Đình chỉ lưu hành xe khách chở quá số người

19/01/2008 23:46 GMT+7

Cơ quan chức xác định năm 2008 là năm "tổng tấn công vào an toàn vận tải". Ngày 18.1, tại tỉnh Đồng Nai, Cục Đường bộ - Bộ Giao thông vận tải phối hợp với Cục Cảnh sát giao thông (CSGT) đường bộ - đường sắt tổ chức hội nghị chấn chỉnh hoạt động vận tải phục vụ Tết Mậu Tý 2008. Hội nghị này tập trung mổ xẻ các vấn đề liên quan đến đảm bảo an toàn giao thông, đồng thời đảm bảo phương tiện đưa bà con đi lại trong dịp Tết.

Theo cơ quan chức năng, một số nguyên nhân dẫn đến việc xe chở quá tải vẫn còn tồn tại như: do không chủ động được số lượng khách nên các doanh nghiệp, chủ phương tiện không thể huy động phương tiện đi hàng ngàn km để vào hoặc ra đón khách trong dịp trước và sau Tết; công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm chưa thường xuyên, thiếu kiên quyết, xử phạt rồi cho đi nên không khắc phục được dứt điểm; sự phối hợp giữa lực lượng CSGT với Ban chỉ đạo Tết các địa phương chưa chặt chẽ... 

Đặc biệt, khi lực lượng CSGT phát hiện xe vi phạm cần hạ tải, chuyển tải (cần xe khác chở số khách đi trên xe bị đình chỉ lưu hành để tiếp tục hành trình) thì Ban chỉ đạo Tết địa phương không huy động được phương tiện chuyển tải, gây khó khăn cho lực lượng CSGT khi xử lý vi phạm. Hậu quả là nhiều xe chở quá số người quy định một ít cũng được cơ quan chức năng "châm chước" cho qua. "Nhiều năm nay, lực lượng CSGT tỉnh Bình Thuận chưa được hỗ trợ một chiếc xe nào để giải quyết việc hạ tải, chuyển tải. Chúng tôi phải tự lo bằng cách chặn xe khách lại gửi vài người và cứ như thế giải tỏa cho hết cả trăm người thì CSGT mới yên tâm, chứ không dám giao cho nhà xe tự giải quyết với khách. Thậm chí nhiều xe khi bị thổi phạt, CSGT yêu cầu trả tiền lại cho hành khách đón xe khác đi thì nhà xe để xe đó bỏ đi mất tăm. Đến khi chúng tôi đề nghị tháo bánh xe bán đấu giá lấy tiền trả cho khách thì họ mới chịu đến trả lại tiền" - thượng tá Nguyễn Tiến Dũng, Phó phòng CSGT tỉnh Bình Thuận nói. 


Bên trong một chiếc xe "tử thần" - ảnh: Hoài Nam

Không riêng gì Bình Thuận, nhiều tỉnh, thành khác cũng rơi vào cảnh tương tự. Thậm chí đại diện Sở Giao thông Công chính của một địa phương đã khẳng định trước hội nghị là "không có xe để hỗ trợ việc hạ tải". Nhiều ban, ngành lo ngại không giải quyết được bài toán khó này bởi vào những ngày cận Tết rất khó tìm những tài xế chịu cảnh ăn Tết xa gia đình... 

Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Lê Mạnh Hùng nói: "Năm nay là năm tổng tấn công vào an toàn vận tải. Như việc nhà xe không chịu trả tiền cho hành khách khi xe bị tạm đình chỉ lưu hành ở Bình Thuận thì chỉ cần CSGT báo cho chúng tôi, chúng tôi sẽ không cấp phù hiệu". Ông Hùng cũng cho biết, Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải đã ký chỉ thị 03/2008/CT - TTg về việc tăng cường đảm bảo trật tự an toàn giao thông, nâng cao chất lượng phục vụ vận tải khách dịp Tết Nguyên đán và mùa lễ hội Xuân Mậu Tý 2008. Theo tinh thần của chỉ thị này, Bộ Giao thông vận tải sẽ phối hợp với UBND các tỉnh, thành bố trí phương tiện tiếp chuyển hành khách khi xử lý các xe chở quá số người quy định trên một số tuyến vận tải có lưu lượng lớn. Nếu không có phương tiện tiếp chuyển hành khách thì UBND tỉnh, thành đó phải chịu trách nhiệm.

Trao đổi với PV Thanh Niên, trung tướng Phạm Văn Đức, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát khẳng định: "Tôi đã chỉ đạo lực lượng CSGT kiên quyết xử lý đến nơi đến chốn phương tiện nào vi phạm chở quá số người quy định và đình chỉ lưu hành nếu vượt trên 50% - 100% số người quy định được phép chở của phương tiện. Còn việc thiếu xe hoặc không có xe hỗ trợ việc hạ tải thì đó là trách nhiệm của ngành giao thông vận tải. Lực lượng CSGT sẽ xử lý nghiêm, sau đó nhờ báo đài thông tin để răn đe đối với tài xế".  

Đàm Huy 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.