Khảo sát các điểm rùa đẻ
Ngày 12.1, tổ công tác xử lý rùa tai đỏ hồ Gươm của Sở Khoa học - Công nghệ (KH-CN) Hà Nội bắt đầu tiến hành khảo sát, nghiên cứu các điểm rùa tai đỏ đẻ để đặt bẫy lồng bắt rùa tại khu vực đền Ngọc Sơn và tháp Rùa.
Các bước thực hiện xử lý theo Sở KH-CN gồm: 1. Nghiên cứu chế tạo bẫy lồng để bắt rùa tai đỏ tại hồ Gươm với các yêu cầu hiện đại, không gây vẩn đục, không ảnh hưởng đến rùa quý và hệ động thực vật thủy sinh của hồ Gươm, đảm bảo cảnh quan; 2. Nghiên cứu mồi dẫn dụ rùa, đảm bảo hiệu quả nhưng không gây ảnh hưởng môi trường sinh thái; 3. Nghiên cứu vị trí đặt thiết bị bắt rùa; 4. Tiến hành bắt rùa tai đỏ ở một số hồ để rút kinh nghiệm; 5. Triển khai bắt rùa ở hồ Gươm.
Phương pháp bắt được đề xuất như sau: bắt bằng lồng chìm dưới nước, dùng bè nổi có mồi dẫn dụ vào lồng. Tuy nhiên, dùng loại lồng bẫy nào (lồng của Nhật Bản, Trung Quốc hay lồng cải tiến), loại mồi dẫn dụ nào (lượng bao nhiêu, đặt ở vị trí nào) cần được nghiên cứu và thử nghiệm tại một hồ khác của Hà Nội trước khi áp dụng ở hồ Gươm.
Trước đó, TP Hà Nội đã có văn bản yêu cầu tuyên truyền tác hại của rùa tai đỏ đối với sinh thái hồ Gươm, ngăn chặn việc phóng sinh rùa tai đỏ và các sinh vật ngoại lai khác xuống hồ, nghiêm cấm mọi hành vi buôn bán, bắt giữ, vận chuyển, nuôi rùa tai đỏ. Trao đổi với PV Thanh Niên, PGS-TS Hà Đình Đức tán thành quan điểm của TP Hà Nội trong việc xử lý rùa tai đỏ tại hồ Gươm nhưng ông cũng quan ngại rằng nếu thực hiện theo 5 bước mà Sở KH-CN đề xuất thì phải một thời gian lâu nữa việc bắt rùa tai đỏ mới được thực thi, trong khi lượng rùa tai đỏ đang sinh sôi nảy nở trên hồ ngày một tăng. Ông Đức đề nghị tổ công tác xử lý rùa tai đỏ của Sở KH-CN cần phải đẩy nhanh tiến độ.
|
Chuyển từ câu cá sang câu rùa
Nguyên nhân gây ra những vết thương trên mai cụ rùa hồ Gươm không chỉ do rùa tai đỏ mà còn đến từ những người câu trộm. Những năm qua, các hộ gia đình đến phóng sinh rùa tai đỏ ngày càng tăng đã làm cho mật độ rùa tai đỏ ở hồ ngày một nhiều. Vì vậy, các tay câu trộm chuyển từ câu cá sang câu rùa tai đỏ để bán cho các hộ kinh doanh, rồi các hộ này lại bán cho người mang rùa ra hồ phóng sinh. Cái vòng khép kín đó đã khiến số lượng rùa tai đỏ tăng tỷ lệ thuận với số người câu trộm. Theo PGS-TS Hà Đình Đức, ít nhất đã có 2 lần cụ rùa bị thương vì lưỡi câu chùm. Ông Đức cho biết điều nguy hiểm nhất là họ dùng loại lưỡi câu chùm 6 cạnh làm từ lò xo súng AK rất cứng, có thể gây vết thương nặng cho cụ rùa, nếu không may cụ rùa đớp phải.
Từ nhiều năm nay, tại nhiều điểm ở khu vực xung quanh hồ Gươm đã niêm yết bản nội quy bảo vệ an ninh trật tự do UBND Q.Hoàn Kiếm ban hành, trong đó có việc nghiêm cấm mọi hành vi câu trộm cá, rùa trên hồ, nhưng các tay câu trộm vẫn lén lút hành sự. Trước đây, nhiều người còn ngang nhiên vác cả cần câu ra hồ câu trộm. Gần đây, họ không mang cần câu ra hồ vì dễ lộ mà chuyển sang dùng các cuộn dây câu lõi nhựa giấu trong túi, lững thững dạo bộ quanh hồ. Khi không thấy lực lượng bảo vệ, họ vụt lưỡi câu chùm xuống hồ để câu rùa, nhìn từ xa rất khó phát hiện. Qua kiểm tra ráo riết, lực lượng bảo vệ đã tịch thu hàng đống các cuộn dây câu lõi nhựa của các tay câu trộm kiểu trên.
Trao đổi với PV Thanh Niên, ông Nguyễn Minh Tuấn - Trưởng ban Quản lý khu vực hồ Hoàn Kiếm, nói rằng để ngăn chặn tình trạng này, Ban quản lý hồ đã tăng cường kiểm tra và xử lý hành chính các đối tượng câu trộm. Gần đây, Ban quản lý hồ đã lập hồ sơ hàng chục đối tượng chuyên câu trộm ở hồ Gươm gửi về UBND và công an 6 phường xung quanh hồ để xử lý.
Về việc Cụ rùa hồ Gươm gặm ống ngầm mà Thanh Niên đã đưa, ông Nguyễn Minh Tuấn cho biết 2 ống nước này nối với đền Ngọc Sơn (1 ống cấp nước sạch, 1 ống thoát nước thải), Ban quản lý hồ Gươm sẽ làm việc với Ban quản lý đền Ngọc Sơn để tìm hiểu thực trạng hoạt động của 2 ống nước này liệu có ảnh hưởng gì đến hoạt động của cụ rùa và tìm cách khắc phục. |
Việt Chiến
Bình luận (0)