Điều chỉnh giá để phát triển điện gió

21/02/2014 01:43 GMT+7

Hội thảo về phát triển điện gió do Tổng lãnh sự quán Mỹ tại TP.HCM và Bộ Công thương VN phối hợp tổ chức tại TP.HCM hôm qua, 20.2 đã thu hút sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư trong lĩnh vực này.

Hội thảo về phát triển điện gió do Tổng lãnh sự quán Mỹ tại TP.HCM và Bộ Công thương VN phối hợp tổ chức tại TP.HCM hôm qua, 20.2 đã thu hút sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư trong lĩnh vực này.

Điều chỉnh giá để phát triển điện gió
Trang trại điện gió của Công ty Công Lý ở Bạc Liêu - Ảnh: Trần Thanh Phong

Theo quy hoạch, dự kiến đến năm 2020 VN có 1.000 MW điện gió và đến năm 2030 có khoảng 6.000 MW. Đây là thách thức rất lớn, vì hiện nay tổng công suất chỉ mới có 54 MW. Ông Phạm Trọng Thực, Vụ trưởng Vụ Năng lượng tái tạo - Bộ Công thương cho rằng, VN đang gặp khó khăn về nguồn tài chính, thiếu chuyên gia đầu ngành, chuyên gia tư vấn, không có công nghệ nên rất cần sự hỗ trợ từ các nước, các nhà cung cấp thiết bị.  Theo đánh giá mới nhất của Bộ Công thương, khả năng điện gió tại VN có thể khai thác thương mại khoảng 7.000 - 8.000 MW. Đây là số liệu trên bờ, chưa tính đến tiềm năng về điện gió trên biển. Để khai thác tiềm năng này, một trong những yếu tố quan trọng là giá mua điện gió. Nhưng với mức giá 7,8 UScents/KWh (theo Quyết định 37) hiện nay chỉ bước đầu hỗ trợ phát triển điện gió mà chưa đáp ứng được nhu cầu của nhà đầu tư và các đối tác khác. Vì vậy, Bộ cũng sẽ nghiên cứu toàn diện Quyết định 37 để điều chỉnh. "Nếu giá mua bằng với các nước trên thế giới thì rất khó cân đối để đảm bảo an sinh xã hội. Do đó, chúng tôi sẽ có cân nhắc, có lộ trình, để vừa đảm bảo cho các nhà đầu tư có lợi nhuận, vừa đảm bảo an sinh xã hội và phát triển đất nước", ông Thực nói.

Đề cập đến cơ chế chính sách, bà Phạm Thị Dung, chuyên viên chính của Tổng cục Năng lượng - Bộ Công thương đề xuất nên đưa các dự án điện gió vào danh mục đặc biệt ưu tiên phát triển của VN để được sử dụng nguồn vốn hỗ trợ phát triển với lãi suất ưu đãi.

Phát biểu tại hội thảo, Tổng lãnh sự Mỹ, bà Rena Bitter nhấn mạnh việc Tổng thống Obama đã công bố kế hoạch hành động vì biến đổi khí hậu vào năm ngoái, trong đó Mỹ cam kết hợp tác với các nước để hành động giải quyết biến đổi khí hậu bằng cách mở rộng sử dụng năng lượng sạch. Chương trình hợp tác năng lượng toàn diện Á - Mỹ của Tổng thống Obama năm 2012 cũng đã cam kết thúc đẩy hơn sự tham gia của doanh nghiệp Mỹ trong lĩnh vực năng lượng tái tạo ở khu vực châu Á. 

Bà  Rena Bitter cũng cho biết, bà và Đại sứ Mỹ tại VN, ông David Shear đã đến thăm trang trại gió ở Bạc Liêu của Công ty Công Lý hồi cuối tháng 11 năm ngoái và nhận thấy đây là một dự án thành công rất ấn tượng. Dự án thực sự là một quá trình hợp tác giữa các công ty tư nhân và các cơ quan chính phủ, bao gồm sự hỗ trợ cam kết của tất cả các cấp chính quyền tại VN. 

Mai Vọng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.