Màn hình trong suốt
Hãng TDK, Nhật Bản vừa thông báo sẽ sản xuất hàng loạt điện thoại di động và máy nghe nhạc (gọi là Organic EL - Organic Electroluminescent) có màn hình trong suốt. Do là phát minh mới nên công nghệ này hiện mới chỉ ứng dụng với loại điện thoại di động có màn hình vừa phải - khoảng 2,4 inch (kích thước thực tế là 36,0x47,9 mm) và có độ phân giải hệ (QVGA) là 320x240.
Độ trong suốt màn hình của loại điện thoại và máy nghe nhạc này hiện mới chỉ đạt 40%, còn độ sáng của hình ảnh khá tốt. Thiết bị được sản xuất dựa trên công nghệ của các tấm phim mỏng với các chất liệu đặc biệt. Nhờ thế mà màn hình có khả năng phát sáng khi có dòng điện tác động vào.
|
Với nhiều người đây là phát minh khoa học mới, nhưng hãng TDK đã bắt đầu nghiên cứu, chế tạo các loại vật liệu cảm ứng điện từ từ năm 1991. Dù màn hình của điện thoại di động hay máy nghe nhạc là trong suốt, nhưng các thông tin chỉ có thể hiện lên ở mặt phía trước, giúp chủ nhân sử dụng thuận tiện như các loại điện thoại khác.
Theo nhà sản xuất TDK, góc nhìn của loại máy có màn hình trong suốt này là rất rộng (cả chiều dọc lẫn chiều ngang), nhưng lại không cho biết chỉ số cụ thể. Loại điện thoại màn hình trong suốt có thể hoạt động trong điều kiện nhiệt độ từ - 25oC đến 85oC.
Tại Nhật Bản, TDK bắt đầu sản xuất hàng loạt các thiết bị có màn hình trong suốt. Tuy thế, nhà sản xuất tên tuổi này lại chưa thông báo giá bán cũng như thời gian chúng sẽ xuất hiện trên thị trường.
Điện thoại tàng hình
Kỹ sư người Đức - Patrick Baudisch và các cộng sự của mình tại trường Đại học Hasso Plattner vừa thiết kế xong chiếc "điện thoại tưởng tượng" (Imaginary Phone). Hay nói chính xác hơn đó là "điện thoại tàng hình". Vào cuối tháng 5.2011, Patrick Baudisch cùng các cộng sự đã tiến hành thử nghiệm chiếc Imaginary Phone và thu được kết quả thật thú vị.
|
Với một chiếc điện thoại di động, khi sử dụng bạn phải cầm nó trên tay, dùng các ngón tay để thao tác trên các bàn phím, thanh trượt (hay trên màn hình cảm ứng đa điểm chạm) để nghe gọi, nhắn tin (SMS), truy cập internet... điều này đôi khi quả là bất tiện. Nhưng với Imaginary Phone, bạn chỉ cần dùng hay bàn tay không của mình thao tác là có thể sử dụng ngay điện thoại của mình. Chuyện khó tin nhưng lại có thật.
Sở hữu chiếc Imaginary Phone, trả lời cuộc gọi, quay số gọi bạn bè hay đặt giờ báo thức, gửi e-mail… bạn chỉ cần ngửa lòng một bàn tay làm chiếc điện thoại ảo và dùng một ngón tay của bàn tay còn lại nhẹ nhàng thao tác trên chiếc điện thoại ảo đó. Điều quan trọng nhất là bạn phải hình dung được chiếc điện thoại ảo đó, xác định vị trí của màn hình, các nút chức năng, đâu là nút stop, đâu là nút OK, các dãy số, các chữ cái… sau đó thao tác. Trong khi đó, chiếc điện thoại thật nằm trong túi áo hay túi quần sẽ thực hiện các lệnh của bạn.
Patrick Baudisch cùng các cộng sự không bật mí công nghệ nào được ứng dụng để kết nối giữa lòng bàn tay (điện thoại tàng hình) với chiếc điện thoại thật nằm trong người sử dụng. Tuy nhiên, Patrick Baudisch nói rằng đây là chiếc điện thoại di động độc nhất vô nhị, tạo sự thuận tiện tối ưu cho người sử dụng. Hãy thử tưởng tượng, nếu như bạn đang giặt quần áo hay rửa bát đĩa, tay dính đầy xà phòng hay dầu mỡ mà có cuộc gọi đến. Với chiếc Imaginary Phone bạn không cần phải tìm khăn lau tay, rút điện thoại thật ra, mà vẫn có thể trả lời cuộc gọi. Quả là tiện dụng.
Nguyên Anh
Bình luận (0)