du khách vào năm 2015 đã lên trên 5,1 triệu vào năm 2019. Đến cuối năm 2023, có hơn 5,2 triệu lượt du khách đến đảo này. Cùng với việc kéo điện ra đảo, EVNSPC đầu tư đồng bộ hệ thống nguồn và lưới điện trên đảo với tổng vốn hơn 7.080 tỉ đồng. Đến nay, quy mô đường dây trung thế, hạ thế và trạm biến áp phân phối đã tăng gần 100 lần, đảm bảo điện cho số khách hàng tăng gấp 10,5 lần.

Theo EVNSPC, phụ tải sử dụng điện tại Phú Quốc tăng nhanh nhất trong tỉnh Kiên Giang, chủ yếu nhu cầu sử dụng cho các hoạt động kinh doanh, dịch vụ thương mại. Để đáp ứng nhu cầu phụ tải sử dụng điện đang tăng nhanh của đảo, EVNSPC đã tăng công suất trạm biến áp, đồng thời tiếp tục đầu tư nhiều công trình điện. Trong đó, dự án đường dây 220 kV Kiên Bình - Phú Quốc với tổng mức đầu tư lên đến 2.212 tỉ đồng đã đóng điện cách đây 2 năm là dự án quan trọng của ngành, giúp tăng cường năng lực cung ứng điện cho đảo Phú Quốc thêm 500 MW, gấp 5 lần công suất sử dụng điện trước đó và đáp ứng nhu cầu về điện đến năm 2035.

Tương tự, tại Côn Đảo (Bà Rịa - Vũng Tàu), đầu năm nay, EVNSPC cũng khánh thành đưa vào đóng điện 4 tổ máy phát điện, bổ sung nguồn thêm 6.400 kW, nâng công suất nguồn phát điện diesel của ngành điện tại huyện Côn Đảo lên 15.720 kW nhằm tăng cường nguồn điện vận hành và dự phòng để phát triển kinh tế - xã hội, cấp điện phục vụ an sinh xã hội và quốc phòng tại huyện Côn đảo.

Điện lực miền Nam: Hành trình 20 năm kéo điện ra đảo- Ảnh 10.

Ông Bùi Quốc Hoan cho biết, trong giai đoạn tiếp theo, EVNSPC dự kiến đầu tư hơn 1.600 tỉ đồng để tiếp tục khai thác hiệu quả năng lực cung ứng điện từ hai công trình đường dây cáp ngầm 110 kV xuyên biển Hà Tiên - Phú Quốc và đường dây 220 kV vượt biển Kiên Bình - Phú Quốc. Cụ thể là triển khai các công trình đồng bộ cấp điện áp 22 kV - 110 kV - 220 kV như trạm 220 kV Phú Quốc, đường dây và trạm 110 kV Phú Quốc - Bắc Phú Quốc, hoàn thành đoạn còn lại của đường dây 110 kV Phú Quốc - Nam Phú Quốc; đồng thời triển khai thực hiện dự án tái cấu trúc lưới điện Phú Quốc.

Điện lực miền Nam: Hành trình 20 năm kéo điện ra đảo- Ảnh 11.

EVNSPC đầu tư điện mặt trời trên đảo.

Với nguồn ra quần đảo Trường Sa và nhà giàn DK1, đại diện EVNSPC cho biết, Tổng công ty và các đơn vị thành viên đã nỗ lực rất lớn, phối hợp chặt chẽ với Quân chủng Hải quân, song công tác cung cấp điện cho quần đảo Trường Sa và nhà giàn DK1 vẫn gặp không ít khó khăn, thách thức. Đó là đặc thù địa lý, môi trường, khí hậu khắc nghiệt của biển đảo khiến hệ thống năng lượng sạch nhanh xuống cấp, hư hỏng, ảnh hưởng đến chất lượng cung cấp điện. Bên cạnh đó, việc đầu tư, phát triển hệ thống điện đáp ứng nhu cầu phát triển của quần đảo Trường Sa và nhà giàn DK1, cung cấp điện ổn định lâu dài 24/7 như trên đất liền đòi hỏi nguồn vốn đầu tư rất lớn, trong khi vốn đầu tư hằng năm của EVNSPC chỉ đủ để thay thế, sửa chữa hệ thống hiện hữu…

Trước đó, tại hội nghị, lãnh đạo Quân chủng Hải quân và lãnh đạo EVN, EVNSPC cũng đã trao đổi, bàn giải pháp tháo gỡ kịp thời, giúp quân dân trên quần đảo Trường Sa và nhà giàn DK1 có đủ điện phục vụ nhu cầu cuộc sống, học tập, công tác và sẵn sàng chiến đấu. Hai bên thống nhất sẽ phối hợp lập đề án cung cấp điện trên quần đảo Trường Sa, các nhà giàn và cùng góp ý vào dự thảo luật Điện lực trình Quốc hội thông qua trong thời gian sắp tới. Trong đó, nhấn mạnh các giải pháp cụ thể đảm bảo điện cho khu vực biên giới, hải đảo và những vùng đặc biệt khó khăn của đất nước.

Điện lực miền Nam: Hành trình 20 năm kéo điện ra đảo- Ảnh 12.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.