Cụ thể, trong “Chiến lược quốc gia bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ giai đoạn 2021 - 2030 và tầm nhìn đến năm 2045”, ở nhóm giải pháp về người điều khiển phương tiện, Chính phủ thống nhất điều chỉnh phân hạng giấy phép lái xe cơ giới đường bộ cho phù hợp với Công ước Viên 1968 về giao thông đường bộ và đặc thù phương tiện tại Việt Nam; đào tạo, cấp giấy phép lái xe (GPLX) cho người điều khiển xe máy có dung tích xy lanh dưới 50 cm3 (xe máy dưới 50 cc - PV) hoặc xe máy điện có công suất động cơ dưới 4 kW; tiếp tục phát triển ứng dụng công nghệ hiện đại trong quản lý đào tạo, sát hạch, cấp GPLX; hài hòa hóa quy trình, phương pháp và nội dung đào tạo, sát hạch, cấp GPLX cơ giới đường bộ tương đương với các nước phát triển.
Từng bước luật hóa
Hiện luật Giao thông đường bộ (GTĐB) 2008 không bắt buộc sát hạch cấp bằng lái với hạng xe máy dưới 50 cc và xe máy điện. Tuy nhiên, dự thảo luật GTĐB sửa đổi được Bộ GTVT xây dựng đầu năm 2020 đã bổ sung GPLX hạng A0 dành cho xe máy dung tích dưới 50 cc và xe điện dưới 4 kW. Ngoài ra, người đủ 16 tuổi trở lên mới được cấp GPLX hạng A0. Dự thảo luật Bảo đảm trật tự an toàn giao thông do Bộ Công an xây dựng cũng quy định người lái xe máy dưới 50 cc, xe máy điện có công suất động cơ điện không quá 4 kW phải được đào tạo, sát hạch, cấp GPLX hạng A0.
Kiểm soát định kỳ phát thải đối với mô tô, xe gắn máyChiến lược quốc gia bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ 2021 - 2030 cũng đưa ra mục tiêu loại bỏ 100% xe cơ giới hết niên hạn sử dụng; xe tự chế ba, bốn bánh không được tham gia giao thông; triển khai kiểm soát phát thải khí thải định kỳ đối với xe mô tô, xe gắn máy có động cơ xăng tham gia giao thông. 100% chủ ô tô sử dụng tài khoản ví điện tử để thanh toán đa mục đích cho các dịch vụ giao thông đường bộ và nộp phạt vi phạm...
|
Về việc người điều khiển xe đạp điện có cần bằng lái xe không, ông Hùng cho biết xe đạp điện hiện vẫn chưa được quy định là phương tiện cơ giới nên không cần GPLX. “Nếu được đưa vào luật như xe cơ giới, thì xe đạp điện sẽ phải tính đến giới hạn độ tuổi người được điều khiển và các quy định kèm theo như xe máy hiện nay”, ông Hùng nói.
Trước đó, theo ông Hùng, một nghiên cứu của Ủy ban ATGT quốc gia và Hiệp hội Các nhà sản xuất xe máy Việt Nam về tham gia giao thông của học sinh tại Hà Nội cho thấy học sinh THPT là đối tượng dễ bị tổn thương, chiếm 80 - 90% các vụ tai nạn liên quan đến trẻ em. Phần lớn tai nạn liên quan đến học sinh đi xe máy điện, xe máy dưới 50 cc, trong khi đó học sinh đi loại xe này nhưng không được trang bị kiến thức về tham gia giao thông an toàn, không phải học bằng lái, không phải sát hạch.
Sát hạch tương đồng mô tô, xe gắn máy
Còn theo lãnh đạo Tổng cục Đường bộ Việt Nam, quá trình xây dựng luật GTĐB sửa đổi, ban soạn thảo đã tính các phương án đào tạo, sát hạch với nhóm phương tiện xe máy dưới 50 cc và xe máy điện. Cụ thể, sẽ xây dựng các bài sát hạch tương đồng với hệ thống sát hạch xe gắn máy, mô tô hiện nay để đảm bảo tính an toàn và hạn chế tối đa việc phải mất thời gian thi lại hoặc nâng cấp bằng lái cho người dân. Về lộ trình thực hiện, dự kiến sẽ cần ít nhất 1 năm để luật hóa, xây dựng nghị định và các văn bản hướng dẫn.
Bình luận (0)