(TNO) Chỉ số Bloomberg Commodities vừa chạm mức đáy 13 năm, thấp hơn cả thời điểm khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008. Giá dầu hạ, còn vàng thì rớt xuống thấp nhất 5 năm. Những yếu tố trên là dấu hiệu gì cho nền kinh tế thế giới?
Giá vàng giảm xuống mức thấp nhất trong vòng 5 năm qua - Ảnh: Reuters
|
Theo Bloomberg và CNN, Bloomberg Commodities - chỉ số dùng để đo lường diễn biến của thị trường hàng hóa - vẫn tiếp đà lao dốc hôm 21.7 sau khi chạm đáy thấp nhất kể từ tháng 6.2002 một ngày trước đó.
Chỉ số Bloomberg Commodities đã tuột sâu hơn cả thời kỳ khủng hoảng tài chính thế giới năm 2008 và khủng hoảng nợ công ở Khu vực đồng tiền chung châu Âu (eurozone) năm 2012. Dầu thô, vàng, kim loại, đồng, quặng sắt, đường… rất ít hàng hóa đứng ngoài kịch bản lao dốc.
Chỉ tính trong tuần này, giá dầu đã giảm về mức 50 USD/thùng. Vàng thì giảm xuống dưới 1.100 USD/ounce, mức đáy trong vòng 5 năm qua. Trong tháng này, cổ phiếu các hãng khai thác mỏ như Newmont Mining, Barrick Gold và Coeur Mining giảm từ 20 - 25%.
Tại sao điều này xảy ra và xu hướng sắp tới ra sao?
David Kelly, Giám đốc chiến lược toàn cầu thuộc Quỹ JPMorgan cho biết: “Đây là lá cờ vàng đối với nền kinh tế thế giới. Song tôi không nghĩ phía trước chúng ta là thảm họa, dù diễn biến trên có thể nói lên điều gì đó”.
Theo CNN, giá cả hàng hóa sụt giảm trước hết là do nhu cầu không đủ mạnh. Tăng trưởng yếu của kinh tế toàn cầu ảnh hưởng đến nhu cầu dầu thô và một số loại kim loại công nghiệp như đồng, quặng sắt.
Cụ thể, Trung Quốc vốn đóng vai trò lớn trong bức tranh nhu cầu thế giới vì nước này trước đây vốn có nhu cầu tài nguyên thiên nhiên cao, nay tăng trưởng thấp. Một số thị trường mới nổi khác như Nga, Brazil hay một vài nền kinh tế phát triển ở châu Âu cũng đang tăng trưởng ì ạch.
"Toàn cầu sẽ không tiến vào suy thoái, nhưng cũng không tăng trưởng nhiều", Michael Block, Giám đốc chiến lược tại hãng nghiên cứu chứng khoán, thương mại Rhino Trading Partners nói.
Ngược với lượng cầu yếu, lượng cung trên thế giới gia tăng. Sự bùng nổ hàng hóa được thúc đẩy bởi tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc vài năm trước, khiến các hãng năng lượng, kim loại sản xuất đến mức hiện nay, cung vượt cầu. Một trong những bằng chứng rõ nét nhất của việc này là cái cách các nhà sản xuất dầu thô ở Mỹ bơm dầu ra thị trường trong thời gian qua.
Ngoài ra, đồng đô la Mỹ đang tăng giá so với euro và yen Nhật là tin xấu đối với các loại hàng hóa, vốn được giao dịch bằng USD. Đồng bạc xanh mạnh lên khiến hàng hóa trở nên đắt đỏ khi mua bằng những đồng tiền khác.
Peter Boockvar, Giám đốc phân tích thị trường tại hãng The Lindsey Group nói rằng thị trường giá hạ này sẽ sớm kết thúc khi cung - cầu về thế cân bằng, giúp giá cả bình ổn. Ngoài ra, diễn biến thị trường hàng hóa được cho là sẽ khiến việc tăng lãi suất của Fed trở nên khó khăn hơn, vì nó đẩy số liệu lạm phát Mỹ về sau mục tiêu của ngân hàng trung ương.
Bình luận (0)