Điều kiện để người Việt đã định cư ở nước ngoài được thường trú tại VN

17/09/2013 03:10 GMT+7

Hiện nay, bà con Việt kiều xin hồi hương tại VN khá nhiều. Tuy nhiên, nhiều người không rõ thủ tục pháp lý cũng như những vấn đề liên quan. Thượng tá Nguyễn Ngọc Khang, Phó trưởng phòng Công tác hồi hương Cục Quản lý xuất nhập cảnh tại TP.HCM, vừa trả lời PV Thanh Niên về vấn đề này.

 Điều kiện để người Việt đã định cư ở nước ngoài được thường trú tại VN
Thượng tá Nguyễn Ngọc Khang - Ảnh: Thanh Đông

Xin ông cho biết trình tự thủ tục để Việt kiều xin thường trú lâu dài tại VN? Hồ sơ nộp ở cơ quan nào? Lệ phí bao nhiêu?

Thủ tục, trình tự giải quyết cho công dân VN định cư nước ngoài (CDVNĐCNN) về VN thường trú được quy định rõ ở Thông tư liên tịch 05 ngày 12.5.2009. Bà con tìm hiểu cụ thể thông tư này qua trang web của Cục Quản lý xuất nhập cảnh (QLXNC) - Bộ Công an (www.vnimm.gov.vn).

Hồ sơ có thể nộp tại một trong 3 nơi: Cơ quan đại diện VN ở nước ngoài nơi CDVNĐCNN đang cư trú; Phòng QLXNC công an tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi CDVNĐCNN đề nghị được về thường trú; Cục QLXNC - Bộ Công an (có thể nộp trực tiếp hoặc gửi qua đường bưu điện). Không thu phí khi giải quyết hồ sơ xin thường trú cho CDVNĐCNN.

Điều kiện, tiêu chuẩn để được giải quyết đăng ký thường trú tại VN?

Có giấy tờ chứng minh có quốc tịch VN hoặc còn giữ quốc tịch VN. Có nhà ở hợp pháp tại VN, gồm nhà thuộc sở hữu hợp pháp của người xin thường trú, nhà do thuê, mượn, ở nhờ của cá nhân. Nếu xin về thường trú tại các thành phố trực thuộc trung ương, ngoài các điều kiện đã nêu còn phải có một trong các giấy tờ sau đây theo luật Cư trú: Giấy xác nhận của công an phường, xã, thị trấn đã tạm trú liên tục tại các TP đó từ 1 năm trở lên hoặc giấy chứng minh trước đây đã đăng ký thường trú tại TP trực thuộc trung ương, nay trở về sinh sống tại chỗ ở hợp pháp của mình. Hoặc giấy tờ chứng minh mối quan hệ ruột thịt giữa Việt kiều với người có hộ khẩu đồng ý cho nhập vào sổ hộ khẩu của mình như:

Vợ về ở với chồng, chồng về ở với vợ, con về ở với cha, mẹ hoặc cha, mẹ về ở với con. Người hết tuổi lao động, nghỉ hưu, mất việc, nghỉ thôi việc chuyển về ở với anh, chị, em ruột. Người chưa thành niên độc thân về sống với ông, bà nội, ngoại hoặc còn cha mẹ nhưng cha mẹ không có khả năng nuôi dưỡng về ở với ông, bà nội, ngoại, anh, chị, em ruột, cô, gì, chú, bác, cậu ruột, người giám hộ.

Thanh Đông
(Thực hiện)

>> Một Việt kiều Úc bị tạt a xít
>> Một Việt kiều bị tạt a xít gây bỏng nặng
>> Nổ nồi hơi, một Việt kiều Mỹ tử vong
>> Vận chuyển ma túy, Việt kiều lãnh án
>> Dịch giả Việt kiều giúp “xuất khẩu” văn học Việt

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.