Điêu đứng vì nước thải

09/03/2012 03:03 GMT+7

Báo Thanh Niên vừa nhận được nhiều phản ánh của người dân TP.Vũng Tàu về việc nước sông ô nhiễm do các nhà máy chế biến hải sản xả thải.

Báo Thanh Niên vừa nhận được nhiều phản ánh của người dân TP.Vũng Tàu về việc nước sông ô nhiễm do các nhà máy chế biến hải sản xả thải.  

Cá phơi trắng bụng

PV Thanh Niên đã đến các điểm nuôi trồng thủy sản khu vực sông Cây Khế, P.12, TP.Vũng Tàu để tìm hiểu phản ánh của người dân về nguồn nước ô nhiễm làm cá, tôm chết hàng loạt. Nước sông bên cạnh các điểm nuôi tôm rộng hơn 30 ha của ông Tưởng Văn Uyên có màu đen kịt, mùi hôi thối nồng nặc xộc vào mũi khiến không ai chịu nổi. “Gần 1 tuần nay nước sông đen thế này và quá hôi thối khiến tôm, cá chết phơi bụng trắng hai bên bờ”, ông Uyên cho biết và chỉ vào nơi có cả trăm con cá nhỏ, to phơi bụng chết từ nhiều ngày qua. Dùng vợt vớt cá chết đưa lên bờ, ông Uyên nói: “Cá rô phi sống rất khỏe trong điều kiện nước ô nhiễm nhưng giờ cũng phải chết thì con cá, tôm nào sống nổi”. Cách đó không xa, 32 ha mặt nước được ông Phạm Ngọc Dũng thả tôm giống từ trước tết Nguyên đán với số tiền gần 70 triệu đồng nhưng mấy ngày qua tôm chết hàng loạt.

 
Nước sông Cây Khế đen kịt làm cá chết hàng loạt - Ảnh: Nguyễn Long

Chị Trần Thị Dung (ngụ số 1, đường Hoa Lư, P.12) bức xúc: “Mấy chục năm qua nghề nuôi hải sản là nguồn sống duy nhất của người dân ở đây nhưng khoảng 10 năm trở lại đây nước sông ô nhiễm khiến người dân điêu đứng”. Theo các hộ nuôi trồng thủy sản khu vực sông Cây Khế, sông Dinh, nguyên nhân dẫn đến tôm, cá chết là do nguồn nước bị ô nhiễm bởi các chất xả thải của hàng chục nhà máy chế biến hải sản từ khu vực gần cầu Cửa Lấp và ở khu vực Hải Đăng, P.12. Người dân đã nhiều lần gửi đơn kêu cứu các cơ quan chức năng tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu nhưng tình trạng này vẫn không được giải quyết triệt để.  

Hệ thống xử lý nước thải chỉ để đối phó

Năm 2010, UBND TP.Vũng Tàu đã có công văn yêu cầu tất cả các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh trên địa bàn phải đầu tư, xây dựng hệ thống xử lý nước thải trước tháng 6.2011. Sau thời gian này, doanh nghiệp nào không có hệ thống và vận hành hệ thống xử lý nước thải, UBND TP sẽ kiến nghị UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu tạm đình chỉ hoạt động.

Nhưng đến nay còn nhiều nhà máy chế biến hải sản đóng trên địa bàn phường 11 và 12, TP.Vũng Tàu vẫn đổ nước thải chưa xử lý ra các con sông. Ông Lê Tân Cương, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường Bà Rịa-Vũng Tàu cho biết: “Cũng có nhiều doanh nghiệp, cơ sở chế biến hải sản đã đầu tư xây dựng hệ thống thu gom nước thải, tuy nhiên lại không vận dụng hệ thống này thường xuyên. Đa phần họ xây dựng để đối phó với cơ quan chức năng”.

Ngày 8.3, Chi cục đã phối hợp với Phòng Cảnh sát môi trường Công an Bà Rịa-Vũng Tàu, Trung tâm quan trắc và phân tích môi trường (Sở Tài nguyên - Môi trường) tiến hành khảo sát các khu vực nước sông Cây Khế, sông Dinh, dùng nuôi hải sản của người dân ở P.11 và P.12, TP.Vũng Tàu và lấy mẫu về phân tích mức độ ô nhiễm để có cơ sở xử lý. Để giảm nguy cơ ô nhiễm nguồn nước, gây thiệt hại đến các hộ nuôi trồng thủy sản, Chi cục đề nghị UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đẩy nhanh tiến độ triển khai xây dựng 4 vị trí quy hoạch chế biến hải sản ở các huyện Long Điền, Tân Thành, Xuyên Mộc và TP.Vũng Tàu.

Theo lãnh đạo UBND P.12, nước thải không qua xử lý đã khiến gần 200 ha đất nông nghiệp ở khu Hải Đăng không thể trồng trọt bất cứ loại cây gì.

Nguyễn Long

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.