Điều cần làm sau 2 đợt thi đánh giá năng lực

03/06/2024 07:02 GMT+7

Sáng qua (2.6), trên 39.000 thí sinh đã tham dự đợt 2 kỳ thi đánh giá năng lực do ĐH Quốc gia TP.HCM tổ chức. Tính chung cả 2 đợt, kỳ thi này thu hút hơn 100.000 thí sinh dự thi và trong đó hơn 29.000 thí sinh dự thi cả 2 đợt.

THỰC HIỆN CÁC BƯỚC ĐĂNG KÝ XÉT TUYỂN

Theo tiến sĩ Nguyễn Quốc Chính, Giám đốc Trung tâm khảo thí và đánh giá chất lượng đào tạo (ĐH Quốc gia TP.HCM), kết quả thi đánh giá năng lực đợt 2 dự kiến được công bố vào ngày 10.6. Từ nay đến ngày 5.6, thí sinh (TS) cần xem lại thông tin cá nhân, đặc biệt là địa chỉ đăng ký nhận giấy báo kết quả thi. Trong trường hợp có sai sót, TS tự chỉnh sửa các thông tin trên hệ thống đăng ký trực tuyến (trừ họ tên TS và số CCCD không được chỉnh sửa). "Mỗi TS được cấp 1 bản gốc giấy báo kết quả thi đánh giá năng lực. Giấy này được sử dụng để làm thủ tục nhập học khi chính thức trúng tuyển. TS cần lưu ý giữ gìn cẩn thận giấy này trong quá trình tham gia xét tuyển", tiến sĩ Chính lưu ý.

A 1- trang 17-155.jpg

Thí sinh tham gia kỳ thi đánh giá năng lực đợt 2 của ĐH Quốc gia TP.HCM

NHẬT THỊNH

Bên cạnh đó, tiến sĩ Chính cho rằng TS cần thực hiện các bước đăng ký xét tuyển theo đúng quy định từng trường và theo quy định chung của Bộ GD-ĐT. TS sẽ đăng ký xét tuyển bằng kết quả thi đánh giá năng lực trên cổng đăng ký xét tuyển trực tuyến chung của ĐH Quốc gia TP.HCM đến hết ngày 15.6.

Liên quan đến xét tuyển, tiến sĩ Chính nói thêm: "Dự kiến cuối tháng 6, các đơn vị thuộc ĐH Quốc gia TP.HCM sẽ xét chung và từng đơn vị sẽ công bố TS trúng tuyển có điều kiện (trừ điều kiện tốt nghiệp THPT). Nhưng sau khi được công nhận tốt nghiệp, các TS cần tiếp tục đăng ký nguyện vọng trên hệ thống chung của Bộ GD-ĐT vào tháng 7 để được công nhận trúng tuyển chính thức".

"Sau khi có điểm thi, việc cân nhắc để đặt nguyện vọng khi đăng ký vào các đơn vị thành viên ĐH Quốc gia TP.HCM cũng rất quan trọng. TS có thể đăng ký không giới hạn số lượng nguyện vọng vào các đơn vị và các ngành nhưng nguyện vọng được xét theo thứ tự ưu tiên. Nếu trúng tuyển nguyện vọng trên hệ thống không xét tới nguyện vọng tiếp theo. Do đó, TS cần cân nhắc đặt nguyện vọng yêu thích nhất lên đầu tiên và giảm dần theo thứ tự nguyện vọng", tiến sĩ Chính khuyên.

Thí sinh thi đánh giá năng lực đợt 2: ‘Em nghĩ điểm lần này sẽ rất cao’

Cũng theo tiến sĩ Nguyễn Quốc Chính, trong hệ thống ĐH Quốc gia TP.HCM, riêng Trường ĐH Bách khoa sẽ thực hiện xét tuyển riêng theo phương thức xét tuyển kết hợp nhiều tiêu chí. Ngoài hệ thống ĐH Quốc gia TP.HCM, các trường khác có cách thức xét tuyển và đặt nguyện vọng khác nhau. Nếu TS vừa đăng ký đơn vị thuộc hệ thống ĐH Quốc gia TP.HCM vừa đăng ký các trường khác, thì có thể nhận được giấy báo trúng tuyển có điều kiện từ nhiều trường. Nhưng khi đăng ký trên hệ thống xét tuyển chung của Bộ GD-ĐT, TS cần một lần nữa để xác định nguyện vọng yêu thích nhất để đặt nguyện vọng 1.

ĐỀ THI ĐỢT 2 "DỄ THỞ" HƠN ?

Tại điểm thi Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM sáng qua, nhiều TS nhận định đề đợt 2 có phần "dễ thở" hơn đợt 1, song cũng có một số câu hỏi "đánh đố", thiên về thuộc lòng. Ví dụ, Nguyễn Huỳnh Vân Phương, học sinh (HS) Trường Phổ thông Năng khiếu, cho biết một trong những câu khiến em "đứng hình" là: "VN có bao nhiêu hòn đảo?", với các đáp án dao động từ 1.000 - 5.000. Nữ sinh cho hay em phải "đánh lụi" vì nội dung này không có trong các tài liệu ôn tập. Trong khi đó, N.H.H.C, HS Trường THPT Trần Khai Nguyên, nói rằng em đã "đứng hình" với câu tìm từ đồng nghĩa với chữ "bẻ", là bứt hay bứng... ở phần tiếng Việt.

Điều cần làm sau 2 đợt thi đánh giá năng lực- Ảnh 2.

Nhiều thí sinh nhận định đề đợt 2 có phần "dễ thở" hơn đợt 1, song cũng có một số câu hỏi "đánh đố"

NHẬT THỊNH

Trương Minh Trí, HS Trường Trung học Thực hành, thì gặp khó với câu hỏi về thời gian ra đời của một tập thơ do danh nhân Nguyễn Trãi viết. Còn Bùi Long Đức, HS Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai, đánh giá các môn toán, lý, hóa dễ hơn đợt 1. Ngược lại, môn tiếng Việt "hơi khó" bởi phần điền từ vào chỗ trống và tìm từ đồng nghĩa.

Thạc sĩ Bùi Văn Công, giáo viên luyện thi đánh giá năng lực trực tuyến tại TP.HCM, đồng tình với các ý kiến trên. "Đề thật sự có nhiều câu hỏi bắt HS thuộc lòng một cách máy móc, không thể suy luận để giải dù ĐH Quốc gia TP.HCM muốn đánh giá khả năng xử lý vấn đề của các em", ông Công nhận định.

"Như ở phần địa lý, đợt 1 có câu "hòn đảo nào lớn nhất Nhật Bản" thì đợt 2 tiếp tục có câu "VN có bao nhiêu hòn đảo". Với những câu hỏi này, nhiều TS chỉ có thể "đánh lụi" và dựa hoàn toàn vào may mắn", thầy Công nhận định.

Cũng theo thạc sĩ Công, đề thi đợt 2 "có phần dễ hơn" đợt 1 khi sử dụng lại một số đoạn thông tin và chỉ thay câu hỏi. Tư duy logic và phân tích số liệu - 2 "đặc sản" của kỳ thi đánh giá năng lực, cũng không còn khó đến mức "giam điểm" của TS như đợt 1. Còn các môn sinh học, vật lý tương đối dễ so với trước đó. Chưa kể, vì đã qua một lần thi, nhiều TS cũng có sự chuẩn bị tốt hơn về kiến thức, chiến lược và tinh thần làm bài.

"Tôi khảo sát nhanh với học trò thì thấy các em đều tự tin với bài làm đợt 2. Phổ điểm đợt 2 có khả năng sẽ cao hơn đợt 1", thầy Công dự đoán.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.