Lý do chính là vì người dân chưa tin tưởng vào chất lượng (từ con người đến trang thiết bị) của bệnh viện (BV), cơ sở y tế tuyến dưới (y tế cơ sở).
Điều người dân mong mỏi là, khi không may mắc bệnh, họ được khám ở BV gần nhà, đảm bảo chất lượng, hiệu quả, không phải đi xa. Một thời gian dài, chúng ta tập trung đầu tư những BV, trung tâm y tế lớn để giải quyết tình trạng quá tải bệnh nhân ở BV tuyến trên, mà “lơ là” trong đầu tư cho y tế cơ sở. Nhưng rồi, qua thực tế, từ bác sĩ, đến nhà quản lý y tế đều nhận ra rằng, ở các thành phố lớn dẫu có xây thêm nhiều BV, kê thêm nhiều giường bệnh nội trú, thì quá tải bệnh nhân vẫn quá tải, thậm chí còn quá tải hơn, khi người dân ở các tỉnh ngày càng có điều kiện, phương tiện đi lại thuận tiện.
Minh chứng là, trước năm 1996, tại TP.HCM chưa có BV tư nhân, sau đó, hàng loạt BV và phòng khám đa khoa tư nhân quy mô ra đời nhưng quá tải ở BV tuyến trên tại TP.HCM vẫn ngày càng trầm trọng. Hiện ở TP.HCM đã có 53 BV tư (gần bằng số lượng BV cấp TP và quận, huyện của TP.HCM cộng lại).
Thực tế đó đã cho chúng ta thấy rằng, cần phải đầu tư nhiều hơn cho y tế cơ sở, y tế gần dân, y tế tuyến đầu. Và, việc này đã được ngành y tế thực hiện quyết liệt hơn trong những năm gần đây, bước đầu đã cho thấy đem lại hiệu quả, giảm bớt phần nào cho BV tuyến trên.
Y tế là ngành đặc thù, ngoài đầu tư máy móc hiện đại thì cần đầu tư về huấn luyện, chuyển giao, đào tạo nguồn nhân lực (bác sĩ, kỹ thuật viên...) đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh ngày càng nhiều và cao của người bệnh; biết sử dụng các thiết bị hiện đại. Làm sao để người dân an tâm phó thác sức khỏe, thậm chí là mạng sống của mình cho y tế cơ sở, y tế gần dân, khi đó ngành y tế đã thành công lớn trong giải quyết quá tải cho BV tuyến trên, đáp ứng điều người dân mong đợi.
Khi người dân đã tin vào đội ngũ bác sĩ, y tế cơ sở, thì bác sĩ, giáo sư đầu ngành ở các BV lớn tuyến trên, tuyến T.Ư, không phải "chạy đua", mỗi bác sĩ phải khám cả trăm bệnh nhân mỗi ngày, mà phần lớn chỉ là những bệnh thông thường, lẽ ra bác sĩ tuyến dưới giải quyết được. Có như vậy, bác sĩ, giáo sư tuyến trên mới có thời gian nghiên cứu để đáp ứng với những kỹ thuật cao, chuyên sâu trong điều trị bệnh.
Bình luận (0)