Điện sáng vùng biên Bù Đốp

09/10/2015 12:52 GMT+7

Huyện Bù Đốp (Bình Phước) có 7 xã đều giáp với nước bạn Campuchia. Những năm qua, cấp điện cho địa phương này được xem là ưu tiên hàng đầu của ngành điện miền Nam, dù đưa điện về vùng biên giới không hề thuận lợi.

Huyện Bù Đốp (Bình Phước) có 7 xã đều giáp với nước bạn Campuchia. Những năm qua, cấp điện cho địa phương này được xem là ưu tiên hàng đầu của ngành điện miền Nam, dù đưa điện về vùng biên giới không hề thuận lợi.

Người dân Bù Đốp tắm cho gia súc bằng máy bơm điện - Ảnh: Huy SơnNgười dân Bù Đốp tắm cho gia súc bằng máy bơm điện - Ảnh: Huy Sơn
Lỗ cũng phải kéo điện
Chúng tôi trở lại Thanh Hòa, xã được xem là còn khó khăn nhất của H.Bù Đốp. Dọc tuyến đường nhựa, rất nhiều rẫy cà phê, hồ tiêu, rau màu của bà con đang xanh tốt, sai trái. Nhiều hộ gia đình người Kinh, người Tày, Nùng, Khmer ở đây đang sử dụng những ống tưới nước bằng máy bơm chạy điện. Ông Dương Minh Khoa, cán bộ ấp 9 và cũng là nông dân cố cựu xã Thanh Hòa, nhớ lại cách đây gần 2 năm, đúng Giao thừa năm 2013, bà con trong ấp được đón điện quốc gia từ dự án trị giá 2 tỉ đồng của Tổng công ty Điện lực miền Nam (EVN SPC). Theo ông Khoa, cuộc sống của người dân trong ấp đã từng bước phát triển từ khi có điện. Ấp hiện có 270 hộ, hầu hết là hộ khá và trung bình, chỉ còn có 9 hộ nghèo.
Ông Vũ Viết Duy, Chủ tịch UBND xã Thanh Hòa, cho biết xã đang phấn đấu đến cuối năm 2015 sẽ kéo điện về đến nhà văn hóa của tất cả các ấp còn lại và một số tuyến nhánh hiện còn thiếu điện. Theo ông Duy, điện về không chỉ cải thiện đời sống văn hóa tinh thần mà quan trọng là giúp dân giảm bớt chi phí sản xuất, công sức lao động. “Việc tưới rẫy bằng động cơ điện rẻ bằng khoảng 30% so với tưới bằng động cơ dầu”, ông Duy nói.
Còn ông Mai Quy Tiên, Giám đốc điện lực Bù Đốp, cho rằng do địa bàn biên giới, dân cư rất thưa thớt nên có những dự án đầu tư rất cao. Có khi xây dựng đường điện dài 2 - 3 km nhưng chỉ phục vụ điện cho khoảng chục hộ dân. Tuy nhiên không vì vấn đề kinh tế, ngành điện và chính quyền địa phương không quan tâm cung cấp điện đến từng hộ dân. Ngược lại, thực hiện chỉ đạo của EVN SPC, chúng tôi luôn phải nỗ lực làm sao để điện lưới quốc gia sớm phủ sáng khắp vùng biên Bù Đốp.
Để sử dụng điện an toàn
Ông Tiên cho biết H.Bù Đốp có điện lưới quốc gia chính thức từ năm 1997. Vào thời điểm đó chỉ có điện ở các khu trung tâm và phải kéo điện từ Phước Long và Chơn Thành (Bình Phước) lên do đó chất lượng điện yếu và tỷ lệ hộ sử dụng điện thấp. Sau hơn 10 năm phát triển thì điện lực Bù Đốp đã xây dựng hệ thống điện rộng khắp trên 7 xã, thị trấn trong huyện. Đặc biệt, đến nay, vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, tỷ lệ phủ điện của Điện lực Bù Đốp đã đạt trên 93%.
Tuy nhiên, để đưa điện đến vùng biên giới đã khó, việc đảm bảo nguồn điện luôn an toàn lại còn khó khăn hơn. Theo ông Tiên, thực tế là điện lực Bù Đốp gặp rất nhiều khó khăn do địa bàn quản lý rộng, dân cư phân bố thưa thớt và cái đặc biệt khó khăn đó là công tác bảo đảm hành lang an toàn lưới điện. Ở vùng nông thôn, người dân trồng cây công nghiệp như cao su phát triển rất nhanh. Vận hành lưới điện khi mưa gió, cây cối va quẹt vào lưới điện gây nguy hiểm cho tính mạng cũng như tài sản của người dân... Để giải quyết vấn đề này, tại H.Bù Đốp đã thành lập hội đồng về bảo đảm an toàn hành lang lưới điện do Phó chủ tịch UBND huyện làm trưởng ban chỉ đạo. Đến nay, cơ bản hành lang an toàn lưới điện trên địa bàn Bù Đốp đã thông thoáng. Ngoài ra, còn có sự tham gia tích cực của bộ đội biên phòng.
Trung úy Nguyễn Xuân Thủy, cán bộ dân vận Đồn Biên phòng Thanh Hòa, cho biết không chỉ giúp bà con phát quang, bảo đảm hành lang an toàn lưới điện, chúng tôi còn tuyên truyền để bà con sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả nhất. Cũng theo anh Thủy, việc cung cấp điện cho nhân dân đã góp phần rất lớn vào phát triển kinh tế vùng biên. Đây cũng chính là cái cần thiết nhất để ổn định đời sống, an ninh trật tự, giữ vững chủ quyền biên giới quốc gia.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.