Sở dĩ gọi điệp đỏ bởi thịt của nó có màu đỏ - cách gọi của người dân sống quanh đầm. Đây là loại đặc sản sống ở môi trường nước lợ và duy chỉ có ở đầm Ô Loan. Cách bắt điệp cũng đơn giản, chỉ cần đeo kính lặn xuống nước cỡ chừng tiếng đồng hồ là có ngay vài ký. Con điệp bình thường to bằng miệng chén ăn cơm.
|
Điệp đỏ được chế biến thành nhiều món tuyệt ngon như nướng, hấp sả, nấu cháo... nhưng ngon nhất vẫn là điệp nướng. Cách chế biến món này cũng khá đơn giản. Điệp đỏ sống ở nơi có nhiều bùn. Bởi vậy, khi bắt về cần phải rửa đi rửa lại nhiều lần cho sạch, để ra rổ cho ráo nước, đợi lò than hồng, gắp từng con điệp đặt lên bếp. Độ chừng vài phút, khi điệp hở thân ra là gắp xuống, thoa hành có phi dầu ăn lên thân điệp, rồi để lại bếp than hồng, khi nào dầu ăn và hành trên thân con điệp nghe “xèo xèo” thì gắp ra đĩa ăn ngay.
Cách nướng điệp đỏ cũng giống như nướng hàu, chỉ khác ở chỗ thân điệp mỏng hơn gấp nhiều lần thân con hàu. Vì vậy, nướng điệp sẽ chín nhanh hơn và thực khách cũng không phải đợi lâu. Mặc dù thịt điệp đỏ mỏng nhưng lại rất ngon và bắt mắt. Khi nướng chín, thịt điệp vàng ươm đến lạ thường, chưa ăn đã thấy thèm!
Ăn điệp đỏ nướng thông thường phải dùng muỗng nhỏ như muỗng cà phê, chấm muối tiêu. Người sành ăn thì cứ con nào nướng vừa chín là gắp xuống ăn liền theo kiểu “vừa thổi vừa xơi”.
Ngô Mã Thiên
>> Món ăn ngoài mong đợi
>> Món ăn thuốc từ quả đào
>> Về Long Sơn ăn hàu
>> Ăn hải sản an toàn
>> Hải sản tay cầm
>> Tái hải sản
Bình luận (0)