Đêm xuống, cả xóm nhỏ lặng im, chỉ có những ngọn đèn dầu leo lét sau mấy vách lá, lập lòe như ánh đom đóm trên mặt sông. Lũ trẻ con, sau buổi chiều nô đùa chán chê trên những bãi bồi ven sông, chập tối đã nằm lăn trên giường tre, chờ cơn gió đêm len qua ô cửa sổ mà ru giấc ngủ. Còn người lớn, sau một ngày lặn lội ngoài đồng, lại quây quần trước hiên nhà, kể chuyện đời xưa.
Cái thời chưa có điện, cuộc sống cứ thế mà trôi, nhịp nhàng theo con nước, theo mùa gió chướng thổi về. Ban ngày, người ta vác cuốc ra vườn, lom khom bên từng gốc xoài, chùm cam, chắt chiu chút ngọt bùi mà đất trời ban tặng. Ai có xuồng thì chèo đi chợ từ mờ sáng, ai không thì chờ ghe dừa, ghe cá ghé ngang, đổi lấy từng lon gạo, chai nước mắm. Máy móc là thứ gì đó xa xôi lắm, hầu như mọi thứ đều làm bằng tay, từ kéo nước tưới cây đến xay bột làm bánh. Những ngày nắng chang chang, đàn bà con gái quấn khăn rằn trên cổ, tay phe phẩy quạt mo, mồ hôi nhễ nhại. Đêm xuống, cả xóm chìm trong bóng tối, chỉ còn tiếng côn trùng râm ran hòa lẫn với tiếng dế kêu nơi góc bếp.
Vậy mà ai cũng thương cái cù lao này. Thương cái mùi khói bếp cay nồng mỗi khi chiều xuống, thương cả những đêm trăng sáng vằng vặc, cả xóm rủ nhau ra bờ sông hóng mát, đàn ông tụm năm tụm ba uống rượu, đàn bà thì ngồi đan rổ, đan nia. Lũ nhỏ chơi trò ú tim, chạy rượt nhau quanh những bụi chuối sau hè. Chẳng có gì xa hoa, chẳng có gì tiện nghi, nhưng cuộc sống vẫn đầy ắp những tiếng cười.

Làm việc xuyên đêm, bất chấp thời tiết khắc nghiệt để kịp đưa điện đến với người dân là hình ảnh trở nên quen thuộc với những công nhân ngành điện tại các địa bàn vùng sâu, xa hẻo lạnh ở miền Nam
ẢNH: EVNSPC
Rồi một ngày, điều mà chẳng ai dám nghĩ tới đã xảy ra - điện về tới cù lao. Đó là một buổi sáng đặc biệt, khi người dân thấy những trụ điện sừng sững mọc lên dọc bờ đi, dây điện vắt ngang bầu trời, nối đất liền với cù lao qua những cột điện vượt sông cao vút. Để có được điều ấy, bao công sức đã đổ xuống. Những người thợ điện đã phải căng mình làm việc, dựng trụ điện vững chắc trên bờ, kéo dây cáp qua những cột điện cao giữa dòng sông Tiền rộng lớn. Họ vất vả ngày đêm, đội nắng gió, điều khiển thuyền chuyên dụng, dùng ròng rọc và cần cẩu để đưa từng sợi cáp điện to bằng bắp tay vượt qua làn nước chảy xiết. Khi dòng điện chính thức thông suốt, ánh đèn bừng sáng, cả cù lao vỡ òa trong niềm vui khó tả.
Tối hôm ấy, cả xóm nhỏ không ai ngủ sớm. Nhà nào cũng sáng trưng dưới ánh đèn điện, lũ trẻ con mắt tròn mắt dẹt nhìn chiếc quạt máy quay vù vù, người lớn thì không giấu nổi nụ cười trên môi. Có người đứng lặng hồi lâu trước bóng đèn, cứ như sợ nếu chớp mắt thì ánh sáng kia sẽ tắt đi mất.
Điện về, mọi thứ dần thay đổi. Người ta không còn phải chờ đêm xuống để tận dụng làn gió trời, cũng chẳng cần hì hục quạt tay cho lũ trẻ ngủ. Mấy bà, mấy cô vui nhất, vì giờ đã có thể dùng máy xay bột, khỏi mất công ngồi giã từng cối đá nặng trịch. Song, điều kỳ diệu hơn cả là điện không chỉ thắp sáng mà còn mở ra một con đường mới cho việc làm ăn, sinh kế của bà con.
Những người làm vườn giờ đã có thể dùng máy bơm nước tưới cây, chẳng còn cảnh gánh từng thùng nước nặng trĩu trên vai. Những chiếc máy cắt cỏ chạy ro ro, làm sạch vườn chỉ trong một buổi. Nhưng có lẽ, đổi thay lớn nhất nằm ở những ao cá tra trải dài từ đầu cù lao đến cuối cù lao. Ngày trước, ai cũng chỉ quen bắt cá tự nhiên, thả lưới giăng câu, giờ thì người ta đào ao, nuôi cá bài bản.
Từng ngày, từng tháng, những ao cá mở rộng dần ra, nối liền nhau thành một vùng nước mênh mông. Điện về giúp người ta chạy máy sục khí, bơm nước, cho cá ăn tự động. Cá tra lớn nhanh, khỏe mạnh, mỗi năm xuất đi hàng trăm tấn, từ miền Tây lên tận Sài Gòn, rồi vươn ra thế giới. Những người nông dân xưa nay quanh quẩn bên ruộng vườn giờ thành những ông chủ ao cá, đi họp bàn chuyện xuất khẩu, học hỏi cách nuôi hiện đại.
Cù lao ngày nào chỉ quen với ánh đèn dầu giờ đã sáng rực khi đêm xuống. Những con đường đất lầy lội ngày xưa giờ được tráng bê tông, trẻ con đi học không còn lo lấm lem bùn đất. Nhà cửa khang trang hơn, cuộc sống đủ đầy hơn. Nhưng dù đổi thay thế nào, mỗi lần ngồi lại với nhau, người dân cù lao vẫn nhớ những ngày chưa có điện, nhớ những bữa cơm dưới ánh đèn dầu, nhớ cả cái hương vị của những đêm trăng sáng, khi cuộc sống còn chậm rãi, bình dị như dòng nước trôi lững lờ ngoài bãi bồi.
Ánh sáng đã về với cù lao, không chỉ soi rõ từng con đường, từng mái nhà, mà còn thắp lên bao ước mơ, bao khát vọng về một tương lai tươi sáng hơn. Nhờ có điện, cù lao không còn là một vùng đất biệt lập chỉ quen với ánh đèn dầu leo lét, mà đã vươn mình mạnh mẽ, trở thành một vùng quê trù phú với những vườn cây sai trĩu quả, những ao cá rộng mênh mông, và những con người dám nghĩ, dám làm, mở ra một cuộc sống đủ đầy và sung túc hơn bao giờ hết.
Bình luận (0)