Chuyển thể từ tác phẩm điện ảnh cùng tên của đạo diễn nổi tiếng Phùng Tiểu Cương, Ðiện thoại di động (36 tập*) vừa lên sóng VTV3 từ ngày 25-11.
Vương Chí Văn và Trần Đạo Minh trong phim Điện thoại di động - Ảnh: sina.com |
Bộ phim có số phận lòng vòng: xuất hiện đầu tiên trên màn ảnh rộng, được chuyển thể thành tiểu thuyết, sau cùng mới sản xuất thành phim truyền hình. Nổi tiếng là người chuyên phát hiện ra những sườn chuyện "ngấn lệ vì tình tiết quá... vui", Phùng Tiểu Cương tìm thấy kịch bản của Lưu Chấn Vân, biến Ðiện thoại di động trở thành phim tết ăn khách nhất năm 2003 tại Trung Quốc. Nhà biên kịch sau đó chuyển thể truyện phim thành cuốn tiểu thuyết bán chạy năm 2004. Từ đó điện ảnh Trung Quốc sinh ra cặp bài trùng: Phùng Tiểu Cương - Lưu Chấn Vân.
Người dẫn chương trình Nghiêm Thủ Nhất (Vương Chí Văn) chịu áp lực phải tăng lượng người xem cho chương trình đối thoại "Có sao nói vậy". Nhận được tin cha mất đột ngột, Thủ Nhất bất chợt nhớ lại những câu chuyện cảm động giữa cha và anh trên chiếc điện thoại. Anh lập tức đi tìm chủ nhiệm Phi Mặc (Trần Ðạo Minh), đề nghị thay đổi chương trình thành những câu chuyện được thể hiện qua điện thoại.
Chương trình ăn khách, nhưng cũng chính chiếc điện thoại lật tẩy Thủ Nhất trong những cuộc tình ngoài hôn nhân đầy bi hài. Cũng chính chiếc điện thoại hé lộ những câu chuyện phía sau công việc làm truyền hình, sự nguy hiểm của lời nói trong các mối quan hệ bạn bè, gia đình.
Giống như phiên bản điện ảnh, Ðiện thoại di động (đạo diễn: Thẩm Nghiêm, Vương Lôi) được coi là một tác phẩm mới ra lò nóng hổi những vấn đề đương đại, đặc biệt cách nhìn của người trung niên trước những khủng hoảng xã hội. Ở bản phim truyền hình, nội dung nhấn nhá nhiều hơn ở tâm sinh lý đàn ông trung niên, khai thác thêm chuyện thâm cung của người làm truyền hình, cuộc sống hôn nhân "mặt nạ" của những gia đình trí thức...
Phim được nhớ tới nhờ những lời thoại đi vào đời sống, trở thành câu nói cửa miệng của thanh niên Trung Quốc: "Làm người phải có trước có sau", "Có một nói một", "Ðẹp một giờ, ngán một đời"... Xem phim, khán giả còn nhận được thông điệp "nhắc khéo" về những rắc rối điện thoại di động có thể gây ra cho đời sống riêng tư. Cũng bởi sự tồn tại của điện thoại di động, đàn ông khó mà nói dối trót lọt.
Ðiểm hài hước của Ðiện thoại di động đôi lúc dựa vào việc... bóng gió bình phẩm những hình tượng đình đám: Trương Nghệ Mưu, giáo sư Vu Ðơn (tại Trung Quốc, sách của bà bán chạy hơn Harry Porter)...
Trong tiểu thuyết hay bản phim điện ảnh, phần lớn khán giả thích thú với cách đẩy xung đột phim qua câu chuyện ngoại tình của Thủ Nhất. Trang qq nhận xét trong bản phim truyền hình, cuộc tình của Thủ Nhất chỉ dừng lại như một "tình yêu tinh thần", thiếu thực tế và không đủ sức tạo bước ngoặt. Ðạo diễn Thẩm Nghiêm đã phản hồi rằng do quy trình duyệt phim truyền hình rất nghiêm ngặt, đối tượng khán giả cũng rộng hơn, nên phim không khắc họa vấn đề ngoại tình hay thất bại hôn nhân quá sắc nét.
Năm 2010, trùng năm sản xuất phiên bản truyền hình, nhà văn - nhà biên kịch Lưu Chấn Vân đã đến VN trong một chuyến giao lưu văn học. Cuốn tiểu thuyết cùng tên cũng từng xuất bản tại VN (NXB Phụ Nữ và Chibooks).
Theo Tuổi Trẻ
Bình luận (0)