Khi ăn hay uống phải đồ nóng, hầu hết phản xạ của chúng ta là sẽ nôn ra ngay. Trong trường hợp không may nuốt phải thức ăn, thức uống quá nóng thì điều đầu tiên cần làm là làm dịu cảm giác nóng trong cổ họng bằng cách nhấm nháp một ít nước mát, ngậm vài viên đá hoặc súc miệng bằng dung dịch nước ấm và muối.
Sau đó, người mắc cần phải đánh giá mức độ tổn thương trong cổ họng. Các trường hợp bỏng nhẹ không cần phải lo lắng vì chúng sẽ sớm khỏi. Tuy nhiên, nếu sau vài giờ mà vẫn cảm thấy khó chịu, đau bên trong cổ họng thì cần đến gặp bác sĩ. Bác sĩ tai mũi họng sẽ chẩn đoán trước khi đưa ra phương pháp điều trị phù hợp.
Trường hợp cổ họng bị bỏng nghiêm trọng có thể gây nguy hiểm. Vì vết bỏng nghiêm trọng sẽ gây chảy máu bên trong cổ họng và khiến các mô sưng lên. Hệ quả là làm chèn ép khí quản và thực quản dẫn đến gián đoạn lưu thông khí. Nạn nhân sẽ bị khó thở, khó nuốt nước bọt và khàn giọng. Tình huống nghiêm trọng có thể gây tử vong.
Hầu hết các trường hợp bị bỏng bên trong cổ họng do ăn phải đồ nóng là nhẹ và sẽ tự khỏi. Tuy nhiên, các chuyên gia khuyến cáo là không nên ăn đồ nóng thường xuyên.
Một nghiên cứu công bố trên chuyên san International Journal of Cancer cho thấy ăn đồ nóng thường xuyên sẽ làm tăng nguy cơ bị ung thư thực quản. Điều này là do thực phẩm nóng sẽ làm tổn thương lớp niêm mạc bên trong cổ họng và gây viêm. Mô bị tổn thương và viêm thường xuyên trong thời gian dài sẽ khiến tế bào ung thư hình thành. Để đảm bảo an toàn, các chuyên gia khuyến cáo không nên ăn thực phẩm nóng quá 60 độ C, theo Healthline.
Bình luận (0)