Điều kiện, mức hưởng lương hưu hiện nay và từ ngày 1.7.2025

Phạm Thu Ngân
Phạm Thu Ngân
06/12/2024 04:44 GMT+7

'Nước ta mới thay đổi luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) và năm sau mới áp dụng, vậy yêu cầu để hưởng lương hưu có thay đổi gì không?'.

Thắc mắc trên của chị Phi Phụng (ở Q.Bình Thạnh, TP.HCM) về điều kiện hưởng lương hưu từ ngày 1.7.2025 - thời điểm mà luật BHXH 2024 có hiệu lực.

Điều kiện, mức hưởng lương hưu hiện nay

Theo BHXH TP.HCM, căn cứ quy định pháp luật hiện hành, người lao động cần đáp ứng hai điều kiện để được hưởng lương hưu:

  • Đóng đủ 20 năm BHXH trở lên.
  • Đủ tuổi nghỉ hưu theo điều 169 bộ luật Lao động năm 2019 và Nghị định 135/2020 của Chính phủ. Tuổi nghỉ hưu được điều chỉnh theo lộ trình, tăng dần từ ngày 1.1.2021. Đối với lao động nam, tuổi nghỉ hưu từ 60 tuổi 3 tháng, mỗi năm tăng thêm 3 tháng cho đến khi đạt 62 tuổi vào năm 2028. Đối với lao động nữ, tuổi nghỉ hưu từ 55 tuổi 4 tháng, mỗi năm tăng thêm 4 tháng cho đến khi đạt 60 tuổi vào năm 2035. Năm 2024, trong điều kiện lao động bình thường, tuổi nghỉ hưu của lao động nam là 61 tuổi, lao động nữ là 56 tuổi 4 tháng.

Mức lương hưu hằng tháng = Tỷ lệ hưởng lương hưu x Mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH.

Năm 2024, lao động nam đóng đủ 20 năm BHXH được hưởng 45% mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH, mỗi năm đóng thêm cộng thêm 2%, tối đa 75%.

Lao động nữ đóng đủ 15 năm BHXH được hưởng 45% mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH, mỗi năm đóng thêm cộng thêm 2%, tối đa 75%.

Điều kiện, mức hưởng lương hưu từ ngày 1.7.2025

Theo Luật BHXH năm 2024, có hiệu lực từ ngày 1.7.2025, người lao động đủ điều kiện hưởng lương hưu phải đáp ứng hai yêu cầu:

  • Thời gian đóng BHXH tối thiểu: 15 năm.
  • Tuổi nghỉ hưu: Đủ tuổi theo điều 169 bộ luật Lao động.
Điều kiện, mức hưởng lương hưu hiện nay và từ ngày 1.7.2025- Ảnh 1.

Người dân nhận lương hưu, trợ cấp BHXH ở một bưu điện tại TP.HCM

ẢNH: T.N

Về mức lương hưu hằng tháng từ ngày 1.7.2025 cũng được tính dựa trên thời gian đóng BHXH. Lao động nữ đóng đủ 15 năm BHXH thì được hưởng 45%, mỗi năm đóng thêm cộng thêm 2%, tối đa 75%.

Lao động nam đóng đủ 20 năm BHXH thì được hưởng 45%, mỗi năm đóng thêm cộng thêm 2%, tối đa 75%. Trường hợp lao động nam có thời gian đóng BHXH từ đủ 15 năm đến dưới 20 năm, mức lương hưu hằng tháng bằng 40% mức bình quân tiền lương làm căn cứ đóng BHXH tương ứng với 15 năm đóng BHXH. Sau đó, mỗi năm đóng thêm được tính thêm 1%.

Cách tính mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH

Mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH được tính khác nhau tùy thuộc vào loại hình lao động và thời gian tham gia BHXH.

Đối với người lao động làm việc tại công ty tư nhân và mức lương do công ty quyết định thì mức bình quân tiền lương sẽ được tính dựa trên toàn bộ thời gian đóng BHXH.

Trong đó, tiền lương làm căn cứ đóng BHXH bao gồm mức lương chính, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác được quy định rõ ràng trong hợp đồng lao động.

Với người lao động thuộc đối tượng áp dụng chế độ tiền lương do nhà nước quy định, thời gian đóng BHXH được tính bình quân dựa trên mốc thời gian tham gia như sau:

  • Trước ngày 1.1.1995: Tính bình quân 5 năm cuối trước khi nghỉ hưu
  • Từ ngày 1.1.1995 - 31.12.2000: Tính bình quân 6 năm cuối
  • Từ ngày 1.1.2001 - 31.12.2006: Tính bình quân 8 năm cuối
  • Từ ngày 1.1.2007 - 31.12.2015: Tính bình quân 10 năm cuối
  • Từ ngày 1.1.2016 - 31.12.2019: Tính bình quân 15 năm cuối
  • Từ ngày 1.1.2020 - 31.12.2024: Tính bình quân 20 năm cuối
  • Từ ngày 1.1.2025 trở đi: Tính bình quân toàn bộ thời gian

Nếu người lao động có thời gian đóng BHXH ở cả 2 chế độ (theo nhà nước và do doanh nghiệp quyết định), mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH sẽ được tính gộp và áp dụng quy định của từng thời kỳ.

Như vậy, về cơ bản, so với quy định hiện nay, thì luật BHXH mới giảm thời gian đóng BHXH tối thiểu từ 20 năm xuống 15 năm, đồng thời cách tính mức hưởng và tỷ lệ lương hưu có một số thay đổi.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.