Điệp viên Trung Quốc nằm vùng trong FBI

13/08/2016 07:00 GMT+7

Một kỹ thuật viên máy tính với hơn 19 năm làm việc cho FBI nhiều khả năng đã cung cấp thông tin tình báo cho Bắc Kinh để bảo vệ các điệp viên Trung Quốc hoạt động tại Mỹ.

Trường hợp của Kun Shan Chun (tên Trung Quốc là Tần Côn Sơn), 46 tuổi, đã được Bộ Tư pháp Mỹ công bố hồi đầu tháng theo sau thỏa thuận nhận tội giữa ông Chun và giới công tố, trong đó bị cáo thú nhận hoạt động gián điệp cho Trung Quốc.
Theo tờ The Washington Post, Chun đã bị bắt từ tháng 3 nhưng giới hữu trách vẫn giữ kín mọi thông tin cho đến khi đạt được thỏa thuận với phía bị cáo cách đây hơn 1 tuần. Trợ lý Bộ trưởng Tư pháp John P.Carlin cho hay Chun, sinh ra ở Trung Quốc và nhập tịch Mỹ, đã lợi dụng vị trí kỹ thuật viên máy tính, vốn có quyền truy cập vào thông tin mật, để cung cấp “những tin tức bị hạn chế và nhạy cảm của FBI cho chính quyền Bắc Kinh”.
Tiếp xúc trái phép
Hồ sơ tòa án được công khai không tiết lộ tại sao FBI phải mất hơn 1 thập niên để phanh phui vỏ bọc của gián điệp Trung Quốc, nhưng chắc chắn đây là bê bối mới nhất có dính líu đến FBI, cơ quan vừa chịu trách nhiệm thi hành luật pháp mà còn đảm trách công tác phản gián nội địa Mỹ.
Preet Bharara, chưởng lý phụ trách phía nam New York, nhận định đây là vụ án nghiêm trọng do Chun là chuyên viên kỳ cựu của FBI.
Theo kết quả điều tra, từ năm 2006, Chun đã làm việc cho các đặc vụ Trung Quốc dưới lốt đại diện của Công ty công nghệ Zhuhai Kolion, trụ sở tại Quảng Đông, chuyên làm mực in cho máy photo, mà cha mẹ của Chun cũng có cổ phần. Một nhân viên tình báo châu Âu đã tình cờ phát hiện Chun gặp gỡ các gián điệp Trung Quốc trong chuyến đi đến Đức và Pháp vào tháng 7.2015.
Cùng thời điểm này, một mật thám của FBI đã tìm cách tiếp cận Chun, và được ông ta tiết lộ sẵn sàng chuyển thông tin nhạy cảm của FBI cho chính quyền Bắc Kinh. Chun kể rằng Công ty Kolion được chính quyền sở tại chống lưng, và ông ta được ở khách sạn cao cấp, có gái mại dâm phục vụ khi quay về Trung Quốc. Gián điệp này cũng đề nghị sắp xếp để đặc vụ ngầm của FBI, vốn tự nhận là cố vấn cho một nhà thầu quốc phòng Mỹ, cung cấp thông tin mật cho Bắc Kinh.
Theo hồ sơ ghi lại vụ việc, từ giữa năm 2011 cho đến khi bị bắt vào tháng 3 năm nay, Chun làm việc cho “một hoặc nhiều quan chức Trung Quốc”, và “thu thập thông tin nhạy cảm của FBI để chuyển cho một hoặc nhiều quan chức chính phủ nước này”.
Tổn hại nghiêm trọng
Không có bất cứ chi tiết nào khác về thiệt hại do gián điệp Chun gây ra được tiết lộ, nhưng tờ Asia Times cho rằng Chun nhiều khả năng đã tuồn các thông tin đáng giá liên quan đến hoạt động giám sát của FBI, từ đó giúp cho các điệp viên Trung Quốc hoạt động trên đất Mỹ tránh khỏi sự dò xét của nhà chức trách.
Chun đã làm việc tại văn phòng điều tra lớn nhất của FBI ở New York kể từ năm 1997 với vai trò là chuyên viên điện tử của Trung tâm theo dõi máy tính hóa trung ương, một phần của đơn vị công nghệ FBI. Trên cương vị này, Chun cũng có thể nắm được thông tin chi tiết về các mạng máy tính của FBI. Đây là những thông tin vô giá đối với giới tin tặc tình báo Trung Quốc trong việc tiến hành các cuộc tấn công mạng.
Bên cạnh việc hỗ trợ các nỗ lực chống giám sát nhằm vào gián điệp Trung Quốc, bị cáo Chun với vai trò tại FBI còn cài tin giả hoặc sai lạc cho cơ quan Mỹ về các mục tiêu và những ưu tiên thu thập tình báo của phía Trung Quốc. Những thông tin đánh lạc hướng kiểu này từng được các gián điệp hai mang của Trung Quốc tuồn cho phía FBI trước đây. Trong khi đó, thành tích triệt phá các hoạt động gián điệp Trung Quốc tại Mỹ của FBI lại không có gì nổi bật.
Chun cũng là điệp viên Trung Quốc đầu tiên hoạt động trong lòng FBI kể từ vụ Katrina Leung, gián điệp nhị trùng lâu năm của Trung Quốc làm việc cho cơ quan này từ năm 1982 - 2002. Leung đã đầu quân cho Bộ An ninh quốc gia Trung Quốc vào năm 1984, và thông qua người tình là đặc vụ J.J.Smith để tiếp cận các tài liệu mật của FBI. Bên cạnh việc tiết lộ thông tin mật, Leung cũng thuyết phục được các quan chức chống phản gián của FBI sử dụng các nguồn thông tin khác, giúp Bắc Kinh tác động và gây ảnh hưởng lên giới tình báo Mỹ phụ trách Trung Quốc trong nhiều năm.
Theo trang Asia Times, hầu hết các hoạt động gián điệp của Trung Quốc tại Mỹ đều được triển khai dựa trên 2 cơ quan chính, Bộ An ninh quốc gia (dân sự) và cơ quan tình báo quân sự, vẫn được biết với tên gọi Cục 2 thuộc Bộ Tổng tham mưu Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA) trước cuộc cải tổ quân đội ở nước này.
Hoạt động gián điệp chống Mỹ của Trung Quốc thu được nhiều thành công vang dội, bao gồm vụ trộm những bí mật liên quan đến hoạt động triển khai toàn bộ các đầu đạn hạt nhân của Mỹ vào thập niên 1990, nhờ tuyển mộ được các nhà khoa học Mỹ làm việc tại những phòng thí nghiệm vũ khí nguyên tử. Trường hợp đình đám thứ hai là vụ ăn cắp công nghệ liên quan đến hệ thống quản lý tác chiến Aegis của hải quân Mỹ. Các gián điệp Trung Quốc đã cuỗm đi công nghệ Aegis vào cuối thập niên 1990 và đầu thập niên 2000 trước khi nhanh chóng tích hợp hệ thống này vào các tàu chiến hiện đại của mình.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.