Điều kỳ bí quanh cây thị cổ

26/05/2015 10:00 GMT+7

Đến Phủ Khống, nơi cuối cùng trong hành trình 3 tiếng tham quan danh thắng Tràng An (Hoa Lư, Ninh Bình), du khách sẽ được chiêm ngưỡng một cây thị cổ với nhiều điều kỳ bí.

Đến Phủ Khống, nơi cuối cùng trong hành trình 3 tiếng tham quan danh thắng Tràng An (Hoa Lư, Ninh Bình), du khách sẽ được chiêm ngưỡng một cây thị cổ với nhiều điều kỳ bí.
Cây thị cổ ra hai loại quả cùng cành
Cây thị cổ ra hai loại quả cùng cành - Ảnh Chín Quảng
Cây thị này được gắn liền với những điều bí ẩn về nơi chôn cất vua Đinh Tiên Hoàng. Chuyện kể rằng, vua mất vào năm 979 sau công nguyên. Có 7 vị quan đã tự tay khâm liệm nhà vua rồi chuyển qua cửa cung 100 cỗ quan tài bằng đồng để đi chôn cất, theo 4 hướng Đông, Tây, Nam, Bắc. Sau khi an táng vua về, 7 vị quan đã chung nhau ly rượu độc để tuẫn tiết, mang theo mình những bí mật mãi mãi về nơi chôn cất cỗ quan tài có thi hài thật bên trong. Một vị tướng trấn giữ thành nam khi đó, biết được sự việc trên đã vô cùng cảm kích trước nghĩa khí của 7 vị trung thần. Ông liền lập bát nhang thờ cúng và trồng một cây thị bên cạnh. Trải qua thăng trầm lịch sử hơn 1.000 năm, cây thị già đã bị phong ba bão táp đốn gãy và mọc lên cây thị “hậu duệ” bên cạnh. Theo người dân, cây thị hiện tại cũng đã khoảng 1.000 năm tuổi. Rễ cây lan rộng khoảng chừng 10 m2, bao trùm lên cả một tảng đá lớn. Đặc biệt đã qua nhiều năm tuổi nhưng cây vẫn xanh tốt, tán rộng, che phủ cả một góc trời.
Một điều đặc biệt, hàng năm cây thị đều cho ra nhiều quả và bao giờ cũng có 2 loại quả trên cùng một cành. Một loại quả to, tròn có hạt và một loại quả dẹt không hạt. Ông Trần Văn Việt, 60 tuổi, người trông coi tại Phủ Khống từ hơn 2 năm nay cho biết, rất nhiều người dân quanh vùng khi biết đến cây thị kỳ lạ này có đến xin hạt, mang về nhà trồng thử, nhưng khi cây lớn lên, cũng chỉ cho ra có một loại quả là loại quả tròn có hạt. “Đã có một số nhà nghiên cứu lịch sử và nhà thực vật học đến tìm hiểu, song không thể lý giải được hiện tượng ra quả kỳ lạ của cây thị này”, ông Việt kể. Điều thú vị là năm nào, cây thị cũng chín rộ và sai quả nhất và vào trung tuần tháng 8, đúng dịp giỗ vua Đinh…
PGS.TS Trình Năng Chung, nguyên Trưởng phòng Khoa học, Viện khảo cổ học Việt Nam, người đã từng đến Phủ Khống để tìm hiểu về cây thị khẳng định, ông đã tận mắt được chứng kiến 2 loại quả thị trên cùng 1 cành của cây. Đây là điều chưa lý giải được. TS Chung cũng cho biết, chưa có nghiên cứu chính xác về niên đại nhưng đây là cây thị đã có rất nhiều tuổi bởi bộ rễ của nó. “Bộ rễ như thước đo của thời gian cho sự lâu năm của cây thị, nhưng để biết về tuổi thọ cần phải có các biện pháp khoa học giám định. Là người làm khảo cổ, tôi cũng mong muốn có các nhà khoa học đến tìm hiểu và xác định chính xác về niên đại của cây thị này”, TS Chung chia sẻ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.