Điện thoại "đọc" được cảm xúc chủ nhân

11/01/2012 08:32 GMT+7

(TNO) Các nhà nghiên cứu tại hãng Samsung đã giới thiệu một công nghệ mới trên điện thoại thông minh, qua đó có thể nhận biết cảm xúc của chủ nhân.

(TNO) Các nhà nghiên cứu tại hãng Samsung đã giới thiệu một công nghệ mới trên điện thoại thông minh, qua đó có thể nhận biết cảm xúc của chủ nhân.

Theo TechnologyReview, thay vì sử dụng các cảm biến chuyên dụng trên máy ảnh để nhận dạng "trông mặt bắt hình", điện thoại thông minh được trang bị công nghệ mới này có thể "bói" ra cảm xúc của người dùng dựa trên cách thức mà người dùng này đang thao tác điện thoại.

Ví dụ, công nghệ này ghi nhận các thao tác nhập liệu, chẳng hạn tốc độ mà người dùng gõ (hay ấn) bàn phím, hay tần suất sử dụng phím khoảng cách (spacebar) cũng như những ký hiệu đặc biệt khác, hay sự thường xuyên của thao tác "lắc" điện thoại.

"Các số liệu ghi nhận được này sẽ cho phép điện thoại dự đoán chủ nhân đang hạnh phúc, buồn, ngạc nhiên, lo lắng, giận dữ hay phẫn nộ", ông Hosub Lee - một nhà nghiên cứu thuộc Viện nghiên cứu kỹ thuật cao của hãng Samsung cho biết.

Ông này cũng nhận định, các thao tác nhập liệu tuy không phản ảnh trực tiếp cảm xúc của người dùng nhưng vẫn phảng phất một mối tương quan giữa những hành vi trên với trạng thái thần kinh của một người. Khi đó, các thuật toán có khả năng "tự học" của phần mềm trên thiết bị có thể phát hiện chính xác đến 67,5% cảm xúc của người dùng khi thao tác điện thoại.

Bằng cách này, điện thoại có thể tự động áp dụng những kiểu nhạc chuông thích hợp với trạng thái của người dùng, hay thậm chí lịch sự từ chối mọi cuộc gọi kể từ khi phát hiện ra chủ nhân đang "khó ở" trong người.

Tại CES 2012, Samsung sẽ giới thiệu công nghệ mới này trong khuôn khổ một buổi hội thảo chuyên đề. Cụ thể, một tiện ích mạng xã hội Twitter chạy trên điện thoại Samsung Galaxy S II sẽ được tích hợp công nghệ đang trong giai đoạn thử nghiệm này nhằm mục đích "nhận dạng" những dòng tin nhắn (tweet) mà người dùng gõ vào, từ đó suy ra cảm xúc ở thời điểm hiện tại của người dùng.

Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu tại Samsung cũng nhận định, điểm khó để ứng dụng rộng rãi công nghệ này là thói quen thao tác điện thoại của người dùng rất khác nhau.

An Huy

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.