Ngày 16-3 này là năm thứ 44 kỷ niệm vụ thảm sát Mỹ Lai chấn động lương tri thế giới. Cũng đã tròn 20 năm cựu binh Mỹ Roy Mike Boehm đều đặn đến đài tưởng niệm vụ thảm sát Mỹ Lai (Tịnh Khê, Sơn Tịnh, Quảng Ngãi), kéo vĩ cầm. Đằng sau điệu vĩ cầm bất tử là sự từ bỏ của cựu binh Mike với gia đình, người yêu, trường đại học…
Điệu đàn thống hối
8 giờ ngày 16-3, đúng ngày vụ thảm sát Mỹ Lai 44 năm trước (1968), tiếng vĩ cầm trầm buồn cất lên giữa làn khói hương trầm mặc tại đài tưởng niệm, xen lẫn lời kinh cầu.
Mike áo dài khăn xếp, khẽ đưa mình theo điệu vĩ cầm xúc động. Bản nhạc “Ashokan Farewell” (Vĩnh biệt Ashokan) được Mike tự phóng tác hướng về những nạn nhân của vụ thảm sát.
|
Cả không gian im bặt, chỉ điệu vĩ cầm như câu kinh cầu an. “Tôi đến với Việt Nam bằng khói súng và xin được trở lại bằng tiếng đàn. Chỉ mong đó như những lời thống hối, ân hận khôn xiết, mong được tha thứ và gửi niềm hy vọng cầu mong cuộc sống tốt đẹp” - Mike nói.
Một tuần trước chiến dịch Mậu Thân năm 1968, Mike 21 tuổi, theo lời cha từ giã vùng nông thôn Madison (Wisconsin, Mỹ) gia nhập lực lượng Sư đoàn bộ binh 27 của quân đội Mỹ đóng tại chiến trường Củ Chi miền Nam Việt Nam.
Mike là lính văn phòng, không trực tiếp tham gia chiến trận, và chưa từng đặt chân đến chiến trường Tịnh Khê, Quảng Ngãi.
Nhưng 2 năm quân ngũ khiến chàng sĩ quan trẻ dần cảm nhận sự tàn khốc của cuộc chiến phi nghĩa, đang gieo rắc những tang thương, mất mát cho người dân Việt Nam.
Năm 1970, Mike trở về Mỹ, rời bỏ quân ngũ và được cử đi học đại học theo diện cựu chiến binh. Tình cờ, Mike đọc thông tin về vụ thảm sát Sơn Mỹ trên một tờ báo Mỹ đăng nhiều năm trước đó.
Nhận ra sự thật phũ phàng “bản thân bị lừa dối lao vào cuộc chiến tranh phi nghĩa”, anh bỏ trường đại học về quê ở ẩn. Một túp lều dựng gần dòng suối bên một khu làng của Madison, phía bên kho rác tự phát, người cựu binh tự trừng phạt mình bằng cuộc sống khắc nghiệt.
Một chiều giữa những năm 1980, thấy một người dân vứt cây đàn violon tồi tàn ra bãi rác, Mike nhặt đàn về, lau chùi, sửa chữa và kéo thử dây đàn đầu tiên.
Lần nghe bài “Ashokan Farewell”, điệu đàn như chạm vào cõi lòng đồng cảm.
Mike mày mò tự học đàn trong 3 năm. Năm 1992, đúng ngày tưởng niệm vụ thảm sát Mỹ Lai, mọi người thấy một anh Tây cao to, kéo tiếng vĩ cầm bi thương, trầm buồn. Đều đặn mỗi năm, điệu vĩ cầm theo anh hành trình về Việt Nam.
Bỏ người yêu, gia đình…
Ngày đầu trở lại Việt Nam, Mike cứ tưởng người dân sẽ khó chấp nhận cho một “hiện thân của cuộc chiến tranh”. Mike đã lầm khi mọi người chào đón anh bằng sự thân thiện, tha thứ.
|
Khó khăn nhất với người cựu binh này lại ở chính gia đình anh. Daniel Boehm, cậu em kế của Mike từng tham gia chiến trường miền Nam Việt Nam những năm 1969-1970 mới nghe quyết định của anh trai đã ra mặt phản đối dữ dội.
Daniel không chấp nhận sự trở lại Việt Nam vì cho đó là hành động phản bội lại nước Mỹ và thách thức Mike nên rời hẳn khỏi Mỹ trước khi sang Việt Nam.
“Nhà có 6 anh em, đáng ra nó phải hiểu cuộc chiến tranh phi nghĩa hơn ai hết vì từng tham chiến. Vậy mà đến giờ tôi vẫn chưa thuyết phục được… Riêng mẹ thì động viên và tự hào vì những việc tôi đang làm” - Mike kể.
Cô người yêu tên Elsa đã có hơn 1 năm gắn bó và chuẩn bị kết hôn với anh, vẫn tuyên bố thẳng thừng: “Một anh chọn em, hai anh chọn Việt Nam”.
Bất ngờ và sốc mạnh nhưng Mike vẫn khăn gói lên đường sang Việt Nam. “Không chỉ với tiếng đàn, mình cần phải làm nhiều hơn mới có thể phần nào xoa dịu nỗi đau chiến tranh và hàn gắn những mất mát”, Mike tâm sự.
Sau những tuần ở Việt Nam, người cựu binh với cây đàn violon dành tất cả quãng thời gian của mình cho những ngày rong ruổi khắp các thị trấn, tiểu bang ở Mỹ, rồi sang tận Nhật Bản để nói chuyện về cuộc thảm sát Sơn Mỹ.
Vụ thảm sát đến nay không còn xa lạ, nhiều người đồng cảm, chia sẻ, giúp sức.
Tuy nhiên, vẫn có một số người, thậm chí cả cựu binh Mỹ phản đối công việc của Mike.
Đến nay, Mike vẫn ở trong căn nhà thuê chật hẹp tại Wisconsin, từ bỏ sự nghiệp riêng để dành cả quãng đời còn lại cho các hoạt động vì Việt Nam.
Năm 1994, Mike Boehm lập quỹ mang tên Madison Quakers chuyên vận động các nhà hảo tâm, tổ chức tình nguyện, những người bạn Mỹ để hướng về nơi xảy ra vụ thảm sát Mỹ Lai.
Từ dự án quỹ tín dụng Tịnh Khê (với số tiền 3.000 USD), xây trường tiểu học Mỹ Lai… đến nay quỹ Madison Quakers đã xây dựng 17 dự án tại 17 xã ở 7 huyện miền núi, vùng biển Sơn Tịnh, Bình Sơn, Ba Tơ, Sơn Tây (Quảng Ngãi)…
Hội viên hội phụ nữ
Năm nào cũng thế, Mike Boehm đều đặn có mặt ở Việt Nam để tham gia hai sự kiện lớn: Cất điệu vĩ cầm bất tử ở Sơn Mỹ và trước đó, tham gia liên hoan 8-3 cùng Hội liên hiệp phụ nữ tỉnh (LHPN).
|
Mike trở thành “người nhà” không thể thiếu của hội trong những dịp lễ lớn và các hoạt động từ thiện, giúp đỡ. Đặc biệt, các dự án của anh hầu hết đều tập trung cho những phụ nữ nghèo, bất hạnh trên địa bàn.
Theo Mike, phụ nữ là đối tượng tác động bất lợi nhất cả trong chiến tranh và những lúc thiên tai, bão tố, nhưng họ rất rắn rỏi, chịu thương chịu khó và có thể gánh vác cả gia đình. Hỗ trợ cho phụ nữ là cách làm cho gia đình Việt Nam bền vững nhất.
Chục năm nay, Mike được Hội LHPN Quảng Ngãi kết nạp làm hội viên với mã số 01. Mike cười: “Tôi không có vợ, không có người phụ nữ của riêng mình nhưng bù lại có cả Việt Nam và hàng trăm hội viên phụ nữ bên cạnh. Làm hội viên phụ nữ cũng là cơ hội để hòa nhập và hiểu chị em hơn”.
Chị Liên, Chủ tịch Hội LHPN xã Bình Minh (Bình Sơn, Quảng Ngãi) kể: Lần đầu nghe anh Mike là hội viên của mình, ai cũng bật cười. Nhưng chính anh lại hiểu phụ nữ nhất.
Nhờ quỹ vốn tín dụng dự án của anh Mike (trung bình 150 triệu đồng/dự án), nhiều hội viên đã được vay vốn làm ăn, tạo bước chuyển trong đời sống và vươn lên thoát nghèo.
Theo thống kê của Hội LHPN tỉnh, qua các kênh hỗ trợ vốn, xây nhà tình thường, tặng bò suốt 18 năm qua, đã có trên 3.000 phụ nữ nghèo được hưởng lợi.
Mỗi lần về Việt Nam, anh Mike cất công đến thăm từng dự án, động viên chị em với tư cách một “hội viên phụ nữ”.
Hỏi về việc lấy vợ Việt Nam, anh dí dỏm: “Sắp tới tôi phải nhờ các chị bên hội kiểm tra tư chất đàn ông của tôi đã, không mấy người xì xầm bảo tôi “bi di” (pê đê - PV). Mình già rồi, lại nghèo, chắc chẳng chị em nào ưng. Cứ được làm hội viên thế này là hạnh phúc và ấm lòng rồi”.
Với tôi, Mỹ Lai là biểu tượng của tội ác chiến tranh. Hơn ai hết mình phải thấy tội lỗi và trách nhiệm đó. Còn sống chừng nào, tôi mong mình có thể đứng trên đài tưởng niệm cất điệu đàn “vĩnh biệt” và cầu chúc cuộc sống tốt đẹp hơn cho mọi người". - Mike Boehm Lấy cớ tìm du kích Việt Cộng, ngày 16 - 3 - 1968, đại đội Charlie thuộc lữ đoàn bộ binh 11, Mỹ, dưới sự chỉ huy của William Calley đến chiếm đóng thôn Mỹ Lai, làng Sơn Mỹ, huyện Sơn Tịnh, Quảng Ngãi. Chỉ trong vài giờ, 504 người dân làng Sơn Mỹ đã bị lính Mỹ giết chết. Phụ nữ bị hãm hiếp, trẻ em và người già bị đàn áp tàn bạo. |
Theo Tiền Phong
Bình luận (0)