(TNO) Khi Aung San Suu Kyi quyết định sẽ ở lại Myanmar, bà mặc chiếc váy có màu sắc yêu thích nhất, cài một bông hồng lên tóc và quay đoạn phim từ biệt chồng mình. Thế nhưng đoạn phim chỉ đến nơi 2 ngày sau khi Michael qua đời.
Aung San Suu Kyi nhận hoa từ những người ủng hộ vào ngày bà được thả tự do - Ảnh: AFP
|
“Mỗi ngày trong 20 năm, Aung San Suu Kyi đứng trước lựa chọn: tiếp tục cảnh sống bị quản thúc tại chính quê hương mình, hay trở về với mái ấm tại Oxford (Anh quốc) nơi chồng con bà đang chờ. Và mỗi ngày trong suốt 20 năm đó, Aung San Suu Kyi đã chọn không bỏ rơi đất nước Myanmar và những người đồng bào của bà”.
Đó là cách đài BBC (Anh) miêu tả 20 năm dài bà Aung San Suu Kyi, lãnh tụ phe đối lập của Myanmar, Chủ tịch đảng Liên minh quốc gia vì dân chủ (NLD), bị quản thúc tại gia. Nhiều người biết đến quãng thời gian bà đấu tranh cho Myanmar, nhưng không nhiều trong số đó từng biết rằng có một người đàn ông đã bị “bỏ lại” trong những năm tháng đó. Ông là Michael Aris, sử gia người Anh.
Cuộc sống êm đềm
Aung San Suu Kyi là con gái của tướng Aung San, người được xem có công lớn trong việc đưa Myanmar từ thuộc địa của Anh trở thành một quốc gia độc lập. Cha của Aung San Suu Kyi bị ám sát khi bà 2 tuổi, theo tờ South China Morning Post (Hồng Kông).
Năm 1964, người mẹ gửi Aung San Suu Kyi đến Oxford để học về chính trị học, triết học và kinh tế học. Tại đây, bà đã gặp Michael Aris. Người đàn ông đang học lịch sử hiện đại tại đại học Durham này luôn mang một niềm say mê đối với phương Đông. Khi Michael gặp Aung San Suu Kyi, bà là một cô sinh viên bé nhỏ, trầm lặng, tóc đen, luôn vận trang phục truyền thống của Myanmar với bông hoa cài trên tóc, tờ Newsweek (Anh) miêu tả. Và người đàn ông cao lớn, mắt xanh, hướng ngoại này lập tức bị mê hoặc. Michael cầu hôn Aung San Suu Kyi trên một đỉnh núi tuyết phủ của Bhutan, trong lúc ông đang là gia sư của hoàng gia nước này. Aung San Suu Kyi đồng ý, nhưng ngay cả trong thời khắc này, bà vẫn biết rằng nếu đất nước cần, bà sẽ ra đi. Nhưng Michael chấp nhận.
Tờ Newsweek thuật lại: Michael Aris và Aung San Suu Kyi kết hôn năm 1972 và 16 năm sau đó, Aung San Suu Kyi toàn tâm toàn ý để trở thành một người vợ nội trợ, sau đó là người mẹ của 2 đứa con trai: Alexander và Kim. Cuộc sống bên chồng con diễn ra êm ả cho đến một đêm của năm 1988. Đó là một buổi tối như bao buổi tối khác tại Oxford, Aung San Suu Kyi và Michael đang ngồi đọc sách thì nhận được tin dữ: mẹ của Aung San Suu Kyi bị đột quỵ.
Lúc Aung San Suu Kyi bay từ Oxford về Rangoon, Myanmar, bà nghĩ rằng mình sẽ ở đây vài tuần. Cuối cùng, khi bà đến bệnh viện Rangoon để chăm sóc mẹ mình, nơi đây đầy những sinh viên bị thương hoặc đang hấp hối. Cả thành phố chìm trong hỗn loạn, những cuộc đụng độ với quân đội diễn ra ở khắp nơi, theo Newsweek. Từ bệnh viện, mặc cho việc Aung San Suu Kyi khăng khăng rằng bà có gia đình đang chờ đợi tại Oxford, tiếng đồn vẫn lan đi rằng con gái của tướng Aung San đã trở về.
Aung San Suu Kyi nắm tay con trai lớn Alexander - Ảnh: Reuters
|
20 năm bị quản thúc
Khi nhận lời trở thành người đứng đầu phong trào dân chủ tại Myanmar, Aung San Suu Kyi vẫn nghĩ rằng bà sẽ sớm trở lại Oxford một khi cuộc bầu cử được diễn ra. Michael đến Myanmar để ủng hộ vợ mình cho đến khi ông bị trục xuất. Từ nước Anh, Michael chỉ có thể dõi theo vợ mình qua tin tức khi sự nổi tiếng của bà ngày một tăng cao. Tại Myanmar, đường đi nước bước của Aung San Suu Kyi bị quân đội theo sát. Năm 1989, bà bị quản thúc tại nhà. Newsweek đã viết rằng: “Ít ra thì lúc này Michael có thể an tâm rằng Aung San Suu Kyi được an toàn”.
Không những vậy, theo Newsweek, chính Michael là người tiến hành một chiến dịch trong âm thầm nhằm biến Aung San Suu Kyi trở thành một biểu tượng quốc tế và qua đó bảo vệ bà. Không những vậy, tất cả chiến dịch này được thực hiện trong âm thầm để tránh cho việc một người chồng ngoại quốc có thể ảnh hưởng đến danh tiếng của Aung San Suu Kyi và cuộc vận động dân chủ tại quê hương bà.
Kim, con trai thứ hai của Aung San Suu Kyi, bảo vệ mẹ giữa vòng vây những người ủng hộ - Ảnh: Reuters
|
Thời gian trôi qua, và 2 cậu thiếu niên Alexander và Kim đã trở thành những người đàn ông trưởng thành. Trong thời gian này, Michael chỉ có thể gặp vợ mình vài lần. Năm 1998, Michael phát hiện ông bị ung thư giai đoạn cuối. Trong những ngày cuối cùng đó, Michael hơn 30 lần nộp đơn xin visa vào Myanmar, nhưng mọi nỗ lực của ông đều bị từ chối. Giáo hoàng John Paul II và Tổng thống Mỹ Bill Clinton đã viết thư giúp Michael, nhưng tất cả đều vô ích. Người đại diện quân đội đã đến gặp Aung San Suu Kyi. Bà biết rằng bà có thể trở về Oxford để nói lời tạm biệt chồng mình, nhưng điều đó cũng đồng nghĩa một cuộc lưu đày vĩnh viễn khỏi quê hương của mình. Qua những cuộc điện thoại gọi qua Đại sứ quán Anh, Michael luôn khăng khăng rằng bà không cần cân nhắc việc trở về.
Khi Aung San Suu Kyi quyết định sẽ ở lại Myanmar, bà mặc chiếc váy có màu sắc yêu thích nhất, cài một bông hồng lên tóc và đi đến Đại sứ quán Anh để quay đoạn phim từ biệt chồng mình, nói với ông rằng chính tình yêu của ông đã là điểm tựa cho bà. Đoạn phim được lén đưa ra khỏi Myanmar, và chỉ đến được Oxford 2 ngày sau khi Michael qua đời. Michael Aris mất năm 1999, đến năm 2010, Aung San Suu Kyi mới thôi bị quản thúc tại nhà và gặp lại con trai mình, theo Newsweek.
Aung San Suu Kyi đọc tuyên thệ tại quốc hội - Ảnh: Reuters
|
Về sau này, bà Aung San Suu Kyi đã nói rằng: “Dĩ nhiên tôi hối hận đã không thể ở bên gia đình”.
“Tôi muốn được ở cạnh gia đình, được nhìn các con trai trưởng thành. Nhưng tôi cũng không bao giờ nghi ngờ về quyết định này của mình, ở lại bên người dân”, BBC dẫn lời bà.
Với tính cách mạnh mẽ, Aung San Suu Kyi hiếm khi nói về những nỗi đau của mình. Khi một nhà báo nói rằng câu chuyện của bà giống như một bi kịch Hy Lạp, Aung San Suu Kyi nói rằng tất cả là sự lựa chọn của bà, theo Newsweek.
Aung San Suu Kyi sinh năm 1945 tại Myanmar. Cũng giống như lãnh tụ Nelson Mandela của Nam Phi, bà trở thành một biểu tượng quốc tế cho sự nghiệp đấu tranh ôn hòa. Bà trải qua 2 thập niên bị giam cầm để đấu tranh đấu tranh cho dân chủ ở một quốc gia mà quyền lực nằm hoàn toàn trong tay quân đội.
Năm 1990, đảng Liên minh quốc gia vì dân chủ (NLD) do bà đứng đầu giành chiến thắng trong cuộc bầu cử nhưng quân đội không cho phép đảng này nắm quyền, theo BBC. Sau 2 thập niên, đến năm 2010, cuộc bầu cử tiếp theo mới được phép tổ chức tại Myanmar nhưng đảng NLD không được tham gia, theo tờ The New York Times (Mỹ). Đến năm 2012, Aung San Suu Kyi thắng một ghế trong quốc hội tại cuộc bầu cử giữa kỳ, theo BBC.
Aung San Suu Kyi được trao giải Nobel hòa bình vào năm 1991, nhưng phải đến tháng 6.2012, bà mới có thể đến Olso, Na Uy, để nhận giải thưởng này.
|
Bình luận (0)