‘Điều chỉnh tuổi nghỉ hưu là vấn đề nhạy cảm, phức tạp nhất’

Mai Hà
Mai Hà
17/08/2023 11:59 GMT+7

Bộ trưởng Bộ LĐ-TB-XH Đào Ngọc Dung chia sẻ, trong việc sửa luật thì khó nhất, phức tạp và nhạy cảm nhất chính là điều chỉnh tuổi nghỉ hưu.

Giải trình ý kiến góp ý liên quan đến luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) sửa đổi tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng 17.8, Bộ trưởng LĐ-TB-XH Đào Ngọc Dung cho biết, trong Bộ luật Lao động, phức tạp nhất là điều chỉnh tuổi nghỉ hưu

‘Điều chỉnh tuổi nghỉ hưu là vấn đề nhạy cảm, phức tạp nhất’ - Ảnh 1.

Bộ trưởng LĐ-TB-XH thừa nhận việc điều chỉnh tuổi hưu rất khó

GIA HÂN

Với luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi, đây cũng là vấn đề nhạy cảm, phức tạp nhất. Nếu làm không tốt, không có phương án phù hợp, có thể xảy ra “những điều không hình dung hết được”.

Ông Dung cũng cho hay, ban đầu cơ quan soạn thảo tính toán 3 phương án khác nhau về rút BHXH, nhưng sau khi ra Chính phủ gom lại 2 phương án. Song tất cả phải trên cơ sở làm sao hài hòa giữa đảm bảo an sinh xã hội lâu dài cho đất nước với giải quyết khó khăn trước mắt cho người lao động. Đồng thời, không gây sốc với người lao động, nhất là với người lao động khó khăn.

Bộ trưởng LĐ-TB-XH cũng nhắc lại 72% người rút một lần ở khu vực phía Nam, miền Trung và tuyệt đại bộ phận là công nhân. Nguyên nhân ban đầu là khó khăn.

Tuy nhiên, cả 2 phương án cơ quan soạn thảo đưa ra “thực sự chưa có phương án tối ưu nhưng ít ra có phương án tạm thời có thể chấp nhận được”.

Nếu nhìn đúng tinh thần Nghị quyết 28 phải chọn phương án 2. Phương án hài hòa giữa người đóng góp, đang tham gia cũng như người tương lai tham gia. Nhưng phương án 2 lại tiếp tục cho người lao động (sau có khi luật sửa đổi có hiệu lực) được rút, là “không trọn vẹn lắm”.

Vì thế, Bộ trưởng Dung cho biết sẽ tiếp thu ý kiến nhằm tiếp tục nghiên cứu, tính toán. Trong đó, có thể xem xét thay thế bằng các cơ chế, chính sách khác để người lao động không phải rút.

Từ góc độ người lao động, ông Phan Văn Anh, Phó tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, bày tỏ đồng tình cao với nội dung dự thảo và góp ý thêm một số ý kiến.

Quan điểm chung khi sửa luật nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các bên tham gia BHXH, tạo điều kiện thuận lợi để mọi người lao động tham gia, thụ hưởng các chế độ BHXH.

Ông Phan Văn Anh cũng lưu ý, việc sửa luật không làm suy giảm hoặc mất đi các quyền lợi mà người lao động được thụ hưởng, để người lao động không cảm thấy mình chịu thiệt thòi sau nhiều lần thay đổi chính sách. Chẳng hạn như việc điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu, tăng thời gian tham gia BHXH để được hưởng mức tối đa là 75%.

‘Điều chỉnh tuổi nghỉ hưu là vấn đề nhạy cảm, phức tạp nhất’ - Ảnh 2.

Phó tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Phan Văn Anh

GIA HÂN

Vì vậy, cần thận trọng xem xét đánh giá kỹ lưỡng các chính sách có ảnh hưởng lớn đến đời sống kinh tế xã hội như BHXH một lần, cách tính cũng như mức hưởng, thời gian hưởng cũng như chế độ với người lao động chưa đủ tuổi hưu trí.

Đồng tình việc giảm thời hạn đóng để hưởng lương hưu từ 20 năm xuống 15 năm, theo đại diện Liên đoàn Lao động Việt Nam, qua khảo sát tổng hợp cho thấy, việc này tạo điều kiện người lao động hưởng lương hưu sớm hơn trong trường hợp đã đủ tuổi và có thời gian đóng BHXH từ 15 năm trở lên là phù hợp.

Tuy nhiên, ông Anh cũng cho rằng mức lương nếu đóng 15 năm được hưởng 33,75% cần xem xét ở khía cạnh chia sẻ để hỗ trợ với những người nghỉ hưu có thu nhập thấp, không đảm bảo cuộc sống.

Về quy định BHXH một lần, dù đây là quyền lợi chính đáng của người lao động, song xu hướng rút BHXH 1 lần tăng thời gian qua là thực tế đáng lo ngại. Điều này không chỉ ảnh hưởng trực tiếp người lao động mà còn làm ảnh hưởng tới tình hình kinh tế - xã hội, trong vấn đề an sinh xã hội.

Phó tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho rằng hai phương án dự luật đưa ra đều theo hướng nhằm hạn chế người lao động rút BHXH 1 lần, đều có ưu, khuyết điểm. “Đề nghị có nhóm giải pháp đồng bộ hơn nữa hỗ trợ người lao động trong giai đoạn khó khăn trước mắt để đảm bảo cuộc sống như tín dụng ưu đãi, đào tạo, việc làm…”, ông Phan Văn Anh nêu.

Ngoài ra, để khuyến khích người lao động gắn bó lâu dài với BHXH, giảm tình trạng rút BHXH 1 lần, cần xem xét nâng mức trợ cấp 1 lần cho người lao động có thời gian đóng BHXH cao hơn số năm, tương ứng với tỉ lệ lương hưu 75%.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.