Đại biểu Quốc hội:

'Điều day dứt là cuộc họp nào doanh nghiệp nước ngoài cũng kiến nghị thủ tục visa'

Mai Hà
Mai Hà
02/06/2023 17:30 GMT+7

Chia sẻ trên diễn đàn Quốc hội, đại biểu Vũ Tiến Lộc cho biết, điều day dứt trong suốt thời gian qua là tại cuộc họp nào với cộng đồng doanh nghiệp ngoài nước cũng có các ý kiến về vấn đề visa, thủ tục visa của Việt Nam.

Chiều 2.6, Quốc hội thảo luận tại hội trường về luật Xuất nhập cảnh sửa đổi. Đại biểu Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam, đánh giá dự luật là bước tiến đột phá.

'Điều day dứt là cuộc họp nào doanh nghiệp nước ngoài cũng kiến nghị thủ tục visa' - Ảnh 1.

Đại biểu Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam

GIA HÂN

"Là người làm việc trong lĩnh vực đối ngoại, trong xúc tiến thương mại đầu tư, điều day dứt của chúng tôi suốt thời gian qua là tại cuộc họp nào với cộng đồng doanh nghiệp ngoài nước cũng có các ý kiến về vấn đề visa, thủ tục visa của Việt Nam", ông Lộc chia sẻ.

Theo ông Lộc, Việt Nam là quốc gia có tiềm năng lớn về du lịch, đang là địa điểm hàng đầu về thu hút đầu tư quốc tế. Đặc biệt, sau đại dịch Covid-19, với sự dịch chuyển kinh tế toàn cầu, Việt Nam đang được thế giới rất chú ý, rất nhiều khách du lịch, đặc biệt là các nhà đầu tư kinh doanh có nhu cầu đến Việt Nam tìm hiểu, xúc tiến đầu tư… 

Nhưng thực tế lại cho thấy Việt Nam "đi trước về sau trong mở cửa lại du lịch", một phần vì chính sách visa chưa được cởi mở. Vì thế, đại biểu Lộc cho rằng, dự thảo luật Xuất nhập cảnh sửa đổi với những quy định mới, cởi mở hơn… sẽ thúc đẩy xúc tiến thương mại đầu tư, thúc đẩy du lịch.

"Có lẽ đây là món quà hàng đầu và là thông điệp rất quan trọng với tiến trình hội nhập, mở cửa để chào mời, thu hút người nước ngoài đến với Việt Nam", ông Lộc nói, và cho biết, rất hoan nghênh việc cấp visa điện tử nhiều lần thay cho một lần. 

Riêng với quy định về nâng thời hạn cấp chứng nhận thị thực tại cửa khẩu cho người nhập cảnh theo diện đơn phương miễn thị thực là từ 15 - 45 ngày là vẫn chưa đủ. Ông Lộc đề xuất nâng lên tối thiểu là 15 - 60 ngày. 

Lý do, mức 45 ngày là mức bình quân các nước trong khu vực đang áp dụng, Việt Nam đặt tiêu chuẩn vươn tới top đầu trong ASEAN trong mọi lĩnh vực nên phải nâng lên 60 ngày để đạt mức tiên tiến trong ASEAN.

Góp ý dự thảo, đại biểu Nguyễn Hải Anh (đoàn Đồng Tháp) cho biết, theo nghiên cứu của Tổ chức Du lịch thế giới, chính sách thị thực cởi mở, thuận lợi của các quốc gia rất quan trọng để thúc đẩy du lịch.

Ông Hải Anh dẫn chứng, năm 2015, Indonesia miễn thị thực cho 169 nước trong 30 ngày, đã tăng lượng khách quốc tế đến quốc gia này lên hơn 24%, tạo hơn 400.000 việc làm. Hay năm 2015 chỉ sau 2 năm áp dụng miễn thị thực điện tử, lượng khách quốc tế đến Ấn Độ đã tăng hơn 40%, tạo 800.000 việc làm.

Đại biểu này cũng đồng tình với nhiều quy định như tăng thời gian thị thực lên 3 tháng, nâng thời hạn lưu trú… “rất cởi mở cho khách quốc tế”. Đồng thời, đề xuất xem xét bổ sung thị thực đa mục đích cho khách vào dự hội nghị, hội thảo. Rất nhiều khách sau khi làm việc, dự hội nghị đều muốn kết hợp du lịch tại Việt Nam, theo quy định hiện hành phải xin cấp thị thực du lịch sau khi làm việc chính thức, gây phiền phức.

Việt Nam mới miễn thị thực đơn phương cho công dân 25 nước, quá khiêm tốn so với các nước trong khu vực. Như Malaysia miễn 162 nước, Philippines miễn 157 nước, Indonesia miễn 169 nước, Thái Lan miễn 68 nước.

Đại biểu Nguyễn Hải Anh

Đại biểu Hải Anh cũng đề xuất nên có quy định cho phép người quá cảnh được ra ngoài trong thời gian nhất định để thu hút du lịch, có thể áp dụng trong 48 giờ miễn phí và thu phí sau 48 giờ. Theo ông Anh, Trung Quốc và nhiều quốc gia đã áp dụng quy định này, thu hút lượng khách đáng kể quá cảnh.

“Đề nghị Chính phủ mở rộng danh sách công dân các nước được đơn phương miễn thị thực để tạo điều kiện thu hút khách du lịch và vẫn đảm bảo an ninh quốc phòng. Việt Nam mới miễn thị thực đơn phương cho công dân 25 nước, quá khiêm tốn so với các nước trong khu vực. Như Malaysia miễn 162 nước, Philippines miễn 157 nước, Indonesia miễn 169 nước, Thái Lan miễn 68 nước”, ông Hải Anh nêu.

Việt Nam miễn thị thực đơn phương "quá khiêm tốn"

Chia sẻ quan điểm này, đại biểu Nguyễn Tâm Hùng (đoàn Bà Rịa - Vũng Tàu) cho rằng, qua nghiên cứu chính sách miễn thị thực của các nước cho thấy thời gian Việt Nam quy định thấp hơn so với các nước trong khu vực.

“Các nước đơn phương miễn thị thực nhiều hơn. Trong số 11 quốc gia ASEAN, chỉ còn Việt Nam và Myanmar yêu cầu phải xin thị thực trước khi nhập cảnh với khách du lịch quốc tế nhập cảnh dưới 30 ngày. Campuchia, Lào, Đông Timor cũng đã áp dụng miễn thị thực nhập cảnh với khách quốc tế nhập cảnh 30 ngày trở xuống”, ông Tùng cho hay.

Thái Lan, Malaysia, Singapore, Indonesia đã miễn thị thực 30 - 90 ngày với khách du lịch quốc tế với các thị trường chính. Theo đại biểu Tùng, số quốc gia được Việt Nam miễn thị thực chỉ bằng 5 - 15% các nước ASEAN. Việc sửa thời gian tạm trú của người nước ngoài tại Việt Nam cũng chưa tăng nhiều như các nước trong khu vực. 

“Đề nghị ban soạn thảo cân nhắc và tăng thời gian miễn thị thực, gia hạn tạm trú với người nước ngoài”, ông Tùng nêu.

Đại biểu đoàn Bà Rịa - Vũng Tàu cũng cho rằng, các thông tin liên quan đến thị thực được cung cấp tại trang web do Bộ Công an quản lý, trong khi thông tin miễn thị thực, thẻ doanh nhân APEC… lại trên trang web do Bộ Ngoại giao quản lý. 

Phí cấp thị thực cho khách nước ngoài không được công bố và không được tìm thấy ngay cả trên trang web của đại sứ quán, hoặc công bố cũng bất cập vì quá cao so với các nước trong khu vực. Ông Tùng còn đề nghị bổ sung Cổng thông tin chính thức của Chính phủ bao gồm cả các thông tin miễn thị thực, thị thực điện tử… 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.