* Thưa ông, hai dự án quan trọng này bao giờ được khởi công?
- Nếu kết quả đấu thầu của dự án đường Nguyễn Văn Trỗi - Nam Kỳ Khởi Nghĩa được UBND TP.HCM phê duyệt xong trong tháng 5 hoặc đầu tháng 6 này thì có thể tổ chức triển khai thi công trong tháng 6 tới. Còn dự án cầu Công Lý, hiện đơn vị tư vấn đang chỉnh sửa hồ sơ thiết kế - dự toán, dự kiến sẽ trình Sở GTCC phê duyệt trong đầu tuần tới và tổ chức đấu thầu, nếu đấu thầu thành công có thể sẽ khởi công vào tháng 7 tới. Tiến độ đền bù giải tỏa của dự án đường Nguyễn Văn Trỗi - Nam Kỳ Khởi Nghĩa hiện đang được đẩy nhanh. Cho đến thời điểm này, trên toàn tuyến đã có 102/582 hộ bàn giao mặt bằng. Vấn đề quỹ nhà tái định cư cho các hộ bị giải tỏa trắng cho đến thời điểm này chưa có khó khăn gì vì thành phố đã chuyển 63 căn hộ ở khu dân cư Rạch Miễu, Q.Phú Nhuận để bố trí cho các hộ giải tỏa trắng có nhu cầu tái định cư.
* Đối với các căn nhà ở mặt tiền đường chỉ bị giải tỏa một phần, việc chỉnh trang được quản lý như thế nào để đảm bảo vẻ mỹ quan chung của tuyến đường?
Dự án mở rộng đường Nguyễn Văn Trỗi - Nam Kỳ Khởi Nghĩa đã được UBND TP.HCM phê duyệt từ tháng 10/2003, với tổng mức đầu tư là 852 tỉ đồng, trong đó chi phí đền bù giải tỏa chiếm hơn 778 tỉ đồng. Tuyến đường được mở rộng có chiều dài 3,8km (từ đường Trường Sơn đến đường Điện Biên Phủ), sẽ là đường phố chính cấp II. Đoạn 1 từ đường Trường Sơn đến Hoàng Văn Thụ giữ nguyên mặt cắt ngang đường hiện hữu (14 - 21m); đoạn 2 từ đường Hoàng Văn Thụ đến đường Võ Thị Sáu và đoạn 3 từ đường Võ Thị Sáu đến đường Điện Biên Phủ rộng 30m. Cao độ mặt đường sau khi hoàn thành sẽ không có thay đổi nhiều so với hiện nay. Theo kế hoạch, công trình sẽ hoàn thành sau 32 tháng thi công.
- Mục tiêu chính của dự án là giải quyết vấn đề giao thông, trong phạm vi dự án mới giải quyết vấn đề cảnh quan trong phạm vi mở rộng đường (30m). Phần kiến trúc ngoài phạm vi mở rộng đường chưa được đề cập trong dự án. Theo tôi được biết, mới đây trong Quyết định số 39/2005/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc hướng dẫn thi hành Điều 121 của Luật Xây dựng có quy định rõ việc xử lý các trường hợp công trình xây dựng đang tồn tại nhưng không phù hợp quy hoạch xây dựng, hoặc phù hợp với quy hoạch xây dựng nhưng chưa phù hợp về kiến trúc. Trong đó có trường hợp diện tích sau khi bị giải tỏa còn lại lớn hơn 15m2, có chiều rộng mặt tiền từ 3m trở lên và chiều sâu so với chỉ giới xây dựng từ 3m trở lên thì được phép xây dựng không quá 2 tầng. Các trường hợp còn lại phải tuân theo quy hoạch xây dựng được duyệt. Trong một cuộc họp gần đây, UBND TPHCM có giao nhiệm vụ cho Sở Quy hoạch Kiến trúc chủ trì phối hợp với UBND các quận Phú Nhuận, Q.3, Q.Tân Bình khẩn trương giám định các tiêu chí xây dựng theo yêu cầu thiết kế đô thị đối với phần còn lại sau giải tỏa làm cơ sở để cấp phép xây dựng. Riêng đối với công trình giao thông, chúng tôi cố gắng làm cho con đường sau này khi hoàn thành sẽ đẹp hơn, thoáng đãng hơn. Cụ thể là, các công trình hạ tầng kỹ thuật như đường dây điện, cáp quang sẽ được đặt ngầm. Triền lề bằng đá xanh, vỉa hè lát gạch xi măng (chưa chọn màu). Cây xanh được chọn trồng trên vỉa hè sẽ là loại cây muồng bông vàng hoặc cây móng bò; trên dải phân cách giữa đường là cây Hoàng Nam cùng với kiểng bướm hồng, muồng vàng, hoa trang đỏ và cỏ lá gừng... Hệ thống chiếu sáng ngoài các trụ đèn chính ở giữa đường, còn có thêm các trụ đèn trang trí ở hai bên vỉa hè.
* Dự án có tính đến việc sau này sẽ xây dựng đường trên cao (cầu cạn) trên tuyến đường này không thưa ông?
- Trước đây có dự kiến làm cầu cạn, nhưng kế hoạch này gặp phải một số khó khăn. Do vậy, để giải quyết vấn đề giao thông, hiện nay thành phố đang nghiên cứu các dự án cầu cạn từ đường Hoàng Văn Thụ (khu vực Lăng Cha Cả), chạy dọc theo tuyến kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè (NL - TN), kết nối vào đường Trương Định, Bà Huyện Thanh Quan (về trung tâm thành phố) và đường Nguyễn Hữu Cảnh (sang Q.2). Ngoài ra, đường dọc kênh NL - TN dự kiến sẽ được mở rộng đủ 3 làn xe mỗi bên, góp phần giải quyết giao thông theo hướng bắc - nam, từ sân bay Tân Sơn Nhất về trung tâm thành phố. Từ sân bay Tân Sơn Nhất còn có một tuyến đường mới đang được Tập đoàn LG (Hàn Quốc) nghiên cứu đầu tư là đường Tân Sơn Nhất - Bình Lợi - đường vành đai ngoài, cũng sẽ làm giảm áp lực về giao thông cho sân bay sau này.
* Cầu Công Lý sẽ được xây dựng lại như thế nào cho phù hợp với quy mô của con đường mới, cũng như cảnh quan kiến trúc của kênh NL - TN?
Phối cảnh đường Nguyễn Văn Trỗi - Nam Kỳ Khởi Nghĩa
- Cầu Công Lý mới được thiết kế theo kiểu cầu vòm ống thép, dài 84m, gồm 3 nhịp, sẽ là kiểu cầu rất mới ở TP.HCM cũng như ở Việt Nam. Cầu có bề rộng 30m (bằng bề rộng đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa - Nguyễn Văn Trỗi). Cầu mới sẽ cao hơn cầu cũ để bố trí đường chui dọc hai bờ kênh NL-TN, với tĩnh không đường chui dưới dạ cầu là 2,5m, tĩnh không thông thuyền là 2,5m. Sau khi xây dựng xong, đây sẽ là chiếc cầu có kiến trúc đẹp, tạo cảnh quan cho tuyến kênh NL - TN. Thời gian thi công cầu dự kiến trong 18 tháng.
* Đường NVT - NKKN là trục giao thông chính của thành phố, việc thi công sẽ được tổ chức như thế nào để đảm bảo giao thông trên tuyến đường được an toàn, thông suốt và đảm bảo vệ sinh môi trường?
- Chúng tôi sẽ phải đối mặt với các vấn đề hết sức khó khăn: Thi công trên một mặt bằng chật hẹp, nhưng phải đảm bảo an toàn giao thông trên đường cũng như cho nhân dân ở hai bên đường; phải đảm bảo khai thác vận hành các công trình kỹ thuật hiện hữu. Chúng tôi đề xuất phương án thi công phần đường mở rộng trước để ngầm hóa các công trình hạ tầng kỹ thuật. Trên tuyến đường này còn có hệ thống cống thoát nước của dự án vệ sinh môi trường NL - TN, nên hai dự án sẽ phải phối hợp với nhau để cùng làm. Mặt bằng thi công sẽ được rào chắn bằng tôn để đảm bảo vệ sinh môi trường. Đối với cầu Công Lý, phương án thi công là sẽ xây dựng hai chiếc cầu tạm ở hai bên cầu hiện hữu để xe 2 bánh và xe thô sơ lưu thông trên cầu tạm. Sau đó sẽ đập bỏ ½ cầu hiện hữu, gia cố ½ còn lại để đảm bảo cho 2 làn xe ô tô lưu thông. Sau khi làm xong ½ cầu mới sẽ cho xe ôtô lưu thông và phá dỡ ½ cầu cũ còn lại để xây dựng hoàn chỉnh cầu.
* Xin cám ơn ông.
Mai Vọng
(thực hiện)
Bình luận (0)