Trong đó có 22 dự án được UBND tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư với tổng diện tích 1.449 ha, công suất 1.067 MWp, tổng vốn đầu tư hơn 29.000 tỉ đồng. Tuy nhiên, cho đến nay vẫn chưa có DA nào ở Bình Thuận được khởi công…
Vướng quy hoạch titan
tin liên quan
Khởi công dự án điện mặt trời 5.000 tỉ đồngÔng Dương Tấn Long, Trưởng phòng Quản lý điện và năng lượng (Sở Công thương Bình Thuận) cho biết tất cả các DA điện mặt trời ở Bình Thuận vẫn đang chạy đua với thời gian. Theo ông Long, quyết định số 11/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 16.4.2017 ban hành chính sách về điện mặt trời, trong đó quy định giá của điện mặt trời sẽ được mua vào là 9,35 cent US. Quyết định này của Thủ tướng Chính phủ giới hạn đến thời điểm tháng 6.2019. Nếu sau thời điểm này thì các DA điện mặt trời không được thụ hưởng chính sách của quyết định số 11. “Đây chính là lý do các DA vẫn đang thi nhau chạy đua tiến độ”, ông Long nói.
Tuy nhiên, theo Chủ tịch Hiệp hội điện gió Bình Thuận Bùi Văn Thịnh (chủ đầu tư một DA điện mặt trời đang triển khai) thì cũng giống như điện gió, điện mặt trời đang bị “bó giò” bởi quy hoạch khoáng sản titan. Theo luật khoáng sản, chỗ nào có titan thì phải ưu tiên khai thác titan trước sau đó mới triển khai các DA khác. Trong khi hầu hết các DA điện mặt trời ở Bình Thuận đều nằm trên tầng đất có chứa titan.
“Hiện nay UBND tỉnh Bình Thuận đã có kiến nghị và Chính phủ đã giao cho các bộ, ngành tham mưu điều chỉnh diện tích quy hoạch titan ở Bình Thuận. Theo đó, những nơi nghèo titan thì không khai thác, thăm dò mà dành để làm các DA khác. Do vậy phải chờ Chính phủ có quyết định chính thức”, ông Thịnh cho hay.
Đường dây đấu nối quá tải
Một mối lo ngại khác của các nhà đầu tư điện mặt trời tại Bình Thuận hiện nay chính là hệ thống truyền tải điện sẽ quá tải. Theo ông Dương Tấn Long, toàn bộ các nhà máy điện gió, điện mặt trời từ Ninh Thuận cũng sẽ được đấu nối qua Bình Thuận để cung cấp điện cho miền Nam. Theo quy hoạch đến năm 2020 (tầm nhìn 2030, đã được Bộ Công thương phê duyệt) thì riêng điện gió ở Bình Thuận công suất lắp đặt sẽ đạt tới 700 MW, với sản lượng 1.500 triệu kWh (năm 2030 sẽ là 5.475 triệu kWh). Riêng điện mặt trời, đến năm 2020, được quy hoạch công suất lắp đặt đạt xấp xỉ 6.199 MWp (năm 2025 là 4.765 MWp).
Do vậy, theo ông Long, đường dây lưới điện quốc gia hiện nay sẽ quá tải khi hàng loạt nhà máy điện gió, điện mặt trời của cả hai tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận đi vào hoạt động. Ngay từ bây giờ, Nhà nước cần đầu tư không chỉ nâng cấp hệ thống lưới điện, mà còn phải đầu tư mới hệ thống mới có thể đáp ứng nhu cầu của hàng loạt nhà máy sắp triển khai
Trả lời Thanh Niên, Giám đốc Sở Công thương Bình Thuận Ngô Minh Kính, cho biết ngoài các nguyên nhân trên, còn có khó khăn nữa là việc thương lượng đền bù đất trong DA cho người dân. “Tuy nhiên, không phải DA nào cũng khó khăn. Có những DA đã được tỉnh tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để triển khai nhưng chủ đầu tư vẫn rất chậm chạp”, ông Kính nói. (còn tiếp)
Tận dụng lòng hồ thủy điện làm điện mặt trời
Bình Thuận có rất nhiều hồ thủy điện và hồ thủy lợi với diện tích rất lớn. Với công nghệ mới hiện nay, nhiều nhà đầu tư muốn tận dụng lòng hồ để đặt phao và tấm pin mặt trời. Theo ông N.M.K (đề nghị giấu tên) - một nhà đầu tư đang làm thủ tục đầu tư tại Bình Thuận, làm điện mặt trời trên lòng hồ giảm được chi phí do không phải thuê đất, chỉ thuê mặt nước, rẻ hơn rất nhiều. “Nếu chính quyền tỉnh cho tận dụng các hồ thủy lợi lớn như hồ sông Quao, sông Lũy, sông Lòng Sông, sông Móng, Cà Giây… để làm điện mặt trời thì sẽ tiết kiệm được hàng nghìn hecta đất. Hiện nay mới có dự án đầu tiên triển khai điện mặt trời trên lòng hồ là Công ty thủy điện Hàm Thuận - Đa Mi làm nhà máy điện mặt trời ngay trên lòng hồ Đa Mi rộng trên 50 ha.
|
Bình luận (0)