EVNSPC tổ chức khóa đào tạo quản trị trải nghiệm khách hàng cho lãnh đạo các ban chuyên môn và lãnh đạo các đơn vị thành viên tại 21 tỉnh phía Nam |
Chuyển đổi số đồng loạt hệ thống quản trị, điều độ, phân phối…
Ông Nguyễn Công Hầu - Phó tổng giám đốc Tổng công ty Điện lực miền Nam (EVNSPC) cho biết, Tổng công ty đang quyết liệt thực hiện chuyển đổi số trong hoạt động quản trị, điều hành và sản xuất kinh doanh hệ thống phân phối điện toàn khu vực miền Nam. Việc này mang lại giá trị rất lớn về lợi ích kinh tế, hiệu quả làm việc, sự hài lòng của khách hàng... Chẳng hạn, riêng khối cơ quan EVNSPC đã xử lý gần 50.000 văn bản, nhận khoảng 31.059 và gửi đi 18.128 là văn bản điện tử, tiết kiệm hàng chục tỉ đồng tiền in ấn từ năm 2021 đến nay.
Từ năm 2019, EVNSPC đã đưa vào áp dụng chính thức “Digital - office” tích hợp chữ ký số và triển khai văn bản trên máy tính và thiết bị di động. Gọi nôm na là văn phòng không giấy. Mọi công văn đến đều được số hóa dưới dạng PDF, chuyển vào hệ thống văn phòng điện tử và giải quyết theo quy trình. Đến nay, Tổng công ty đã triển khai trên toàn bộ các đơn vị trực thuộc, phải sử dụng văn phòng điện tử trong quá trình xử lý văn bản đi và đến (trừ văn bản mật và văn bản không sử dụng chữ ký số). Ông Nguyễn Công Hầu nói tiếp: “EVNSPC hiện đang hướng đến văn phòng không giấy trong tất cả các văn bản, các báo cáo đều được triển khai trên môi trường mạng. Chúng tôi đã và đang xây dựng kho cơ sở dữ liệu trực tuyến, tiến tới tin học hóa toàn diện công tác quản trị, liên kết, trao đổi, chia sẻ, lưu trữ dữ liệu thống nhất”.
Không chỉ số hóa khối văn phòng, EVNSPC cho biết đang phối hợp cùng các đối tác nghiên cứu và triển khai chuyển đổi số trong công tác điều độ lưới điện. Ông Vương Hữu Ngọc - Trưởng ban Viễn thông và Công nghệ thông tin kiêm thành viên thường trực Ban chỉ đạo chuyển đổi số EVNSPC cho biết, với vai trò là một trong những thành viên trụ cột của Tập đoàn Điện lực Việt Nam, EVNSPC đã xây dựng chiến lược cụ thể với mục tiêu trở thành doanh nghiệp số vào năm 2025, trong đó chuyển đổi số cơ bản hoàn thành trong năm nay 2022. Trong lộ trình này, Điện lực miền Nam rất cần sự hỗ trợ từ các đối tác chiến lược trong quá trình triển khai các giải pháp công nghệ mới, số hóa quy trình trong hoạt động điều độ, vận hành ổn định an toàn và thích ứng với nền kinh tế số hiện đại.
Việc đưa trung tâm điều khiển từ xa vào hoạt động đã giảm tối đa nhân lực và chi phí vận hành hệ thống điện |
Đấu thầu qua mạng đạt 100%
Ngoài khối văn phòng, điều độ, EVNSPC cho biết đã áp dụng số hóa trong quản lý, vận hành lưới điện từ xa đạt hiệu quả ngoài mong đợi. EVNSPC hiện có đến 21 công ty điện lực trực thuộc, trong đó, có những đơn vị thành viên nằm tận hải đảo xa xôi, việc kết nối đường điện vô cùng khó khăn. Đơn cử như tại huyện đảo Phú Quý cách thành phố biển Phan Thiết (tỉnh Bình Thuận) khoảng 56 hải lý (tương đương 110 km), hệ thống điện trên đảo này có 38,54 km đường dây hạ áp, 44,1 km đường dây trung áp, và 71 trạm biến áp với tổng công suất 10.582 kVA. Tuy nhiên, đây là một hệ thống điện diesel và điện gió, vận hành độc lập, không kết nối với hệ thống điện quốc gia. Để vận hành lưới điện trên đảo này thành công, ông Nguyễn Thanh Ngôn - Giám đốc Công ty Điện lực Bình Thuận cho biết, hệ thống SCADA được đưa vào vận hành từ năm 2019 giúp kết nối giám sát và điều khiển xa tất cả các thiết bị trong nhà máy diesel, nhà máy điện gió và các thiết bị trên lưới điện trên đảo Phú Quý. Công ty cũng đã đầu tư các thiết bị 22kV bao gồm 83 máy cắt tự động đóng lại (Recloser) và 4 dao cắt phụ tải (LBS) đóng cắt thông minh. “Việc đưa trung tâm điều khiển từ xa vào hoạt động đã giảm tối đa nhân lực và chi phí vận hành hệ thống điện, nâng cao năng suất lao động và độ tin cậy cung cấp điện, đảm bảo vận hành lưới điện an toàn”, ông Ngôn cho hay. Bên cạnh đó, Công ty Điện lực Bình Thuận thuộc Điện lực miền Nam cũng triển khai rất sớm các dịch vụ điện trực tuyến, thanh toán tiền điện, đo đếm điện năng giúp khách hàng dễ dàng tiếp cận các dịch vụ trực tuyến qua Cổng Dịch vụ công quốc gia hoặc các kênh chăm sóc khách hàng của Tổng công ty Điện lực miền Nam như: Website: http://cskh.evnspc.vn, App CSKH EVNSPC, Zalo EVNSPC, email: cskh@evnspc.vn.
Đáng lưu ý, Điện lực miền Nam cũng là một trong Tổng công ty triển khai hệ thống đấu thầu qua mạng các gói thầu thành công và được đánh giá hiệu quả cao từ rất sớm. Các đơn vị trực thuộc EVNSPC như Điện lực Bình Thuận, Điện lực Bến Tre, Điện lực Bình Dương… từ năm 2020 đến nay cũng đã thực hiện 100% các gói thầu đấu thầu qua mạng Hệ thống Đấu thầu quốc gia đối với các gói thầu đấu thầu rộng rãi và chào hàng cạnh tranh. Nhờ đó, công tác lựa chọn nhà thầu ngày càng nâng cao đạt các tiêu chí công bằng, công khai, minh bạch và hiệu quả. Ông Nguyễn Mạnh Tuấn - Phó giám đốc Công ty Điện lực Bến Tre cho biết, hiện 100% số lượng gói thầu của đơn vị được thực hiện theo hình thức chào hàng cạnh tranh và đấu thầu rộng rãi được tổ chức đấu thầu qua mạng, đến nay đã thực hiện được 25 gói thầu qua mạng; 100% dữ liệu thực hiện của nhà thầu được đánh giá, chấm điểm và chia sẻ trong toàn Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đối với giai đoạn chạy thử và vận hành.
Điều khiển hệ thống nguồn điện tích hợp tại Phú Quý |
- Chuyển 98% báo cáo định kỳ bằng bản giấy sang báo cáo điện tử;
- Giảm 93,4% số lượng báo cáo bằng bản giấy các đơn vị gửi EVN;
- Hoàn thành 99% việc triển khai chuyển đổi số tất cả các hoạt động thường xuyên của văn phòng, hành chính văn thư lưu trữ; phát hành gửi/nhận văn bản điện tử qua Trục EVNSPC (D-Office) và trục liên thông văn bản EVN, lập hồ sơ công việc, công tác tài chính đảng... (trừ văn bản mật); công tác quản trị nội bộ (kiểm soát CBCNV, khách, phương tiện ra/vào cơ quan EVNSPC thông qua hình thức nhận diện khuôn mặt, chấm công điện tử; phòng họp trực tuyến; quản lý phương tiện...).
- Chuyển 21 loại báo cáo sang cập nhật trên các phần mềm dùng chung của EVN.
Bình luận (0)