Kịch dễ làm hay, làm mới
Các vở kịch có lẽ dễ cập nhật, dễ làm mới hơn cả, vì không phụ thuộc bài ca như cải lương. Nhiều vở kịch kinh điển, ăn khách đã chứng minh sức sống của mình qua những giai đoạn khác nhau. Cách đây không lâu, vở Bông hồng cài áo xuất hiện liên tiếp trên các sân khấu IDECAF và Hoàng Thái Thanh (TP.HCM). Từ một vở kinh điển của đoàn kịch Kim Cương, đem dựng lại rõ ràng là vô cùng áp lực. Thế nhưng Bông hồng cài áo của IDECAF đã khai thác chi tiết vui giữa ông cậu và ông cha dượng, khiến vở kịch sinh động; còn Hoàng Thái Thanh lại khai thác chi tiết về người mẹ, về tâm lý đứa con với chiếc áo dài mà mẹ để lại, làm đầy thêm nhân vật với sự thương cảm.
Vở cải lương Nàng Xê Đa dựng lại lộng lẫy và hiện đại |
H.K |
Đến Dạ cổ hoài lang, khi dựng lại ở IDECAF người ta thấy một phiên bản tả thực rất đẹp, khác hẳn tính ước lệ khi ra mắt tại sân khấu 5B. Với đủ cả cầu khỉ, hoa lá, bức tranh làng quê, người xem như bỗng trào lên xúc cảm. Và nhân vật ông Năm của NSƯT Hữu Châu không “bợm” như ông Năm của NSƯT Việt Anh, mà chân chất hơn, kèm một chút “ba gai” miệt vườn khiến người ta thấy ngay con người Nam bộ. Cảnh cuối, ông Tư chết quay lưng lại khán giả chứ không quay mặt ra như bản dựng ngày xưa, thể hiện được ngụ ý của cố đạo diễn Vũ Minh về sự cô đơn cùng cực, một nỗi niềm không biết tỏ cùng ai.
Bàn tay của trời là kịch bản xuất sắc của Hoàng Thái Thanh, cũng được dựng lại hoành tráng hơn lúc ở 5B, thêm nhiều màn múa ước lệ tạo không khí hấp dẫn, trang phục cũng sang trọng hơn, thiết kế sân khấu đẹp với những bức tranh Đông Hồ làm chủ đạo. Đặc biệt, vở đã dựng thêm “nhân vật” hồn ma của người mẹ luôn dõi theo con, truyền chút linh lực để cảm hóa con sống thiện lành, là một chi tiết rất đắt. Đạo diễn Ái Như nói: “Tôi cố ý tìm một điểm tựa cho nhân vật, dù trong bối cảnh cái ác, cái xấu vây quanh, thì người ta luôn có một điểm tựa nào đó cho đời mình, và đó thường là người mẹ, tình mẹ”.
Mới đây, vở Bất ngờ chưa bà già ra mắt tại Nhà hát Thanh Niên cũng đã gây… bất ngờ. Đây là vở của “bà bầu” Ngọc Trinh cách đây mấy năm với tên gọi Cặp đôi hoàn cảnh. Vở này mới diễn vài suất, rất ăn khách, thì dịch Covid-19 ập tới, nên ngưng luôn. Giờ đạo diễn Bùi Quốc Bảo dựng lại, anh cũng chỉnh sửa ngay chính bản dựng cũ của mình, làm cho nó mới hơn. Mới ở tên gọi rất “đu trend”, khán giả trẻ nghe là tò mò ngay. Mới ở nội dung đã có thêm vụ YouTuber quấy rối suốt ngày, phản ánh rất đúng xã hội thời nay.
Vở Bất ngờ chưa bà già là bản dựng rất sinh động theo trend |
H.K |
Cải lương cũng phải làm mới
Cải lương có rất nhiều vở kinh điển được tái dựng, và ít nhiều cũng được làm mới. Đạo diễn - NSND Trần Ngọc Giàu nói: “Cải lương khó ở chỗ vở nào cũng in sâu vào ký ức khán giả, thậm chí họ thuộc lòng từng câu ca, câu thoại. Dựng y như cũ thì không sao, còn nếu mình muốn sửa phải hết sức cẩn thận, vì khán giả sẽ phản ứng. Thế nhưng, vẫn phải làm mới cho phù hợp thời đại, phù hợp khán giả trẻ”. Chính vì vậy, khi dựng lại vở Tướng cướp Bạch Hải Đường, đạo diễn Trần Ngọc Giàu đã thêm vào những lớp diễn dài dành cho nhân vật Nhung, vợ của Bạch Hải Đường. Nhung trong bản dựng mới rất tinh tế về tâm lý, tác giả lại thêm nhiều bài ca cho NSND Thanh Ngân thi thố tài ca diễn. Khi đến nhà vợ chồng ông Bằng, Nhung đã rón rén, biết lỗi, thậm chí từng muốn bỏ đi, không làm áp lực với gia đình đó. Khi tiếp cận đứa con, Nhung thể hiện tình cảm người mẹ rất cảm động, và khi về nhà Nhung đấu tranh với bản thân mình dữ dội. Nhân vật đầy đặn như thế khiến ở lớp cuối, khi chị hối lỗi càng logic hơn.
Cách diễn đó, cách ca đó có thể hợp với nghệ sĩ thời trước, nhưng chưa chắc hợp với nghệ sĩ thời nay, hãy để họ đi tìm một lối thể hiện mới cho chính họ.
Đạo diễn Hoa Hạ
Còn ở vở Nàng Xê Đa do đạo diễn - NSƯT Hoa Hạ dựng lại, vua Riêm có nhiều đất diễn hơn, sinh động, mạnh mẽ. Cách ca diễn của Võ Minh Lâm khá hiện đại, làm nên diện mạo mới cho vở. Những màn trèo non vượt suối của Riêm, hoàng tử Pơ Le và khỉ Hanuman tạo không gian và vũ đạo đẹp. Ngay cả tiết tấu cũng nhanh hơn, âm nhạc tưng bừng hơn, thiết kế lộng lẫy, thỏa mãn tiêu chí nghe - nhìn. Đạo diễn Hoa Hạ chủ trương: “Cải lương nói là kinh điển nhưng thời gian vẫn làm nó thay đổi trong con mắt người xem. Cách diễn đó, cách ca đó có thể hợp với nghệ sĩ thời trước, nhưng chưa chắc hợp với nghệ sĩ thời nay, hãy để họ đi tìm một lối thể hiện mới cho chính họ”. Ngoài ra, “Sân khấu dựng lại cũng phải tùy thuộc mỹ thuật, âm nhạc, vũ điệu, trang phục, phương tiện kỹ thuật của hiện tại, vì vậy chắc chắn là thay đổi so với trước. Chúng ta cứ thưởng thức bản dựng xưa song song với bản dựng hôm nay, đừng cực đoan về một phía nào, vì mỗi phía đều có cái hay riêng”, đạo diễn Hoa Hạ chia sẻ.
Bình luận (0)