Hồi giữa tuần, chính quyền thủ đô Moscow của Nga thông báo lấy tên điệp viên người Anh Kim Philby đặt cho một quảng trường lớn ở quận Yasenevo, theo hãng thông tấn Sputnik.
Trước đó, vào cuối năm 2017, Nga cũng lần đầu công bố nhiều hồ sơ chưa từng được biết đến về hoạt động của Philby trong cuộc triển lãm tại Moscow. Tại đây, người tham quan được chiêm ngưỡng đồ dùng cá nhân và hàng trăm trang tài liệu được đóng dấu tuyệt mật.
Philby được xem là một trong những gián điệp hoạt động hiệu quả nhất của Liên Xô từ thập niên 1930 cho đến trước khi bị lộ vào năm 1963. Trong khoảng 30 năm làm điệp viên hai mang, ông đã chuyển hàng trăm tài liệu nhạy cảm cho Liên Xô. Năm 1965, ông được trao huân chương Lenin nhưng bị hoàng gia Anh tước danh hiệu hiệp sĩ trong cùng năm, theo tờ The New York Times.
Thâm nhập MI6
là con của một quan chức Anh đóng tại Ấn Độ, Philby chào đời tại thành phố Ambala của nước này vào năm 1912. Ông được đưa về nước để học tập và theo học song song kinh tế lẫn lịch sử tại Đại học Cambridge danh giá. Tuy nhiên, cũng trong thời gian này, ông bắt đầu có cảm tình với Chủ nghĩa Cộng sản và được chiêu mộ làm gián điệp cho Liên Xô. Ra trường vào năm 1933, Philby đến thủ đô Vienna của Áo làm việc và đây được cho là thời điểm ông bắt đầu thực hiện các nhiệm vụ do KGB giao phó, theo The New York Times.
Đến năm 1937, ông làm phóng viên của tờ The Times of London và được cử đi tường thuật cuộc nội chiến tại Tây Ban Nha. Ông nhanh chóng ông thiết lập nhiều mối quan hệ quan trọng với giới chức quân sự lẫn dân sự Anh và bày tỏ nguyện vọng được làm việc cho chính phủ. Cuối cùng, ông đã đạt mục tiêu được nhận vào làm việc cho Phòng V thuộc Cơ quan tình báo đối ngoại Anh (MI6), phụ trách các hoạt động phản gián tại Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha từ tháng 9.1941.
|
Trong đoạn video được BBC công bố lần đầu hồi năm 2016, cựu điệp viên từng tiết lộ cách ông đánh cắp thông tin mật từ MI6 dễ dàng như thế nào. Philby cho biết ông chỉ cần rủ các nhân viên lưu trữ, quản lý tài liệu đi uống vài ba lần mỗi tuần là chiếm được sự tin tưởng của họ. Cách tiếp cận này giúp ông lấy được nhiều bộ tài liệu quan trọng, đem sao chép và giao cho Liên Xô vào buổi tối rồi trả chúng về lại chỗ cũ vào sáng hôm sau. Ngược lại, phía Liên Xô cũng cung cấp những thông tin tưởng chừng như quan trọng nhưng thực chất là vô thưởng vô phạt để Philby trình cấp trên.
Nhờ đó, ông thăng tiến rất nhanh trong MI6. Năm 1947, ông được điều tới thành phố Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ) dưới vỏ bọc là Bí thư thứ nhất của Đại sứ quán Anh để giúp hỗ trợ Cơ quan Tình báo Thổ Nhĩ Kỳ. Hai năm sau, Philby được điều động đến thủ đô Washington D.C. làm trưởng đại diện tình báo Anh tại Mỹ. Văn phòng của ông giám sát số lượng lớn các cuộc tiếp xúc bí mật và khẩn cấp giữa Mỹ và Anh, đồng thời chịu trách nhiệm liên lạc với CIA và thúc đẩy hoạt động hợp tác tình báo song phương.
Bị bán đứng
Giai đoạn này, Philby cũng hỗ trợ xây dựng mạng lưới điệp viên tại phương Tây cho Liên Xô. Đặc biệt, ông có vai trò lớn trong việc giúp ngăn chặn chiến dịch lật đổ chính quyền ở Albania của phương Tây.
Đến tháng 8.1950, một bạn học cũ ở Cambridge của Philby là Guy Burgess được điều sang Mỹ với vai trò là Bí thư thứ hai tại Đại sứ quán Anh trong khi Donald Maclean, cũng là một bạn học tại Cambridge, làm việc trong Bộ Ngoại giao Anh. Cả Burgess và Maclean đều làm gián điệp cho Liên Xô. Tuy nhiên, lối sống buông thả, các vụ tai tiếng về quan hệ đồng tính cùng thái độ chống Mỹ công khai của Burgess khiến ông này bị Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI) nghi ngờ. Sau khi phát hiện FBI theo dõi Maclean và Burgess, Philby đã cảnh báo 2 đồng nghiệp và cả hai nhanh chóng đào tẩu sang Moscow.
Sau khi Maclean và Burgess mất tích, mọi nghi ngờ đổ dồn về Philby, khiến ông bị thẩm vấn trong suốt thời gian dài. Tuy nhiên, cả CIA và MI6 vẫn không tìm được bằng chứng cụ thể để buộc tội Philby. Năm 1951, Philby rút khỏi MI6 cũng như công việc vỏ bọc tại Bộ Ngoại giao Anh, đồng thời cắt đứt liên lạc với tình báo Liên Xô để tránh bị lộ. Bốn năm sau, do thiếu bằng chứng, chính phủ Anh không còn buộc tội gián điệp đối với Philby. Vào tháng 8.1956, ông đến thủ đô Beirut (Li Băng) làm phóng viên cho các tờ The Economist và The Observer. Điều bất ngờ là trong năm đó, ông được nhận lại vào làm cho MI6, theo tờ The Observer.
Tuy nhiên, bước ngoặt đến vào năm 1961 khi Anatoliy Golitsyn - một quan chức cấp cao của KGB đào thoát sang Mỹ - tiết lộ nhiều điệp viên Liên Xô trong các cơ quan tình báo Mỹ và Anh, trong đó có cái tên Philby. Nhà chức trách Anh nhanh chóng cử người đến Beirut để thẩm vấn Philby song vào cuối tháng 1.1963, ông biến mất bí ẩn khỏi Li Băng và xuất hiện tại Moscow 8 tháng sau đó.
Vào cuối tháng 7.1963, Liên Xô thông báo đã cho phép Philby tị nạn chính trị và được mang quốc tịch nước này. MI6 bị chỉ trích nặng nề vì bất lực, để Philby đào thoát thành công. Tuy nhiên, có thông tin cho rằng tình báo Anh cố tình tạo cơ hội cho Philby trốn thoát để tránh một phiên tòa quy mô lớn có thể bộc lộ công khai nhiều lỗ hổng của MI6.
Trong thời gian sống tại Moscow, Philby hỗ trợ đào tạo điệp viên cho nhiều nước thuộc khối Xã hội chủ nghĩa. Theo tờ The Guardian, ông cũng giữ vai trò cố vấn cho KGB về các hoạt động tình báo của phương Tây. Năm 1965, Philby vinh dự được nhận Huân chương Lenin, phần thưởng cao quý cho những đóng góp của ông cho Liên Xô. Ông qua đời ở Moscow vào năm 1988 vì bệnh tim mạch và đám tang của Philby được tổ chức hết sức long trọng.
Ngăn chặn Thế chiến 3?
Trong đoạn video được BBC công bố hồi năm 2016, Kim Philby tuyên bố ông đã "góp phần ngăn chặn Thế chiến 3". Đây là đoạn video ghi lại một buổi giảng bài của Philby dành cho các nhân viên tình báo Đông Đức năm 1981. Trong đó, ông kể lại trong thời gian hoạt động tại Washington D.C. với vai trò là đầu mối liên lạc giữa MI6 với CIA và FBI, ông đã tiết lộ cho Liên Xô kế hoạch của phương Tây là đưa hàng ngàn người Albania lưu vong về nước để họ lật đổ chính quyền vào năm 1950. Kế hoạch này cuối cùng đã thất bại.
Theo Philby, hành động của ông đã giúp ngăn chặn một cuộc chiến tranh nổ ra. Ông lý giải rằng nếu kế hoạch thành công ở Albania, CIA và MI6 có thể tiếp tục ra tay ở Bulgaria và một số nước Xã hội chủ nghĩa khác. Lúc đó, Liên Xô chắc chắn sẽ không ngồi yên và một cuộc chiến tranh toàn diện nổ ra là điều không thể tránh khỏi.
|
Bình luận (0)