Giảm 2/3 tiền điện
Ông Huỳnh Thanh Sử, Phó giám đốc Sở Công thương Cần Thơ cho biết, đến nay Cần Thơ đã có 1.829 hộ sinh hoạt lắp đặt hệ thống điện mặt trời áp mái (chiếm 0,492% số hộ sử dụng điện sinh hoạt); có 302 doanh nghiệp đầu tư có công suất nhỏ hơn 1 MW. Tổng công suất điện áp mái của thành phố hiện đã đạt gần 81.500 MWp; trong đó, điện mặt trời mái nhà sinh hoạt có công suất trên 17.000 MWp; doanh nghiệp có công suất hơn 64.000 MWp. “Mặc dù thành phố chưa có dự án điện mặt trời mặt đất nối lưới. Nhưng từ tỷ lệ phần trăm như trên có thể thấy tiềm năng, nhu cầu đầu tư điện mặt trời áp mái ở Cần Thơ rất lớn”, ông Sử nói.
Hiện TP.Cần Thơ đã có 302 doanh nghiệp đầu tư lắp đặt điện mặt trời có công suất nhỏ hơn 1 MW |
Đình Tuyển |
Cũng như các tỉnh khác ở ĐBSCL, Cần Thơ là một trong những địa phương có tiềm năng phát triển điện mặt trời áp mái lớn nhất cả nước nhờ có nắng gần như quanh năm. Số giờ nắng trung bình cả năm của Cần Thơ vào khoảng 2.249,2 giờ. Trên thực tế, điện mặt trời áp mái đã tạo ra những thay đổi lớn trong sinh hoạt của người dân.
Công nhân lắp đặt hệ thống điện mặt trời tại nhà PGS.TS Lê Anh Tuấn, Viện nghiên cứu biến đổi khí hậu (Trường ĐH Cần Thơ) |
Lê Tú |
PGS.TS Lê Anh Tuấn, Viện nghiên cứu biến đổi khí hậu (Trường ĐH Cần Thơ), một trong những hộ lắp đặt điện mặt trời sớm nhất tại Cần Thơ, cho biết ông lắp điện mặt trời từ năm 2018. “Trước đó, trung bình mỗi tháng tôi phải trả hơn 3 triệu đồng tiền điện, nhưng từ khi lắp điện mặt trời, số tiền này chỉ còn khoảng 1 triệu đồng, dù nhu cầu sinh hoạt của gia đình tăng thêm”, ông Tuấn nói và cho biết, lúc mới lắp đặt, gia đình ông chỉ lắp khoảng 12 m2 và đến hiện tại diện tích các tấm pin đã tăng lên gấp đôi. "Điện mặt trời không chỉ giúp tiết kiệm chi phí, việc lắp tấm điện mặt trời áp mái còn giúp mái nhà mát hơn. Đặc biệt, mỗi hộ gia đình sử dụng điện mặt trời cũng là góp phần giảm hiệu ứng nhà kính, bảo vệ môi trường", ông Tuấn nói.
Gặp khó vì Covid-19
Phát triển điện mặt trời ở Cần Thơ đang gặp nhiều khó khăn không chỉ ảnh hưởng đến người có nhu cầu lắp đặt hệ thống điện mặt trời mà cả những nhà đầu tư đang vận hành hệ thống đã lên lưới.
Ông N.Q.T (ngụ Q.Cái Răng, TP.Cần Thơ), một người đầu tư điện áp mái trại chăn nuôi có quy mô 5 MWp tại Cần Thơ, cho biết tổng diện tích điện áp mái của ông vào khoảng 3 ha, chia thành 4 khu chăn nuôi khác nhau, tổng vốn đầu tư gần 100 tỉ đồng, chính thức hòa lưới điện tháng 11.2020.
Hệ thống điện mặt trời tại trại chăn nuôi của của ông T. |
đình tuyển |
“Tuy nhiên, mấy tháng nay, công suất phát lên lưới bị cắt giảm chỉ còn khoảng 70%. Trong khi đó nguồn vốn đầu tư lớn, áp lực lãi suất ngân hàng, nói chung là kế hoạch tài chính của mình trước đó đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng”, ông Trung nói và cho biết, ông được giải thích nguyên nhân cắt giảm là bởi dịch Covid-19 khiến cho nhu cầu tiêu thụ điện giảm sâu. “Ngành điện cắt giảm lượng điện là vi phạm hợp đồng nhưng vì dịch Covid-19 mình cũng không biết phải làm sao. Nhưng tình trạng này không giải quyết sẽ rất khó khăn cho những người đầu tư”, ông T. nói.
Chờ lấp “khoảng trống” chính sách
Theo ông Huỳnh Thanh Sử, Phó giám đốc Sở Công thương Cần Thơ, Quyết định số 13/2020/QĐ-TTg ngày 6.4.2020 hết hiệu lực, không còn áp dụng giá ưu đãi cho điện mặt trời mái nhà, và ngành điện đã ngừng đấu nối điện mặt trời mái nhà vào hệ thống điện. UBND TP.Cần Thơ cũng đã ban hành Kế hoạch số 110/KH-UBND về Phát triển năng lượng tái tạo trên địa bàn TP.Cần Thơ giai đoạn 2021-2025 hướng đến mục tiêu giảm phát thải ròng bằng 0 như cam kết của Chính phủ tại Hội nghị COP26. “Tuy nhiên, người dân có nhu cầu lắp đặt cũng như các nhà đầu tư điện mặt trời hiện cũng chỉ biết chờ Chính phủ sớm ban hành quyết định mới để đáp ứng mong muốn của họ”, ông Sử nói.
Ông Phạm Đăng An, Phó tổng giám đốc Vũ Phong Energy Group (chuyên các dịch vụ về năng lượng tái tạo - PV), cho biết để khắc phục khó khăn và tái phát triển điện mặt trời, trước hết cần có chính sách mới về mua bán điện mặt trời để lấp “khoảng trống” sau khi Quyết định 13/2020/QĐ-TTg hết hiệu lực, trong đó nên khuyến khích các hệ thống tự sản xuất - tự tiêu thụ điện tại các hộ gia đình và các nhà máy đang trong lộ trình “xanh hóa” sản xuất. “Khi người dân, doanh nghiệp đã thực sự quan tâm đến năng lượng sạch, nếu có chính sách phù hợp và ổn định, lâu dài thì năng lượng sạch sẽ được khai thác hiệu quả, bền vững”, ông An nói.
Cần Thơ và ĐBSCL là nơi có tiềm năng rất lớn về điện mặt trời |
Đình Tuyển |
Trên quan điểm của nhà đầu tư, ông N.Q.T (Q.Cái Răng, Cần Thơ) cho rằng chính sách thay đổi, hay việc cắt giảm công suất ảnh hưởng đến các dự án đều xuất phát từ hệ thống truyền tải đang không đáp ứng kịp tốc độ phát triển. Cùng với đó là việc dự báo, quy hoạch phát triển điện mặt trời còn hạn chế, thiếu chính xác; hệ thống truyền tải chưa đồng bộ… “Đường truyền tải cũng giống như đường cao tốc còn các dự án điện mặt trời giống như khu công nghiệp. Nếu khu công nghiệp nhiều mà không có đường xá để đưa hàng hóa đến nơi tiêu thụ thì không làm gì được”, ông T. nói và nhận định: “Khác với đầu tư nhà máy điện phải xây dựng, đầu tư mạng lưới lớn phân phối điện... Còn điện mặt trời chỉ cần lắp đặt trên mái nhà để sử dụng. Quan trọng là sớm hoàn thiện hệ thống hạ tầng, đường truyền tải, cùng với đó là có những chính sách đủ tốt để khuyến khích người dân tham gia lắp đặt, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững”.
Điện mặt trời nông nghiệp có thể đáp ứng 40-70% nhu cầu điện của Cần Thơ
Theo nghiên cứu của Trung tâm Phát triển Sáng tạo Xanh (GreenID), Cần Thơ có tiềm khai thác điện mặt trời kết hợp sản xuất nông nghiệp khá lớn. Mô hình nông nghiệp kết hợp khai thác điện mặt trời phù hợp với 9 nông sản và thủy sản (lúa gạo, ngô, đậu tương, vừng, rau xanh, sắn/sắn dây, gia súc/gia cầm, cá, tôm). Tiềm năng công suất của mô hình kết hợp có thể đạt khoảng 700 - 1.100 MWp tương đương tiềm năng sản lượng điện từ 1 đến 1,5 TWh/năm, có thể đáp ứng 40-70% nhu cầu điện hàng năm của Cần Thơ.
Bình luận (0)