Ám ảnh mùa mưa ở TP.HCM:

Điều ước giản đơn của người dân ở 'rốn ngập' sợ... rác hơn sợ nước

Phan Diệp
Phan Diệp
02/07/2023 12:12 GMT+7

Mỗi năm đến mùa mưu, nhhững người như chị Oanh, bà Kiều không có mong mỏi gì lớn lao, chỉ hy vọng người dân có ý thức hơn, không vứt rác bừa bãi để dù có ngập, rác cũng chẳng trôi theo vào nhà.

"Mưa ngập là cảnh chung tôi chịu, nhưng..."

Từ đầu tháng 5, ông Nguyễn Văn Tiết (70 tuổi, sống ở hẻm 507, đường Nguyễn Văn Quá, Q.12) đã lo chuyện lấy gạch kê tủ lạnh, máy giặt, máy bơm nước lên cao. Những vật dụng nhẹ bằng nhựa như rổ rá cũng không để dưới đất vì mưa lớn trở tay không kịp là trôi sạch. 

Ông Tiết chạy xe ôm truyền thống. Những ngày nghe đài báo dự báo trời mưa, lòng ông như lửa đốt. Có lần đang chuẩn bị chở khách thì mây đen kéo đến, ông lật đật cáo lỗi với khách, chạy một mạch về nhà "sơ tán" đồ đạc.

"Những ngày mưa to, tôi bắc ghế lên chiếc bàn đá, ngồi co ro nhìn dòng nước đen cuốn theo rác, xác động vật, rắn rết trôi lềnh bềnh trước hiên nhà. Có khi lại là cái lu lớn không biết ai đã thả trôi làm tắc nghẽn miệng cống. Nước rút đi để lại lớp bùn nhớt đặc quánh, hôi thối dưới nền nhà ", bà Lâm Mỹ Kiều (67 tuổi, vợ ông Tiết) nói. 

Người dân sống trong "rốn ngập" mong chờ điều gì trước mùa mưa đã về? - Ảnh 1.

Ông Tiết chỉ tay vào dấu nước ngập cao quá thắt lưng.

Phan Diệp

Vợ chồng bà Kiều đang sống trong căn nhà cấp 4 được xây gần 40 năm trước. Bà Kiều vẫn nhớ lý do mình chọn mua mảnh đất này, bởi cạnh con rạch nước xanh có nhiều cây cối mát mẻ. Nhưng rạch này đã "chết", chả thấy con cá nào từ hơn chục năm trước, bà nói.

Mặc con cái đã dọn ra ở riêng nhưng  vợ chồng bà Kiều vẫn chưa có ý định đi nơi khác vì bà con chòm xóm thân quen đều ở đây. 

"Mưa ngập là cảnh chung tôi chịu, nhưng nhà tôi khổ gấp đôi vì con rạch ô nhiễm, nước vào nhà dơ lắm. Tôi mong người dân ở đầu con rạch có ý thức giữ vệ sinh sinh, đừng bạ gì cũng thả trôi xuống đây", bà Kiều nói.

Người dân sống trong "rốn ngập" mong chờ điều gì trước mùa mưa đã về? - Ảnh 2.

Chị Oanh - tiểu thương ở chợ Thủ Đức xây thêm vách ngăn trước cửa hàng để ngăn nước, rác trôi vào nhà khi đường Kha Vạn Cân trước mặt ngập.

Phan Diệp

Điều ước giản đơn mùa "sống chung với lũ" - Ảnh 3.

Rác ngập đầy cống trước mặt cửa hàng của chị Oanh khiến nước mưa chậm rút, gây ngập.

Phan Diệp

Cũng chịu chung cảnh "sợ rác hơn sợ nước" như vợ chồng bà Kiều, chị Minh Oanh - tiểu thương tại chợ Thủ Đức mong là chuyện nạo vét cống được thực hiện thường xuyên hơn nữa. 

Sáng 24.5 vừa qua, mới dọn hàng xong thì chị bất ngờ thấy một đội nhân viên gần chục người bắt đầu khởi thông đoạn cống ngay trước cửa hàng của mình trên đường Kha Vạn Cân, P.Linh Trung, TP.Thủ Đức. Những người công nhân vệ sinh môi trường lật nắp cống lên, rác đủ loại ngập đến miệng cống. "Đó là nguyên nhân khiến khu vực này ngập nhanh, ngập nặng mỗi khi mưa xuống", chị Oanh khẳng định. 

"Tôi lớn tuổi rồi, làm gì ra tiền"

Cũng tại TP.Thủ Đức, ở những điểm ngập nặng của P.Linh Tây là đường Dương Văn Cam và Đặng Thị Rành có những ngôi nhà đã nâng nền cao hơn mặt đường cả mét để ngăn nước mưa tràn vào nhà.

Anh Lê Tấn Hòa (49 tuổi, phó khu phố 4, P.Linh Tây, TP.Thủ Đức) cho biết gia đình mình đã có 3 đời sống trên đường Dương Văn Cam. Trong ký ức thuở nhỏ, anh Hòa đã thấy đoạn đường này bị ngập sau mưa. Người đàn ông lý giải, khu vực này là "cái rốn" của cả phường. 

Đường Dương Văn Cam nằm cạnh rạch Cầu Ngang - nơi thoát nước chung cho những phường có địa hình cao xung quanh như phường Linh Trung, Linh Chiểu và một phần phường Trường Thọ, Bình Thọ. Trong khi đó bề rộng Cầu Ngang khoảng 4m, là vị trí “thắt cổ chai” của toàn tuyến rạch Cầu Ngang. 

Do tốc độ đô thị hóa quá nhanh, các tuyến đường Dương Văn Cam, Đặng Thị Rành là hệ thống cống tròn bằng bê tông cốt thép có đường kính dưới 60cm, đã được đầu tư xây dựng từ nhiều năm trước, chưa đáp ứng được nhu cầu thoát nước theo vùng, lưu vực. 

"Bên cạnh đó, một số dự án tiêu thoát nước cho khu vực như Dự án Cải tạo hệ thống thoát nước khu vực Chợ Thủ Đức chưa triển khai thực hiện; dự án Xây dựng hệ thống thoát nước đường Võ Văn Ngân, TP.Thủ Đức chưa xong nên dẫn đến tình trạng ngập khi mưa lớn, hoặc mưa kéo dài kết hợp triều cường", ông Hồ Đình Chính, Phó chủ tịch P.Linh Tây thông tin. 

"Vì thế, bao nhiêu năm qua chúng tôi tìm cách sống chung với lũ. Mùa mưa đến thì kê đồ đạc lên cao, nhà nào có điều kiện hơn thì nâng nền nhà lên cao hơn. Mấy năm nay, dự án cải tạo khơi thông rạch Cầu Ngang hoàn thiện nhưng vẫn chưa giải quyết dứt điểm được tình trạng ngập ở khu này", anh Hòa cho biết.

Người dân sống trong "rốn ngập" mong chờ điều gì trước mùa mưa đã về? - Ảnh 3.

Rạch Cầu Ngang, đoạn chảy qua đường Kha Vạn Cân, P.Linh Trung, TP.Thủ Đức sau cải tạo.

Phan Diệp

Điều ước giản đơn mùa "sống chung với lũ" - Ảnh 4.

Những ngôi nhà nâng nền cao gần cả mét so với vỉa hè ở khu vực đường Đặng Thị Rành, P.Linh Đông, TP.Thủ Đức.

Phan Diệp

Tuy nhiên, không phải nhà nào cũng có điều kiện để nâng nền. Như trường hợp của gia đình ông Trịnh Văn Vấn ở đường Ung Văn Khiêm, Q.Bình Thạnh.

Sống ở đây từ bé, người đàn ông 68 tuổi chứng kiến nhiều thay đổi của con phố này. Hơn chục năm nay, căn nhà xây từ những năm 80 của gia đình ông trở thành căn xập xệ nhất giữa con phố sầm uất.

Vì vậy, cách mà ông cùng người em trai sống chung cầm cự qua 6 tháng mưa mỗi năm là xây thêm bức thành cao trước cửa nhà để ngăn nước ngoài đường tràn vào. 

"Đường phố nhiều lần nâng cấp nên cao hơn nền nhà tôi. Người đến sau lại xây móng nhà cao hơn người ở trước khiến nhà tôi lọt thỏm. Muốn nâng nền thì phải nâng gác, nâng mái, chẳng khác nào sửa luôn cái nhà. Tôi lớn tuổi rồi, làm gì ra tiền", người đàn ông bán những chiếc hũ, lọ gốm nói giọng bất lực.

Người dân sống trong "rốn ngập" mong chờ điều gì trước mùa mưa đã về? - Ảnh 4.

Bàn thờ ông địa nhà ông Cấn được kê lên cao nhưng khi nước ngập, không trở tay dọn dẹp là bị trôi mất.

Phan Diệp

Trên địa bàn P.Hiệp Phú, TP.Thủ Đức đoạn giao nhau giữa đường Lê Văn Việt và Lã Xuân Oai cũng nằm trong danh sách 18 điểm ngập sau mưa lớn mà Sở Xây dựng công bố hồi tháng 3.2022.

Ông Nguyễn Lê Hiệp, Chủ tịch P.Hiệp Phú chia sẻ: "Đoạn đường này có địa hình thấp trũng, mưa lớn dẫn đến nước từ những vùng đất cao hơn xung quanh đổ về. Tuy nhiên, tình trạng ngập ở đây không kéo dài, hết mưa thì nước cũng rút ngay". Tuy nhiên, người dân sống hai bên đường và người qua lại nơi đây bao năm cũng chịu không ít khổ sở. 

Giải pháp để giải quyết dứt điểm tình trạng này, ông Hiệp cho biết chỉ còn cách mở rộng tuyến đường, cải thiện hệ thống thoát nước. Tuy nhiên, nhiều năm qua, dự án mở rộng đoạn đường này đang còn vướng mắc trong khâu đền bù mặt bằng nên chưa thể triển khai.

 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.