Điều trị nám da như thế nào để hiệu quả?

09/03/2024 09:23 GMT+7

BS CKII Nguyễn Lê Trà Mi - Bộ môn Da liễu - Đại học Y Dược TP.HCM Đơn vị Da liễu - Thẩm mỹ da, bệnh viện Nguyễn Tri Phương cho biết nám da là tình trạng rối loạn tăng sắc tố thường gặp, chủ yếu ở nữ giới. Hiện nay có nhiều phương pháp điều trị nám da phổ biến như sử dụng kem chống nắng, bôi thoa, peel da, chiếu laser, lăn kim…

Điều trị nám da như thế nào để hiệu quả?- Ảnh 1.

BS CKII Nguyễn Lê Trà Mi cho biết những người với type da III trở lên theo phân loại da của Fitzpatrick có nguy cơ mắc tình trạng nám da nhiều hơn. Nám có thể ảnh hưởng tiêu cực đến chất lượng cuộc sống, do đó nhu cầu điều trị nám đang ngày càng gia tăng.

Yếu tố gây nên tình trạng nám da

Cơ chế bệnh sinh của nám chưa được hiểu rõ hoàn toàn, nhưng hiện nay người ta thấy rằng nám má gây ra do sự phối hợp của bốn yếu tố chính: di truyền, môi trường (tia UV), nội tiết tố (hormone giới tính, mang thai), phản ứng viêm, cụ thể:

Di truyền: bản thân người đó có những yếu tố dễ bị nám má hơn những người khác. Điều này được chứng minh bởi sự gia tăng nguy cơ nám ở những người có họ hàng trực hệ bị nám.

Ánh nắng mặt trời: là một yếu tố thúc đẩy quan trọng gây hình thành nám, bằng chứng là việc nám thường xuất hiện ở vùng phơi bày ánh sáng và nặng hơn khi tiếp xúc với nắng. Các tia bức xạ UVA, UVB có trong ánh nắng kích thích tế bào hắc tố, từ đó gây ra tình trạng rối loạn sắc tố. Ngoài ra, các tia bức xạ này sẽ thúc đẩy quá trình lão hóa da nhanh hơn và có thể gây ra nguy cơ nám cao hơn.

Điều trị nám da như thế nào để hiệu quả?- Ảnh 2.

Phản ứng viêm: có thể khu trú hoặc toàn thân, gặp trong viêm da tiếp xúc (dị ứng với một số mỹ phẩm, hoặc thoa mỹ phẩm không rõ nguồn gốc), hoặc sau một số các thủ thuật thẩm mỹ.

Nội tiết: Nám da thường xảy ra ở phụ nữ có thai hoặc phụ nữ sau sinh; những người sử dụng thuốc tránh thai. Ngoài ra nám da có thể xuất hiện ở bệnh nhân mắc các bệnh lý nội tiết tại tuyến giáp, buồng trứng vì ở những trường hợp này nội tiết tố trong cơ thể có thể bị thay thế hoặc là bị suy giảm. Chính vì lý do đó mà nám thường hay xuất hiện hơn.

Nám da thường xuất hiện ở vùng mặt. Ba loại nám theo vị trí bao gồm: trung tâm mặt, má và hàm dưới. Loại ở trung tâm mặt thường gặp nhất với sang thương ở trán, má, mũi, môi trên và cằm. Ngoài ra, nám cũng được ghi nhận ở các vùng khác trên cơ thể, đặc biệt là những vùng da thường xuyên phơi bày ánh sáng mặt.

Những người dễ bị nám và nguyên nhân hình thành

Theo BS CKII Nguyễn Lê Trà Mi, những người dễ bị nám thường xuất hiện ở:

  • Gia đình có người bị nám.
  • Phụ nữ trong độ tuổi sinh sản: Nội tiết tố trong cơ thể ổn định sẽ giúp sức khỏe và làn da được nuôi dưỡng tốt nhất. Thế nhưng, khi hormone rối loạn sẽ kích thích sự tăng sinh quá mức của hắc tố melanin, gây nên nám da và đó là lý do vì sao nám hay gặp ở phụ nữ mang thai, sau sinh hoặc tiền mãn kinh.
  • Người thường xuyên tiếp xúc với ánh nắng mặt trời: Trong ánh nắng mặt trời có tia UV nếu trực tiếp tác động lên da sẽ làm vỡ cấu trúc da, phá hủy tế bào da, kích thích sự tăng sinh quá mức của hắc tố melanin và hình thành nám.
  • Chăm sóc da sai cách: Sử dụng mỹ phẩm kém chất lượng, lạm dụng, tẩy lông mặt không đúng cách… khiến da suy yếu, tổn thương dẫn đến rối loạn sắc tố da.
  • Do tâm lý căng thẳng, stress kéo dài: Thường xuyên bị căng thẳng, stress sẽ khiến nội tiết tố bị rối loạn, mất cân bằng và kích thích tăng sinh sắc tố melanin, hình thành nám da.
  • Tác động từ môi trường: Tiếp xúc với môi trường ô nhiễm, nhiều khói bụi… cũng tạo điều kiện thuận lợi để nám hình thành.
  • Sử dụng biện pháp tránh thai: (chứa estrogen hoặc progesterone), cũng liên quan đến rối loạn các hormone. Một số loại thuốc chống co giật cũng có thể là nguyên nhân gây ra nám da.
  • Tăng sắc tố sau viêm: Là tình trạng tăng hắc tố melanin do các phản ứng sau viêm sau khi bị bệnh về da như mụn trứng cá, triệt lông, thực hiện các thủ thuật da.
  • Chế độ ăn uống, sinh hoạt không lành mạnh: Sử dụng thường xuyên các thực phẩm, gia vị cay nóng dễ gây nám như ớt, tiêu, rượu bia, ít bổ sung hoa quả trong thực đơn...
  • Yếu tố khác: Bị suy giáp, sử dụng giường tắm nắng cũng có thể ảnh hưởng đến làn da và tăng nguy cơ bị nám.
Điều trị nám da như thế nào để hiệu quả?- Ảnh 3.

Biểu hiện của nám da

Nám đặc trưng bởi những dát màu nâu nhạt đến đậm, hoặc xám nâu, đối xứng hai bên, cụ thể:

  • Kích thước từ 0,5 đến lớn hơn 10 cm.
  • Vị trí hay gặp nhất là ở mặt.
Điều trị nám da như thế nào để hiệu quả?- Ảnh 4.

Mặc dù việc nám da không ảnh hưởng đến sức khỏe nhưng lại gây ảnh hưởng nhiều đến chất lượng cuộc sống của bệnh nhân, khiến người bệnh tự ti, giảm cơ hội việc làm, giảm tự tin khi giao tiếp. Nếu nám không điều trị sớm có thể ngày càng lan rộng, khiến cho việc điều trị trở nên khó khăn hơn, kéo dài hơn và tốn kém hơn. Đồng thời cũng kéo theo nhiều khiếm khuyết da khác do quá trình lão hóa gây ra.

Việc áp dụng các phương pháp điều trị nám sai cách không chỉ khiến nám không khỏi mà còn có thể để lại nhiều hậu quả nặng nề và khiến điều trị nám da trở nên khó khăn. Bởi nếu như ban đầu, điều trị nám chỉ là ức chế và loại bỏ melanin ra khỏi cơ thể thì với các trường hợp đã gặp phải biến chứng, các bác sĩ sẽ phải giải quyết thêm các vấn đề như:

Bệnh lý rối loạn sắc tố hỗn hợp, gây tăng sắc tố hoặc mất sắc tố. Tăng sắc tố có thể khiến da thâm sạm, đậm màu hơn, da có thể bị đỏ và ngứa. Còn mất sắc tố có thể khiến tế bào sắc tố bị tê liệt, mất chức năng tạo màu khiến da xuất hiện đốm sẹo trắng.

Điều trị nám da như thế nào để hiệu quả?- Ảnh 5.

Tổn thương cấu trúc da: Khiến da trở nên khô, mỏng và yếu. Ngoài ra, điều trị nám da sai cách còn có thể gây tình trạng teo da và giãn mạch (thường gặp trong trường hợp dùng mỹ phẩm có chứa corticoid).

Sắc tố da biến đổi: Đối với những trường hợp bị tổn thương nặng, tế bào sắc tố bị phản ứng ô xy hóa với các chất trị nám, vết nám từ màu nâu chuyển thành màu đen hoặc xám khói gây mất thẩm mỹ.

Phương pháp điều trị nám phổ biến hiện nay

BS CKII Nguyễn Lê Trà Mi chia sẻ, nám có thể điều trị hiệu quả nếu áp dụng đúng phương pháp, tuân thủ đúng phác đồ, liệu trình được chỉ định. Tuy nhiên, nhiều trường hợp, nám có thể khó điều trị và việc xử trí thích hợp là phối hợp nhiều phương pháp. Hiện tại để điều trị nám, bạn có thể sử dụng các những phương pháp như:

Kem chống nắng: bắt buộc, sử dụng hằng ngày kết hợp với quần áo chống nắng, đội nón, tránh tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời.

Thuốc thoa tại chỗ: thuốc có chứa các hoạt chất làm trắng da như a xít azelaic, a xít kojic, acid ascorbic, arbutin,…

Điều trị nám da như thế nào để hiệu quả?- Ảnh 6.

Kem chống nắng được ưu tiên sử dụng để bảo vệ da hạn chế nám xuất hiện ngày càng nhiều hơn

Ngoài việc dùng thuốc, để điều trị nám da còn có các liệu pháp khác như peel da, chiếu laser, lăn kim, huyết tương giàu tiểu cầu PRP, mesotherapy (tiêm vi điểm).

Thời gian điều trị nam thường cần vài tháng để có thể thấy được hiệu quả điều trị và cần phải duy trì lâu dài để tránh tái phát.

Cuối cùng, BS CKII Nguyễn Lê Trà Mi kết luận rằng dù áp dụng cách điều trị nào thì quan trọng nhất bạn vẫn nên đi thăm khám để được các bác sĩ xác định chính xác tình trạng da và có hướng điều trị phù hợp. Tùy từng trường hợp mà bác sĩ sẽ chỉ định loại thuốc hoặc phương pháp điều trị phù hợp nhất.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.