Khi còn là dự thảo, tại hội nghị bàn về thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2013 do Bộ GD-ĐT tổ chức trong tháng 1, nhiều đại diện các sở GD-ĐT đã đề nghị Bộ GD-ĐT không nên bổ sung quy định cho phép thí sinh được mang máy ghi âm, ghi hình cũng như các thiết bị có gắn linh kiện điện tử nhằm phát hiện và lấy bằng chứng tố cáo tiêu cực vào phòng thi.
Các ý kiến cho rằng, nhiệm vụ của thí sinh đi thi là để làm bài thi cho thật tốt chứ không phải để đấu tranh chống tiêu cực. Nhiều ý kiến khác chỉ ra thực tế rằng, lực lượng giám thị không thể biết được loại máy nào “chỉ có chức năng ghi thông tin, không truyền được thông tin ra ngoài phòng thi và người sử dụng không nghe được âm thanh, không xem được hình ảnh trực tiếp nếu không có thiết bị hỗ trợ khác” như quy định mà Bộ đặt ra. Thế nhưng, Bộ GD-ĐT vẫn quyết định cho phép thí sinh được mang máy ghi âm, ghi hình vào phòng thi với niềm tin sau vụ việc tiêu cực ở Trường THPT Đồi Ngô (Bắc Giang) bị phanh phui nhờ những clip tố giác tiêu cực mà thí sinh quay được.
Theo đó, “Người có bằng chứng về vi phạm quy chế thi có trách nhiệm gửi bằng chứng cho nơi tiếp nhận (ban chỉ đạo thi tốt nghiệp THPT trung ương hoặc ban chỉ đạo cấp tỉnh/TP); thanh tra giáo dục các cấp trong vòng 7 ngày kể từ ngày thi cuối cùng để xử lý; không được phát tán thông tin cho người khác dưới bất cứ hình thức nào”.
Những chuyên gia trong ngành luật đã chỉ ra rằng quy định nơi tiếp nhận tố cáo như trên là sai lệch với luật Tố cáo hiện hành. Vì luật này không quy định hành vi vi phạm thuộc ngành nào thì chỉ tố cáo đến cơ quan quản lý ngành đó mà có quyền tố cáo đến các cơ quan có thẩm quyền. Bên cạnh đó, luật Tố cáo cũng cho phép người dân phát hiện ra các hành vi vi phạm pháp luật có quyền tố cáo với cơ quan có thẩm quyền bất kỳ lúc nào, chứ không quy định thời gian như Thông tư 04 của Bộ GD-ĐT.
Ông Văn Như Cương, Hiệu trưởng Trường phổ thông dân lập Lương Thế Vinh, phát biểu: “Tôi thấy quy định này mâu thuẫn vì một mặt Bộ cho phép học sinh mang quay phim vào phòng thi để chống tiêu cực một cách công khai nhưng lại phải nộp những gì quay lại được lên hội đồng thi. Nếu người có tài liệu chống tiêu cực mà chỉ đưa cho lãnh đạo quản lý là hội đồng thi mà không đưa cho báo chí hay cơ quan chức năng khác thì chống tiêu cực khó hiệu quả”.
Trước áp lực của dư luận, ngày hôm qua Bộ GD-ĐT đã chính thức công bố sửa đổi và bãi bỏ những quy định trái luật của Thông tư 04.
Điều đáng nói, mỗi kỳ thi, ngành GD-ĐT phải chi nhiều tỉ đồng để huy động nhiều cơ quan chức năng cùng cán bộ, giáo viên ngành mình bố trí vòng trong vòng ngoài đầy đủ thì việc đưa thêm quy định như vậy có cần thiết? Hay việc cần làm vừa cấp bách vừa lâu dài là điều chỉnh để nâng cao chất lượng thực sự của việc học, việc thi cử và cả đạo đức nghề nghiệp trong các tình huống khác nhau?
Tuệ Nguyễn - Thái Sơn
Bình luận (0)