Mỗi bài viết, một cảnh ngộ
Hàng trăm em nhỏ có mặt tại buổi sáng hôm đó là hàng trăm cảnh ngộ bất hạnh, cùng tới hội thi để nói lên những điều ấp ủ trong lòng và lắng nghe tiếng nói của bạn bè. Cả hội trường đã lặng đi khi nghe em Nguyễn Phương Thi, học sinh lớp 7 trường THCS Vân Đồn (TP.HCM), đang được Trung tâm bảo trợ trẻ em mồ côi Khánh Hội nuôi dưỡng kể về người mẹ thân yêu của mình. Ba em mất sớm, mẹ em phải bươn chải, làm thuê làm mướn để lo cho cuộc sống đến nỗi mang bệnh nặng. Tuy vậy, mẹ vẫn không một lời than vãn mà luôn động viên Phương Thi học giỏi để có tương lai tốt hơn. Cô bé run run khóc: "Con muốn làm bác sĩ để chữa bệnh cho mẹ, cho những người nghèo khác. Để những đứa trẻ như con không phải mất cha và sợ hãi nỗi lo mất mẹ".
Dù chịu nhiều thiệt thòi, nhưng các em vẫn không trách móc, oán giận những người đã sinh và bỏ rơi mình. Em Trương Văn Toàn kể cùng các bạn: "Em là đứa trẻ bị bỏ rơi khi mới lọt lòng trước cổng chùa Diệu Giác. Nhiều lần em tự hỏi: Tại sao em không có ba mẹ, ba em là ai, mẹ em ở đâu, dù có một lần được gặp rồi chia xa mãi mãi em cũng cam lòng. Nhưng em biết mình đã là người may mắn vì đã được những người hảo tâm nuôi dạy. Em mơ một ngày được gặp lại ba mẹ, em sẽ ôm lấy mẹ và bảo rằng em không bao giờ muốn rời xa vòng tay yêu thương ấy, em sẽ nói rằng: Con không hoài trách ba mẹ đâu!”.
Em Nguyễn Thị Hồng Nhiên (Mái ấm Hướng Dương) đoạt giải nhất hội thi |
Những ngọn đèn không tắt
Không chỉ muốn chia sẻ với bạn bè về hoàn cảnh của mình, các em còn quan tâm tới nhiều vấn đề của xã hội. Em Nguyễn Thị Bích Tuyền đến từ mái ấm Hoa Hồng Nhỏ cùng kêu gọi các bạn không nên xả rác bừa bãi mà hãy cùng bảo vệ môi trường. Em Võ Thị Thủy đến từ mái ấm Bà Chiểu muốn mọi người quan tâm hơn tới việc chống hút thuốc lá. Còn Trần Thị Hồng Nhung, cô bé ở mái ấm Hoa Hồng Nhỏ thì thuyết trình về việc cần chống lạm dụng tình dục trẻ em... Khi hỏi về ước mơ trong tương lai, có em thì mong muốn làm bác sĩ, ca sĩ, em thì muốn làm giáo viên để dạy dỗ những em bé phải chịu thiệt thòi như mình.
Theo ông Lâm Quang Nới, Phó giám đốc Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ, Trưởng ban Giám khảo hội thi: "Điều các em muốn nói cũng là vấn đề mà người lớn muốn nghe để hiểu được sự mong muốn, khát vọng của các em. Trong đó còn tiềm ẩn những dự định, dự báo về một tương lai cho gia đình và cộng đồng, hoặc ít ra cũng cho mọi người thấy được nguyện vọng của một thành viên muốn được sống và cống hiến. Buổi sinh hoạt này cũng tạo cho các em thói quen mạnh dạn, chủ động khi đứng trước diễn đàn bày tỏ ý kiến của mình để sau này ra đời, các em không còn mặc cảm, tự ti".
Anh Nguyễn Văn Đức, người điều hành mái ấm Hoa Huệ thì xúc động cho biết: "Chúng tôi chăm lo cho các em hằng ngày, nhiều khi các em vui cười mà trong lòng chứa biết bao nỗi buồn không nói. Cuộc thi hôm nay đã cho tôi và những người đồng hành cùng các em cơ hội lắng nghe các em. Ngày hôm nay, chính các em đã cho tôi thêm những bài học về cuộc đời".
Phương Nguyên
Bình luận (0)