Điện lực Quảng Trị biến khó khăn thành cơ hội

25/04/2014 13:05 GMT+7

Thủ tục lắp công tơ nhanh hơn, cấp điện ổn định, thông báo sớm lịch cắt điện… là những cảm nhận đầy hồ hởi của nhiều khách hàng với Điện lực Quảng Trị.


Phòng giao dịch khách hàng của Điện lực Đông Hà

Anh Hoàng Tuấn ở đường Lê Duẩn, thị trấn Hồ Xá, H.Vĩnh Linh, Quảng Trị chia sẻ: "Làm kinh doanh nên khi chuẩn bị mở cửa hàng, tôi thấy rất lo lắng khi phải đến điện lực làm thủ tục lắp đặt công tơ mới. Nhưng khi tôi trực tiếp đến văn phòng của công ty để đăng ký thì được các nhân viên điện lực tận tình hướng dẫn và từ khi đăng ký đến khi tôi được lắp xong công tơ chỉ mất 4 ngày, rất nhanh chóng".

Anh Nguyễn Thành Thi, chuyên viên phòng kinh doanh Điện lực Quảng Trị cho biết việc lắp mới công tơ để cấp điện cho khách hàng được thực hiện trong vòng 3 ngày và không xảy ra trường hợp vướng mắc nào; công tác thu tiền điện, thông báo ngừng cấp điện, lệnh cắt điện đều được công ty thông báo đến khách hàng trước đó 24 giờ. Việc  chăm sóc khách hàng luôn được lãnh đạo công ty chỉ đạo sát sao đến các chuyên viên, tạo hình ảnh thiện cảm với khách hàng, nên trong năm 2013, Công ty Điện lực Quảng Trị đã phát triển thêm 5.034 khách hàng mới trên địa bàn toàn tỉnh. Bằng những nỗ lực không biết mệt mỏi công ty đã đạt độ tin cậy cung cấp điện chuẩn của Tổng công ty Điện lực miền Trung.

Ngay từ năm 2010, Điện lực Quảng Trị đã hoàn thành tiếp nhận lưới điện hạ áp nông thôn (LĐHANT), đạt 60/60 xã và tiếp nhận thêm 8 xã ngoài kế hoạch, với khối lượng tiếp nhận gần 60.000 hộ; hơn 1.100 km đường dây hạ thế… Tuy nhiên, lưới điện hạ áp khi công ty tiếp nhận đều đã cũ nát và xuống cấp nghiêm trọng, bởi hầu hết do nhân dân tự góp vốn xây dựng từ những năm 90, các tiêu chuẩn kỹ thuật đều không đạt yêu cầu. Thêm vào đó, khối lượng đường dây tiếp nhận rất lớn, chất lượng thấp, mất an toàn nghiêm trọng cũng đã gây khó khăn cho công tác quản lý và vận hành lưới điện… Vì vậy, Công ty Điện lực Quảng Trị đã tiến hành khảo sát kỹ lưới điện tiếp nhận, từ đó xây dựng phương án sửa chữa và cải tạo hợp lý.

Đối với những khu vực lưới điện tạm sử dụng được, công ty đầu tư sửa chữa tối thiểu bằng cách cho thay thế cột đầu, cột cuối và dây dẫn, góp phần tối ưu hóa nguồn vốn và tăng số lượng khu vực được sửa chữa. Trường hợp lưới điện không thể sửa chữa tối thiểu được, công ty lập phương án đầu tư tối thiểu để giải quyết vốn theo đúng quy định của ngành và tiến hành triển khai lắp đặt công tơ bán điện đến hộ tiêu thụ.

Tổn thất điện năng trước khi tiếp nhận lưới điện năm 2008 có tỷ lệ cao từ 20-35%, nhưng sau khi công ty tiếp nhận đã giảm rõ rệt theo từng năm, đến năm 2013 tổn thất còn 7,15%. Con số đó đã nói lên nỗ lực rất lớn của tập thể cán bộ công nhân viên Công ty Điện lực Quảng Trị trong việc quản lý sửa chữa, vận hành LĐHANT sau khi tiếp nhận. Tính đến hết năm 2013, công ty đã ký kết 207 hợp đồng dịch vụ bán lẻ điện năng để quản lý 118 nghìn công tơ khu vực nông thôn trong toàn tỉnh.

Ông Đào Truyền, Trưởng phòng kinh doanh Công ty Điện lực Quảng Trị cho biết để hướng tới dịch vụ khách hàng ngày càng hoàn hảo, công ty cũng đã nỗ lực đưa công nghệ thông tin vào quản lý kinh doanh điện năng. Dù việc thực hiện hóa đơn điện tử trong thu tiền điện còn gặp khó khăn, vì tâm lý e ngại của người dân quen với nếp thu tiền điện trực tiếp trước kia, nhưng ông Truyền tin tưởng khi đã tuyên truyền đủ cho người dân quen cách làm mới, chắc chắn mang lại nhiều lợi ích cho khách hàng cũng như ngành điện.

Nguồn: EVN

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.