Diện mạo TP.Thủ Đức với cơ chế chính sách đặc thù

03/07/2023 06:25 GMT+7

Thủ Đức sẽ có bộ máy phục vụ chuyên nghiệp - đó là chia sẻ của ông Nguyễn Hữu Hiệp, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM, Bí thư Thành ủy TP.Thủ Đức (ảnh), với PV Thanh Niên sau khi Quốc hội thông qua Nghị quyết 98 về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM.

Trong Nghị quyết 98, Quốc hội dành riêng một điều khoản về những cơ chế đặc thù cho Thủ Đức, tạo nền tảng cho "thành phố trong thành phố" đầu tiên của cả nước phát triển đột phá, giải quyết nhanh những công việc liên quan đến người dân, doanh nghiệp.

Diện mạo TP.Thủ Đức với cơ chế chính sách đặc thù  - Ảnh 1.

NGUYÊN VŨ

Khi Nghị quyết 98 được ban hành, TP.Thủ Đức đã chuẩn bị gì để áp dụng những cơ chế mới, thưa ông?

Ông Nguyễn Hữu Hiệp: Hầu hết cơ chế mà TP.Thủ Đức xin đều được Quốc hội chấp thuận. Như vậy phải xác định tâm thế hành động ngay. Tinh thần của chúng tôi là những cơ chế thuộc thẩm quyền thì chuẩn bị triển khai ngay, còn những vấn đề thuộc thẩm quyền của TP.HCM thì chủ động xin thí điểm. Ngày 28.6, Ban Thường vụ Thành ủy Thủ Đức họp và thông qua dự thảo nghị quyết trình Ban Chấp hành Đảng bộ TP.Thủ Đức để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện.

Diện mạo TP.Thủ Đức với cơ chế chính sách đặc thù  - Ảnh 2.

Đô thị TP.Thủ Đức đang đối mặt nhiều bất cập về hạ tầng

NGUYÊN VŨ

TP.Thủ Đức có 16 phòng ban chuyên môn và 4 trung tâm

Ông có thể nói rõ hơn về "bộ khung" của TP.Thủ Đức sắp tới?

Hội nghị sơ kết giữa nhiệm kỳ Thành ủy Thủ Đức (ngày 21.6) đánh giá mô hình chính quyền đô thị một cấp chính quyền (cấp thành phố) và 2 cấp hành chính (cấp thành phố và cấp phường) là phù hợp.

Với những cơ chế mới được Quốc hội thông qua thì tổ chức bộ máy lần này cơ bản rõ ràng và ưu việt hơn. Cụ thể, HĐND TP.Thủ Đức sẽ có 2 phó chủ tịch chuyên trách, có 3 ban (Kinh tế - xã hội, Pháp chế, Đô thị) và 8 đại biểu chuyên trách. Đội ngũ tham gia là những người có chuyên môn, trình độ và năng lực tập hợp, quy tụ người giỏi để thực hiện chức năng thẩm định, giám sát các hoạt động của chính quyền thành phố.

Về bộ máy chính quyền, UBND TP.Thủ Đức sẽ có 4 phó chủ tịch (hiện nay chỉ có 3). Chúng tôi cũng xin thí điểm thành lập nhiều phòng ban, trung tâm mới cho phù hợp với đô thị hơn 1,2 triệu dân, quy mô 34 phường, nâng cao tính chuyên nghiệp, hiệu quả.

Dự kiến TP.Thủ Đức sẽ có 16 phòng ban chuyên môn. Cùng với 4 trung tâm mới (phát triển hạ tầng kỹ thuật, an sinh xã hội, xúc tiến thương mại và đầu tư, phát triển quỹ đất), bộ khung của TP.Thủ Đức sẽ cơ bản được hình thành như thế để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ phát triển.

Với quy mô bộ máy tổ chức mới, liệu các than phiền của người dân về thủ tục hành chính chậm trễ có chấm dứt?

Thật lòng mà nói, nếu chỉ dựa vào một nghị quyết thì khó lòng mà chấm dứt ngay mọi than phiền. Mình đừng tuyệt đối hóa nhưng chắc chắn TP.Thủ Đức sẽ cố gắng để mọi chuyện liên quan đến người dân, doanh nghiệp sẽ thay đổi thật sớm, thật nhanh và tốt hơn.

Cơ chế chỉ là một phần, vấn đề vẫn là con người. Đội ngũ cán bộ, công chức phải chuẩn bị sẵn sàng về tâm thế và kiến thức. Trước mắt sẽ khó khăn nhưng phải cố gắng vượt qua. Mục tiêu quan trọng nhất vẫn là xây dựng đội ngũ phục vụ ngày càng chuyên nghiệp.

Với những cơ chế Nghị quyết 98 cho phép, ông đánh giá đã đủ để giải quyết được những điểm nghẽn, bất cập về hạ tầng đô thị?

Tôi nghĩ là đủ. Tuy thẩm quyền của Quốc hội cho như vậy, nhưng vẫn còn phụ thuộc vào phân cấp từ HĐND và UBND TP.HCM, chứ chưa thể lấy những cơ chế đó ra sử dụng hết liền được.

Tâm thế của tôi cũng không quá hào hứng, mà giờ tập trung vào những việc có thể làm được ngay, kể từ ngày 1.8 có hiệu lực. Quan trọng nhất là bộ máy tổ chức của TP.Thủ Đức phải định hình rõ, phù hợp với mô hình chính quyền đô thị của "thành phố trong thành phố" và hoạt động ổn định.

Trong các buổi tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội và HĐND TP.HCM, người dân vẫn còn than phiền nhiều về quy hoạch treo. Với thẩm quyền mới, vấn đề này có được giải quyết rốt ráo?

Vấn đề quy hoạch vẫn phải chờ quy hoạch chung TP.Thủ Đức được Thủ tướng phê duyệt cũng như quyết định phân cấp của TP.HCM. Khi có rồi, thẩm quyền đến đâu thì đội ngũ có sẵn của TP.Thủ Đức sẽ giải quyết đến đó. Chúng tôi luôn nhận thức quy hoạch là nguồn lực để phát triển, nguồn lực gắn liền với quyền lực nên phải có cơ chế kiểm soát.

Diện mạo TP.Thủ Đức với cơ chế chính sách đặc thù  - Ảnh 3.

Những vấn đề TP.Thủ Đức sẽ tiên phong thí điểm

Với những cơ chế thuộc thẩm quyền TP.HCM, Thủ Đức sẽ tiên phong thí điểm những việc gì?

Chúng tôi chủ động xin thí điểm cơ chế phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng (TOD), cơ chế bồi thường vùng phụ cận.

Trong quy hoạch, ngoài tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên), Vành đai 3 thì TP.Thủ Đức còn có quy hoạch đường sắt nhẹ Thủ Thiêm - Long Thành, đường sắt TP.HCM - Nha Trang.

Trên cơ sở nghiên cứu quy định pháp luật và thực tiễn phát triển TOD trên thế giới, Thủ Đức sẽ phối hợp các sở, ngành đề xuất danh mục, quy mô, ranh giới và thứ tự ưu tiên các vị trí tiềm năng xung quanh nhà ga metro, đường Vành đai 3 để phát triển đô thị.

Trong Nghị quyết 98 cho nhiều cơ chế như phê duyệt dự án nhóm B, nhóm C đối tác công - tư (quy mô dưới 2.300 tỉ đồng) hay sử dụng tài sản công vào liên doanh, liên kết. Thủ Đức sẽ triển khai như thế nào?

UBND TP.Thủ Đức sẽ xây dựng quy trình thực hiện dự án nhóm B, nhóm C đầu tư theo phương thức đối tác công - tư, trong đó xác định tiêu chí về chủ đầu tư, tỷ lệ và cơ cấu nguồn vốn TP.Thủ Đức tham gia cũng như công tác vận hành, khai thác, quản lý sau đầu tư. Khi quy hoạch TP.Thủ Đức được Thủ tướng phê duyệt, chúng tôi sẽ có kế hoạch giới thiệu, kêu gọi đầu tư cụ thể.

Đối với nhà đất công, tất cả phải làm đề án cụ thể, căn cứ từng vị trí của nhà đất phù hợp với quy hoạch như thế nào rồi sẽ tính toán phương án cho thuê hay liên doanh, liên kết. Tuyệt đối không để lãng phí, cũng không có chuyện giao đất. Tất cả đều phải công khai, minh bạch.

Diện mạo TP.Thủ Đức với cơ chế chính sách đặc thù  - Ảnh 4.

 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.