Điều chỉnh thuế thu nhập cá nhân phải chờ lạm phát tăng cao?

Mai Phương
Mai Phương
03/09/2024 05:43 GMT+7

Bộ Tài chính cho rằng chưa thể giảm trừ gia cảnh cho người nộp thuế thu nhập cá nhân do chỉ số giá tiêu dùng tăng chưa đến mức quy định.

Lạm phát tăng dưới 20% nên chưa thể điều chỉnh

Bộ Tài chính vừa gửi văn bản trả lời kiến nghị của cử tri 6 tỉnh (Bình Định, Hà Giang, Thái Nguyên, Trà Vinh, Tuyên Quang, Tây Ninh) về việc xem xét điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh (GTGC) cho người nộp thuế thu nhập cá nhân (TNCN) và người phụ thuộc, điều chỉnh biểu thuế lũy tiến từng phần đảm bảo phù hợp với thực tế, đặc biệt là sau khi tăng lương kể từ ngày 1.7.

Điều chỉnh thuế thu nhập cá nhân phải chờ lạm phát tăng cao?- Ảnh 1.

Giá cả nhiều hàng hóa thời gian qua đã tăng 30 - 50%

ẢNH: NHẬT THỊNH

Về lý do chưa thể điều chỉnh mức GTGC, Bộ Tài chính phân tích 2 khía cạnh chính là GDP bình quân đầu người và chỉ số giá tiêu dùng (CPI). Trong đó, văn bản trả lời của Bộ Tài chính nhắc tới tại khoản 4 điều 1 luật Thuế TNCN quy định: "Trường hợp CPI biến động trên 20% so với thời điểm luật có hiệu lực thi hành hoặc thời điểm điều chỉnh mức GTGC gần nhất thì Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội điều chỉnh mức GTGC quy định tại khoản này phù hợp với biến động của giá cả để đáp ứng cho kỳ tính thuế tiếp theo".

Bộ Tài chính dẫn số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy CPI năm 2020 tăng 3,23%; năm 2021 tăng 1,84%; năm 2022 tăng 3,15% và năm 2023 tăng 3,25%. Như vậy, kể từ thời điểm tăng mức GTGC gần nhất là năm 2020 đến nay, chỉ số giá tiêu dùng mới tăng 11,47%, do đó theo quy định của luật Thuế TNCN hiện hành thì chưa thể điều chỉnh mức GTGC.

Chuyên gia về thuế, luật sư (LS) Trần Xoa nhận xét giải thích của Bộ Tài chính là đúng luật nhưng quy định này đến hiện nay đã quá lạc hậu. Thời điểm thông qua luật Thuế TNCN năm 2007 (áp dụng từ năm 2009) là giai đoạn kinh tế VN có lạm phát cao, chỉ số CPI lên đến hai con số một năm. Việc quy định mức CPI từ 20% trở lên thì tương đương chỉ khoảng 2 năm là có thể điều chỉnh mức GTGC. Sau đó, GTGC được điều chỉnh tăng sau 4 năm áp dụng luật Thuế TNCN. Giai đoạn tiếp theo, kinh tế VN ổn định, lạm phát luôn được duy trì ở mức thấp nên đợt điều chỉnh mức GTGC thứ hai kéo dài đến 7 năm (từ 2013 đến 2020 mới điều chỉnh). Hiện tại, chỉ số CPI cũng nằm trong tầm kiểm soát của Chính phủ và chỉ xoay quanh mức 4%/năm. Nếu đợi chỉ số này tăng vượt 20% thì phải thêm 3 năm nữa. Như vậy đến 7 năm mới được điều chỉnh mức GTGC thì đời sống của nhiều gia đình sẽ gặp khó khăn khi kinh tế những năm qua biến động, thu nhập người lao động giảm mạnh.

"Ai cũng biết quy định CPI tăng từ 20% trở lên mới điều chỉnh GTGC, nhưng tình hình KT-XH đã thay đổi và quy định này không còn phù hợp. Các đại biểu Quốc hội hay nhiều bộ, ngành, ngay cả Bộ Tài chính cũng thấy mức GTGT hiện tại quá lạc hậu nên mới kiến nghị Chính phủ xem xét sửa đổi. Các chính sách đều luôn hướng tới việc đồng hành cùng người dân và quy định về thuế TNCN cũng cần sửa đổi sớm", LS Trần Xoa cho hay.

Nên điều chỉnh mức GTGC theo lương tối thiểu vùng. Cụ thể, đề xuất Quốc hội bỏ mức chỉnh sửa GTGC theo CPI. Thay vào đó, mức GTGC trong luật Thuế TNCN phải được tính theo mức 4 - 5 tháng lương tối thiểu vùng. Khi đưa vào áp dụng trong thực tế sau nhiều năm vẫn không bị lạc hậu như neo giữ theo CPI.


Luật sư Trần Xoa

CPI chưa phản ánh hết thực tế đời sống người dân

Theo các chuyên gia kinh tế, thực tế khi lấy chỉ số CPI để làm cơ sở tính toán điều chỉnh mức GTGC trong luật Thuế TNCN là chưa phù hợp. Ông Nguyễn Đức Nghĩa, Phó giám đốc Trung tâm hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM), cho rằng lý do nhiều chuyên gia kinh tế cũng như các đại biểu Quốc hội kiến nghị điều chỉnh mức GTGC sớm mà không đợi chỉ số CPI tăng lên 20% là do kinh tế đã có biến động bất thường. Từ năm 2020 - 2023, đại dịch Covid-19 diễn ra đã tác động mạnh đến KT-XH cả thế giới lẫn VN. Hàng loạt mặt hàng thiết yếu đã tăng giá cao. 

Ví dụ, một tô phở ở TP.HCM trước đại dịch Covid-19 trung bình chỉ khoảng 40.000 đồng thì nay đã tăng đến 60.000 đồng, tương đương mức tăng giá 50%. Nhiều hàng hóa thiết yếu trong đời sống người dân cũng có mức tăng giá 30 - 40%. Như vậy, không thể đợi CPI tăng như quy định vì đó là diễn biến trong điều kiện bình thường. Việc điều chỉnh mức GTGC trong giai đoạn không bình thường này sẽ hỗ trợ thiết thực cho người dân. Ông Nghĩa đề xuất: Chính phủ cần xem xét thay đổi mức GTGC và nên căn cứ theo mức lương tối thiểu vùng. Mức GTGC có thể quy định gấp 4 lần lương tối thiểu vùng và người phụ thuộc gấp 2 lần lương tối thiểu vùng. Việc lấy lương tối thiểu vùng làm cơ sở tính mức GTGC cũng phù hợp với đặc điểm KT-XH của từng vùng miền đã được Chính phủ tính toán chi tiết nhiều năm qua.

Điều chỉnh thuế thu nhập cá nhân phải chờ lạm phát tăng cao?- Ảnh 2.

CPI chưa phản ánh hết thực tế đời sống người dân

ẢNH: NHẬT THỊNH

LS Trần Xoa phân tích thêm, trong rổ tính CPI có đến hơn 750 mặt hàng và đi kèm là quyền số của từng nhóm hàng khác nhau. Trong đó chỉ có khoảng 30 mặt hàng liên quan cụ thể đến đời sống hằng ngày của người dân. Trong khi chỉ số CPI chỉ khái quát ở tầm vĩ mô và có sự "nhiễu động" rất lớn, không phù hợp để nói về thu nhập hay đời sống người dân. Vì vậy, việc neo giữ mức GTGC theo chỉ số CPI là không phù hợp. Đó là chưa kể, một số quy định về thuế TNCN hiện hành cũng quá lạc hậu. Ví dụ, trong khi luật quy định mức GTGC cho người phụ thuộc là 4,4 triệu đồng/người/tháng thì những người có thu nhập từ 1 triệu đồng/tháng không được tính là người phụ thuộc.

"Nếu chỉ thu nhập hơn 1 triệu đồng/tháng thì làm sao đủ cho một người có thể sống được? Việc sửa quy định này nằm trong tầm tay của Chính phủ vì luật không quy định chi tiết", LS Trần Xoa nói và đề xuất nên điều chỉnh mức GTGC theo lương tối thiểu vùng. Mức lương tối thiểu vùng đã được Chính phủ xem xét cụ thể, cân đối hài hòa giữa thu nhập bình quân của người lao động và lợi ích của doanh nghiệp, nhà nước và sau đó sẽ có điều chỉnh. Cụ thể, đề xuất Quốc hội bỏ mức chỉnh sửa GTGC theo CPI. Thay vào đó, mức GTGC trong luật Thuế TNCN phải được tính theo mức 4 - 5 tháng lương tối thiểu vùng. Khi đưa vào áp dụng trong thực tế sau nhiều năm vẫn không bị lạc hậu như neo giữ theo CPI.

"Cơ sở lấy CPI để điều chỉnh mức GTGC không còn phù hợp với thực tế, nên cần xem xét sửa đổi sớm. Một người đang bị đói thì chỉ cần một tô mì gói là no mà không thể chờ được một bữa thịnh soạn, mâm cao cỗ đầy. Trong thực tiễn, việc xem xét sửa đổi các quy định không phù hợp thực tế cũng được Chính phủ làm thường xuyên. Vì vậy không thể đợi theo lộ trình sửa đổi toàn diện luật Thuế TNCN mà cần xem xét chỉnh sửa ngay, nhất là mức GTGC hay một số quy định liên quan. Điều này nhằm đồng hành cùng người dân, nuôi dưỡng nguồn thu", LS Trần Xoa nhấn mạnh.

Luật Thuế TNCN áp dụng từ ngày 1.1.2009 quy định mức GTGC đối với người nộp thuế là 4 triệu đồng/tháng (48 triệu đồng/năm); giảm trừ 1,6 triệu đồng/tháng/người phụ thuộc. Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Thuế TNCN áp dụng từ ngày 1.7.2013 đã nâng mức GTGC lên 9 triệu đồng/tháng với người nộp thuế; giảm trừ 3,6 triệu đồng/tháng/người phụ thuộc.

Đến đầu tháng 6.2020, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết số 954, nâng mức GTGC với người nộp thuế là 11 triệu đồng/tháng (132 triệu đồng/năm); giảm trừ 4,4 triệu đồng/tháng/người phụ thuộc.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.