Hội nghị quốc tế về liền vết thương do Liên hiệp Hội chữa lành vết thương thế giới tổ chức 4 năm một lần, quy tụ các chuyên gia danh tiếng nhất từ 70 nước trên thế giới. Để có tên trong danh sách đại biểu tới Yokohama (Nhật Bản) tháng 9.2012, các nhà khoa học phải gửi báo cáo trước đó một năm. Từ hơn 10.000 báo cáo khoa học khắp thế giới, qua nhiều công đoạn lựa chọn, cuối cùng chỉ còn 325 báo cáo được xướng tên và hầu hết đều do các giáo sư tên tuổi lẫy lừng thuyết trình. Là thành viên trẻ tuổi nhất đoàn Việt Nam, bác sĩ Đỗ Xuân Hai “không thể tưởng tượng nổi” khi biết mình được chọn thuyết trình báo cáo “Tác động ánh sáng cường độ cao IPL tới khả năng liền vết thương trên thực nghiệm”. Ban tổ chức đã bỏ phiếu chọn công trình của anh là một trong 5 công trình được khen thưởng tại hội nghị vì có tính mới và khả thi cao.
|
“Ý tưởng nghiên cứu đề tài liền vết thương bằng cường độ ánh sáng xuất phát từ hình ảnh đau đớn của người bệnh. Có rất nhiều bệnh nhân bị thương do bỏng, chấn thương, tai biến nằm lâu ngày đến loét, hoại tử... Tại Việt Nam, việc sử dụng công nghệ ánh sáng phổ biến tại các cơ sở thẩm mỹ để điều trị mụn trứng cá, tàn nhang, nám da, chống lão hóa... với tác dụng làm tăng độ dẻo dai, căng mịn da. Tìm kiếm tài liệu, tôi thấy trên thế giới chưa có nước nào dùng phương pháp điều trị vết thương lâu lành bằng ánh sáng trắng. Nếu ứng dụng nguồn ánh sáng thành công sẽ giúp người bệnh rút ngắn thời gian nằm viện, tiết kiệm viện phí, nhà nước cũng tiết kiệm nhiều chi phí”, bác sĩ Hai bộc bạch.
Bắt tay vào thực hiện đề tài, do chỉ có 20 triệu đồng hỗ trợ từ học viện, Hai phải dò từng bước một. Không thể thử nghiệm trên người, Hai thiết kế thử nghiệm trên chuột nhắt. Chỉ trong vòng 1 tuần, hiệu quả vết thương lành rõ rệt mà không cần dùng đến thuốc, trong khi thông thường điều trị vết thương lâu lành phải dùng đến kháng sinh liều cao vừa tiêm, vừa uống, cắt bỏ da hoại tử và cấy ghép da. Tỷ lệ liền vết thương hiệu quả tới 80%.
Tuổi đời vừa tròn 30, bác sĩ Đỗ Xuân Hai đã tham gia nhiều đề tài nghiên cứu quan trọng như “Ghép tim trên thực nghiệm 2008 - 2009”; “Vạt ra ngực bên và tạo hình thực quản trên thực nghiệm 2009”... Mong muốn góp một phần công sức, trí tuệ vào thành công của việc ghép tụy trên người trong tương lai, hiện Hai đang chủ nhiệm 2 đề tài nhánh cấp Nhà nước là “Mô hình lấy truyền rửa đa tạng” và “Ghép tụy trên thực nghiệm”.
Trong tháng 11.2012, bác sĩ Hai đã công bố 2 dụng cụ mới xác định cỡ van tim và dụng cụ giúp tạo cầu nối động mạch vành. Ngoài ra, Hai còn ấp ủ nhiều ý tưởng mới như nghiên cứu chế tạo miếng dán chữa liền vết thương, sử dụng thuốc có nguồn gốc từ đông y...
“Có người nói tôi rỗi hơi, đi nghiên cứu cái mà thế giới đã làm rồi, dành quỹ thời gian đó để đi khám bệnh, làm thêm ở phòng khám kiếm nhiều tiền. Tôi lại nghĩ, trình độ y học của Việt Nam không thua kém thế giới, nhưng cái thiếu ở đây chính là không có sự đồng bộ trong thiết bị máy móc. Nước ta còn nghèo, bệnh nhân lại còn nghèo hơn, nếu mình làm điều gì đó có lợi cho bệnh nhân, tiết kiệm tiền viện phí, giảm chi phí đầu tư cho bệnh viện, tại sao lại không? Và biết đâu, một ngày nào đó Việt Nam sẽ có tên trên bản đồ chế tạo dụng cụ phẫu thuật tương lai. Tôi cũng mong nhà nước có quỹ hỗ trợ ý tưởng cho người trẻ, để họ dám thực hiện, dám ước mơ biến cái không thể thành có thể”, bác sĩ Đỗ Xuân Hai tâm sự.
Thu Hằng
>> Băng dán vết thương tự hủy
>> Hủy án vì... chênh lệch số lượng vết thương
>> Vết thương vì sao lâu lành?
>> Vết thương lòng có thể lành không?
Bình luận (0)