Nghiêm trọng
Từ trước Tết nguyên đán, “điện tặc” đã ra tay cắt trộm hàng chục ngàn mét dây cáp điện chiếu sáng trên các tuyến Tỉnh lộ 7, Tỉnh lộ 15 (Củ Chi), huyện Hóc Môn… khiến hơn 5.000 bộ đèn chiếu sáng ngưng hoạt động.
“Điện tặc” thường đi thành nhóm 2 - 3 người, trang bị đồ nghề gồm câu liêm cán gỗ, kềm cộng lực và thường "ra tay" ở các trụ chiếu sáng nằm xa khu dân cư, các con đường ít người qua lại.
Câu liêm sẽ được dùng để kéo dây điện sà thấp xuống mặt đất, sau đó chỉ cần vài nhát cắt gọn ghẽ, “điện tặc” đã có trong tay 5 - 15m dây điện đem bán với giá 50.000 - 70.000 đồng/kg.
Theo Khu Quản lý Giao thông đô thị số 3 (QLGTĐT 3), tính từ những tháng cuối năm 2010 đến nay, trên 7.000 vị trí với hàng chục ngàn mét dây cáp điện chiếu sáng đã “không cánh mà bay”, gây thiệt hại cho Nhà nước hàng trăm triệu đồng. Bên cạnh đó còn gây ra bao phiền toái cho người dân.
|
Tại một số tuyến đường ở Q.12, huyện Hóc Môn, Củ Chi… do dây điện bị cắt trộm làm đèn chiếu sáng không thể hoạt động được nên khi màn đêm buông xuống, tầm nhìn của người đi đường bị hạn chế đã dẫn đến nhiều vụ tai nạn giao thông đáng tiếc.
Bên cạnh đó, nhiều đối tượng xấu lợi dụng đêm tối gây ra các vụ trộm cắp, gây mất trật tự an ninh, xã hội... ảnh hưởng đến người dân trong khu vực.
Do vậy, chính quyền địa phương đã nhiều lần đề nghị đơn vị quản lý kéo lại dây cáp và cam kết “canh chừng” trộm, nhưng cũng chỉ được ít hôm, trộm lại mò đến cắt dây.
Theo đánh giá của Khu QLGTĐT 3, tình hình mất cắp dây cáp điện chiếu sáng trên địa bàn mà đơn vị này đang quản lý khá nghiêm trọng. Đơn vị đã áp dụng nhiều biện pháp để hạn chế nhưng không hiệu quả.
Bó tay!
Tổng kết hoạt động ngành giao thông thành phố năm 2010, Sở GTVT đã trao chứng nhận cho một chuyên viên thuộc Sở này khi đưa ra “sáng kiến” đối phó với nạn cắt trộm dây cáp chiếu sáng.
Thiết bị chống cắt trộm dây cáp điện được các chuyên gia trong ngành gọi là “cáp leo”, thực chất là một giải pháp kỹ thuật “gây nản lòng cho kẻ cắp”.
Đó là một đoạn dây ngắn gây khó đối với kẻ trộm khi muốn cắt. Nếu trộm vẫn “kiên trì” cắt dây cáp điện thì cũng chỉ cắt được một đoạn ngắn.
Ưu điểm của giải pháp này là thiết bị đầu tư có giá thành rẻ; đoạn cáp bị cắt ngắn nên tiết kiệm chi phí kéo lại dây. Tuy nhiên, ở những đoạn dây cáp điện bắc ngang qua cây hoặc trộm đem theo kềm cộng lực thì giải pháp này bị vô hiệu hóa.
Khu QLGTĐT 3 hiện đã kiến nghị Sở GTVT áp dụng phương án này bằng cách lắp đặt thiết bị trên 44.000 vị trí với tổng kinh phí khoảng 11 tỉ đồng.
Trước đó, ngành chức năng cũng từng nghĩ ra nhiều “chiêu” để đối phó với nạn “điện tặc”, như phối hợp với ngành chiếu sáng lắp đặt hệ thống báo động bằng điện thoại.
Theo lý thuyết, khi kẻ trộm cắt dây cáp chiếu sáng, điện thoại của người có trách nhiệm sẽ báo động. Tuy nhiên, giải pháp này cũng chỉ có thể báo động có kẻ trộm dây, còn có ngăn được kẻ trộm hay không là chuyện khác. Ngoài ra, do một số tác động khác, điện thoại của người có trách nhiệm liên tục xảy ra hiện tượng “báo giả”.
Ông Võ Khánh Hưng, Phó giám đốc Khu QLGTĐT 3 cho biết, đơn vị cũng nhiều lần phối hợp với các địa phương tăng cường công tác kiểm tra, kêu gọi người dân cùng góp sức chống “điện tặc” nhưng chỉ mang lại hiệu quả thời gian đầu. Ông Hưng cho rằng, giải pháp tốt hơn cả là lắp đặt hệ thống dây cáp ngầm, tuy nhiên, giải pháp này quá tốn kém.
Trước thực trạng “điện tặc” lộng hành, Sở GTVT đành bất lực mà than rằng: “Vẫn chưa có giải pháp hiệu quả!”.
Trần Duy
Bình luận (0)